Hôm nay 6.4, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lần thứ 7 (khóa XXII) để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng theo chương trình công tác năm. Trong đó có việc đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 và thảo luận giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Chủ động phòng ngừa
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được các cấp, ngành tăng cường, thực hiện quyết liệt, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý. Do đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, kể cả những vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài từ những năm trước theo kiến nghị của Đoàn công tác số 6 - Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã được giải quyết dứt điểm (3 vụ việc, 9 vụ án).
Xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ năm 2017 - 2021, cấp ủy, UBKT các cấp đã kiểm tra 3.720 lượt tổ chức đảng và 10.359 lượt đảng viên; giám sát 2.906 lượt tổ chức đảng và 6.085 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy, UBKT các cấp đã kết luận về đúng, sai, kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa, hạn chế khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên; đồng thời, phát hiện, xem xét, xử lý kỷ luật 46 tổ chức đảng và 1.849 đảng viên vi phạm; trong đó, xử lý kỷ luật 39 đảng viên vi phạm các quy định về PCTN, lãng phí.
Trong 5 năm qua, đã có 37 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; trong đó có 22 vụ việc, vụ án tham nhũng với tổng số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt gần 113 tỷ đồng. Có 16 trường hợp là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng.
Tại Tam Kỳ, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy (khóa XXI), công tác PCTN có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ quan, đơn vị đã xác định được trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác PCTN, chủ động xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hằng năm để thực hiện.
Công tác phòng ngừa tham nhũng được mở rộng và có sự điều chỉnh phù hợp để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện; công tác kiểm tra, thanh tra được đẩy mạnh, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ thông tin, từ năm 2017 đến nay, Thành ủy, cấp ủy cơ sở và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 860 tổ chức đảng và 780 đảng viên trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng.
Qua thông tin của Công an và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, UBKT Thành ủy Tam Kỳ kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 15 đảng viên và 2 chi bộ. Kết quả, phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, chuyển 7 đảng viên cho cơ quan Công an thành phố điều tra; đình chỉ sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ đối với 15 đảng viên để phục vụ công tác điều tra.
“Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm. Theo đó, xử lý kỷ luật 12 công chức, trong đó chuyển vị trí công tác đối với 3 trường hợp; thực hiện nghiêm túc việc không bố trí những người có quan hệ gia đình làm việc cùng một nơi, cùng một công việc dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí” - ông Hưng cho biết.
Tại TP.Hội An, ông Lê Chơi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An khẳng định, nhờ việc đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp, lấy ngăn ngừa làm chính nên trong giai đoạn 2017 - 2021 chưa có vụ việc tham nhũng xảy ra. Mặc dù công tác PCTN được các ban, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm; tuy nhiên hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”.
Ông Chơi kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Về mô hình hoạt động xem xét phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Tạo điều kiện để nhân dân giám sát
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong PCTN, lãng phí được đề cao. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp PCTN, lãng phí gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 10 là trở lực và thách thức đối với công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng công tác PCTN, tiêu cực luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công tác này phải được thực hiện kiên quyết, kiên trì, với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, triệt để, quyết liệt, hiệu quả.
Gắn đấu tranh PCTN với phòng chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong tỉnh.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong các giải pháp đưa ra, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, toàn tỉnh thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch và trách nhiệm thực thi công vụ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhất là công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về quy hoạch, các cơ chế chính sách trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu trong đầu tư xây dựng cơ bản…
Với tinh thần tạo điều kiện để người dân, các tổ chức được tham gia giám sát việc triển khai thực hiện và bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.