Theo đánh giá của Tỉnh ủy, thời gian qua, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng và phát triển, các vấn đề về văn hóa - xã hội được đảm bảo... Tuy nhiên, Tỉnh ủy nhìn nhận rằng, nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững; quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp; chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn chậm (chiếm hơn 48%). Doanh nghiệp trên địa bàn quy mô còn nhỏ; hạ tầng đô thị nông thôn chưa đồng bộ; kết quả xúc tiến đầu tư còn thấp, có một phần nguyên nhân bởi công tác cải cách hành chính hiệu quả chưa cao...
Phân xưởng lắp ráp ô tô của Khu phức hợp Chu Lai Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Từ những khó khăn được nhận diện, Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1.11.2016 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Tỉnh ủy cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 05 là cơ hội để Quảng Nam khắc phục hạn chế, có những định hướng, giải pháp phù hợp để phát triển, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra.
Cơ cấu lại công nghiệp, du lịch
Để thực hiện Nghị quyết 05 gắn với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, trong chương trình hành động, Tỉnh ủy chủ trương cơ cấu lại các ngành công nghiệp, du lịch gắn với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo đó, tiếp tục rà soát, lựa chọn ngành, lĩnh vực phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và du lịch. Phát triển mạnh ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao tại các khu - cụm công nghiệp. Triển khai đạt kết quả các nhóm dự án trọng điểm thuộc vùng đông nam của tỉnh. Đồng thời tập trung xây dựng các đề án và chương trình hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ đối với ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhất là công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may; chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành có lợi thế như chế biến nông lâm thủy sản, thức uống, linh kiện điện tử; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Trong phát triển du lịch, Tỉnh ủy yêu cầu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27.12.2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển dịch vụ, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; khai thác tiềm năng du lịch của 2 di sản văn hóa thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; đồng thời mở rộng không gian du lịch về phía nam và phía tây; phát triển nguồn nhân lực cao cho du lịch, dịch vụ; tạo chuỗi liên kết du lịch với các tỉnh miền Trung và các trung tâm du lịch lớn của các nước, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; sắp xếp dân cư, quy hoạch, tạo mặt bằng sạch khoảng 2.000ha để thu hút dự án quy mô lớn về phát triển du lịch, dịch vụ ở vùng đông nam của tỉnh; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái Cù Lao Chàm, hồ Phú Ninh, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; lồng ghép các chương trình tôn tạo, bảo vệ và phát huy các di sản, di tích; khôi phục, phát triển các làng nghề và bảo vệ môi trường… Mặt khác, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; tăng cường hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ vận tải, viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.
Tiếp tục với “3 nhiệm vụ đột phá”
Đến năm 2020, khu vực phi nông nghiệp chiếm hơn 90% trong GRDP Giai đoạn 2017-2020 Tỉnh ủy đặt ra chỉ tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm khoảng 10 - 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hơn 16%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hơn 15%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm hơn 30% GRDP; tốc độ năng suất lao động bình quân hàng năm cao hơn 8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2 - 2,5%; phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) duy trì ở tốp 10, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) ở vị trí 15 - 20 trên bảng xếp hạng hàng năm của cả nước. Đến năm 2020, trong GRDP, khu vực phi nông nghiệp chiếm hơn 90%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm dưới 10%; có khoảng 10.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% và qua đào tạo nghề đạt 55%; tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 40%; giải quyết việc làm mới cho 75.000 lao động; đón 8 triệu lượt khách du lịch; có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 32%. Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để thực hiện Nghị quyết 05 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; thúc đẩy chuyển giao khoa học - công nghệ; đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. |
Tiếp tục thực hiện “3 nhiệm vụ đột phá” về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư là giải pháp trọng tâm Tỉnh ủy đề ra trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05 của Trung ương Đảng. Trong đó, Tỉnh ủy yêu cầu toàn tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là phát triển, kết nối các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh; ưu tiên thực hiện theo hình thức công tư (PPP) nhằm phát triển hạ tầng ở các ngành, lĩnh vực. Bố trí vốn đầu tư hợp lý cho dự án, nhất là các dự án động lực, có quy mô lớn nhằm phát huy sức lan tỏa, hiệu quả sau đầu tư. Các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời phối hợp tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị triển khai nhanh dự án, công trình trọng điểm đầu tư trên địa bàn...
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình hành động của Tỉnh ủy đặt ra vấn đề rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề; lựa chọn, đầu tư nâng cấp một số cơ sở đào tạo cấp thiết; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề; xây dựng cơ chế hỗ trợ thu hút học sinh tốt nghiệp THPT vào học tại các cơ sở dạy nghề. Các địa phương, cơ sở dạy nghề liên kết hiệu quả với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo… Tỉnh ủy yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế thu hút, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân tài. Trong đó, phải xây dựng kế hoạch từ nhu cầu vị trí việc làm đến việc bố trí sau đào tạo để định hướng phát triển; ưu tiên những nghề tỉnh đang có nhu cầu để có chế độ đãi ngộ phù hợp...
Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, về tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Phải làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, từ việc xem doanh nghiệp là “đối tượng quản lý” sang “đối tượng phục vụ”. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc: “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”; “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ”. UBND tỉnh duy trì tốt việc tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng để đối thoại, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; tạo môi trường cho doanh nghiệp gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết phát triển. Đồng thời rà soát, thu hồi giấy phép các dự án đầu tư không triển khai đúng tiến độ theo cam kết; thực hiện kịp thời công tác giao đất, xác định giá đất phù hợp và có tính ổn định lâu dài để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, thực hiện dự án đạt hiệu quả; xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp, chiến lược phát triển về mạng lưới khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính quyền cũng cần hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TRƯỜNG ĐỒNG