Đến nay, số lượng người được đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 mới chỉ đạt hơn 18% kế hoạch.
Tại cuộc làm việc với Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh mới đây, Sở LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo lao động của Nghị quyết 12. Ảnh: H.GIANG |
Theo Sở LĐ-TB&XH, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 có tổng cộng 1.554 người tham gia học nghề (có 789 người là đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó đã hoàn thành đào tạo cho 988 lao động, có 831 người đang làm việc tại các doanh nghiệp (với 430 lao động là người dân tộc thiểu số), trong số này chỉ có 442 lao động được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Kết quả chưa như mong muốn
Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Nghị quyết 12, ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH cho rằng, do nhu cầu thực tiễn về lao động của doanh nghiệp đã khác xa so với thời điểm thực hiện khảo sát để ban hành nghị quyết. Trong khi đó, việc thực hiện cam kết cung ứng, tiếp nhận lao động sau đào tạo được ký kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa tốt. Vẫn có tình trạng giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ký cam kết với nhau nhưng sau đó doanh nghiệp tiếp nhận không hết chỉ tiêu đăng ký hoặc từ chối tiếp nhận lao động đã được đào tạo. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cũng gây khó khăn, dẫn đến người lao động bỏ việc, nhảy việc; còn cơ sở đào tạo thì thiếu điều kiện để được quyết toán hợp đồng đào tạo nên không dám tuyển sinh lớp mới.
Bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nói, khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 12 đã xuất hiện ngay những khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ chính việc ngành chức năng đã không nắm bắt được nhu cầu của người học cũng như dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, khi đưa ra bàn để ban hành nghị quyết thì chỉ tiêu đề ra rất cao theo số liệu tại thời điểm khảo sát; trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp hiện nay đã thay đổi. “Từ thực tế các doanh nghiệp trên địa bàn đang cần lượng lớn lao động nên HĐND tỉnh mới ban hành Nghị quyết 12. Tại sao các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mới chỉ đạt hơn 50%? Nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật thì người lao động sẽ bỏ việc, chuyển sang làm ở doanh nghiệp khác. Bởi nhu cầu lao động của các doanh nghiệp rất lớn, chỗ này không đáp ứng được các điều kiện để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì họ sẽ chọn nơi khác làm việc. Như vậy, việc đào tạo lao động của chúng ta đã đạt hiệu quả như mong muốn chưa?” - bà Thu đặt vấn đề.
Đề xuất điều chỉnh
“Ngành chuyên môn của tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, xử lý đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tập trung làm tốt công tác xử lý sau thanh tra. Chúng ta làm cương quyết, có biện pháp căn cơ thì mới cảnh tỉnh, các doanh nghiệp mới không còn chây ỳ trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người lao động”. (Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh) |
Theo ông Trần Đình Quế, khó khăn của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Nghị quyết 12 còn do nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm làm tốt. Vì vậy, ông Quế mong các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải xem đào tạo nghề là biện pháp quan trọng để giảm nghèo; có biện pháp tuyên truyền, vận động đối với những người thuộc diện hộ nghèo trong độ tuổi lao động tham gia học nghề để có việc làm. Đồng thời tổ chức hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức thích hợp ở khu vực miền núi để nâng cao nhận thức cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để họ thường xuyên giáo dục con em tại thôn bản mình có động cơ học nghề lập nghiệp. “Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tập trung chỉ đạo các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề cho người lao động. Trong đó, chú trọng thực hiện mô hình đào tạo tại nhà trường kết hợp với đào tạo tại doanh nghiệp, thực hành sản phẩm tại doanh nghiệp để công tác đào tạo theo đúng thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Cũng như tạo điều kiện cho người lao động sớm làm quen với sản phẩm và môi trường làm việc công nghiệp” - ông Quế nói.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, việc thực hiện khảo sát, nắm bắt lại nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để sớm điều chỉnh chỉ tiêu của Nghị quyết 12 là rất cần thiết. Ông Thùy cũng đề xuất HĐND tổ chức giám sát chuyên đề tại các địa phương nhằm tạo chuyển động mạnh mẽ hơn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Nghị quyết 12. “Việc thực hiện Nghị quyết 12 hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu đối với nghề may công nghiệp. Do vậy, nghị quyết nên mở ra đối với nhiều ngành khác, vì quan trọng là phải giải quyết được việc làm cho người lao động của tỉnh, chứ không phải cứ tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm như hiện nay” - ông Thùy đề xuất. Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu cho rằng, ngành chuyên môn phải rà soát lại nhu cầu của các doanh nghiệp và nhu cầu được đào tạo lao động của các địa phương. Trên cơ sở đó, mới xem xét đưa vào thảo luận có nên điều chỉnh chỉ tiêu nghị quyết hay không. Căn cứ vào tình hình như hiện nay, việc điều chỉnh sẽ rất lớn, kể cả điều chỉnh về chính sách.
HÀN GIANG