Dù triển khai muộn hơn so với nhiều địa phương khác, đến nay Quảng Nam cũng đã hoàn tất các bước chuẩn bị để kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức y tế của tỉnh tinh gọn - hiệu lực - hiệu quả, theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
Sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm nhân lực sẽ góp phần nâng cao hoạt động của ngành. TRONG ẢNH: Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: THANH ĐOÀN |
Cần thiết
Do lịch sử để lại, hệ thống tổ chức bộ máy y tế trên địa bàn Quảng Nam có khá nhiều đầu mối, chồng chéo trong quản lý; việc sử dụng các nguồn lực chưa đạt được hiệu quả cao. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, sắp xếp, đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế là nhiệm vụ rất cấp thiết và quan trọng, là một trong những điểm mấu chốt để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính của ngành. “Sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm nhân lực là việc không đơn giản, nhưng là một đòi hỏi tất yếu, không thể trù trừ, do vậy ngành đã nghiên cứu rất kỹ và cân nhắc hết sức thận trọng để thực hiện” - ông Nguyễn Văn Hai nói thêm.
Do tính chất đặc biệt và sự quan trọng của công việc, quá trình sắp xếp bộ máy được thực hiện trên cơ sở quan điểm nhất quán, rõ ràng, đó là giải thể, sáp nhập những đơn vị không phát huy hiệu quả hoặc có chức năng hoạt động chồng chéo, gây lãng phí nhân lực. Việc thực hiện đảm bảo không gây xáo trộn về bộ máy và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tâm lý người lao động. Cùng với đó, việc sắp xếp phải đảm bảo được những yêu cầu cơ bản nhất: Trước và trong khi tiến hành sắp xếp, hoạt động của ngành không bị gián đoạn; sau sắp xếp, kiện toàn, guồng máy sẽ vận hành tốt hơn, suôn sẻ hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Hai, vướng mắc lớn nhất khi sắp xếp là vấn đề bố trí nhân lực, vì hầu như chỗ nào cũng dôi dư. “Nhưng khó mấy cũng phải làm, và phải làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch; phù hợp với điều kiện thực tiễn và đúng quy định. Cũng có nhiều vấn đề sau sắp xếp cần quan tâm, trong đó có việc đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc do dôi dư sau khi sắp xếp” - ông Nguyễn Văn Hai nói.
Sắp xếp toàn hệ thống
Theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến vào tháng 12.2018 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam sẽ được giao về Sở Y tế sau khi Bộ Y tế bàn giao cho tỉnh quản lý; giao nhiệm vụ khám, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam; giải thể phòng y tế thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố và giao chức năng, nhiệm vụ cho văn phòng UBND và HĐND huyện, thị xã, thành phố thực hiện; tiếp nhận và giao trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về công tác y tế học đường.
Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức y tế sẽ góp phần năng cao hoạt động của ngành. TRONG ẢNH: Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh C.N |
Cũng trong tháng 12.2018, Sở Y tế sẽ sắp xếp bộ máy nội bộ, trong đó Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân - Bảo hiểm y tế sẽ giải thể và giao chức năng, nhiệm vụ này cho Phòng Nghiệp vụ Y, Nghiệp vụ Dược. Đồng thời sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ và Văn phòng thành Phòng Tổ chức - hành chính. Đối với các đơn vị sự nghiệp̣ công lập trực thuộc Sở Y tế, sẽ sáp nhập 5 trung tâm thực hiện chức năng dự phòng (gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản) thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ngoài ra, sáp nhập bộ phận kiểm nghiệm thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vào Trung tâm Kiểm nghiệm thành Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm. Đồng thời nâng cấp Trung tâm Da liễu Quảng Nam thành Bệnh viện Da liễu; thành lập Bệnh viện Phụ sản - nhi trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Nhi tỉnh. Các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và Bệnh viện Da liễu dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2019.
Ở tuyến huyện, sẽ tiến hành sáp nhập Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế và hoạt động theo mô hình trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số. Dự kiến, mô hình trung tâm này đi vào hoạt động kể từ ngày 1.1.2019. Riêng Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An sẽ được xây dựng đạt chuẩn bệnh viện hạng II; nâng cấp Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thành Bệnh viện Điện Nam - Điện Ngọc trực thuộc Sở Y tế (cả 2 đơn vị y tế này sẽ hoạt động theo mô hình đối tác y tế công tư).
Đối với các phòng khám đa khoa khu vực, sẽ giải thể các đơn vị không phát huy hiệu quả, số khác được giữ nguyên nhưng bàn giao về các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý. Đối với tuyến xã, xây dựng và phát triển trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; sáp nhập trạm y tế các xã, phường, thị trấn vào phòng khám đa khoa khu vực đóng trên địa bàn. Riêng trạm y tế tại các phường, thị trấn có trung tâm y tế tuyến huyện đóng chân vẫn được giữ lại để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và thực hiện nhiệm vụ truyền thông - giáo dục sức khỏe và y tế dự phòng.
Sau khi kiện toàn hệ thống tổ chức, ngành y tế Quảng Nam sẽ giảm được tổng cộng 36 đơn vị, 4 công chức (trong tổng số 7 biên chế công chức sẽ giảm theo đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế đến năm 2021) và 93 biên chế sự nghiệp (trong tổng số 590 biên chế sự nghiệp sẽ giảm theo đề án tinh giản biên chế đến năm 2021). Sau khi sắp xếp, kiện toàn, đơn vị hành chính trực thuộc Sở Y tế giảm còn 5 phòng chuyên môn và 2 chi cục. Đối với khối sự nghiệp công lập tuyến tỉnh, sau khi sắp xếp, kiện toàn còn 15 đơn vị, giảm được 4 đơn vị và 18 biên chế, đạt 10,3%. Ở tuyến huyện, sau khi sắp xếp, kiện toàn còn 18 đơn vị, giảm được 18 đơn vị và 40 biên chế. Phòng khám đa khoa khu vực và tuyến xã sau khi sắp xếp, kiện toàn sẽ có 236 trạm y tế và 8 phòng khám đa khoa khu vực; giảm 12 đơn vị đầu mối và 34 biên chế. Riêng đội ngũ nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số sẽ giảm từ 4.361 người xuống còn khoảng 3.000 người. |
CHÂU NỮ