Thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp: Nhiều nơi còn xem nhẹ

DIỄM LỆ 15/08/2016 08:48

Tại không ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện pháp luật lao động (LĐ) còn chưa được xem trọng; trong khi đó người LĐ lại không nắm rõ luật để đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Người LĐ: mù mờ luật

Lâu nay, người LĐ thường chỉ chú trọng đến chuyên môn, ngoài ra, các quy định liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ khi hoạt động trong các cơ quan, DN thường ít quan tâm, tìm hiểu. Họ chừng như giao khoán cho phía DN, vì vậy, nơi nào chú trọng thực hiện Luật LĐ thì người LĐ hưởng lợi, ngược lại nếu DN lơ là, cố tình cho qua thì chịu thiệt thòi. Tại xưởng nghiền của Công ty CP Wei Xern Xin Việt Nam (xã Tam Nghĩa, Núi Thành), dù được đầu tư hệ thống phun nước chống bụi tại các máy nghiền đá, nhưng lớp bụi bẩn bám trên hệ thống máy móc vẫn rất dày. Trong phòng máy, ông Phan Lụa đang điều khiển máy, thi thoảng vẫn ra ngoài chuyền xay đá để chỉnh máy. Mặc dù làm việc trong môi trường ô nhiễm nhưng ông Lụa vẫn không đeo khẩu trang bảo hộ. Ông Lụa kể: “Tôi làm ở đây hơn 20 năm rồi, hồi trước làm công nhân trực tiếp ở máy nghiền đá có đeo khẩu trang, nhưng vô phòng không đeo nữa. Thi thoảng tôi cũng bị ho nhưng chắc ho bình thường thôi”. Hỏi ra mới biết, hơn 20 năm làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại nhưng ông Lụa chưa từng được công ty cho đi khám sức khỏe định kỳ hay khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Bởi nghề của ông Lụa thường xuyên tiếp xúc bụi đá nên bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là điều chắc chắn xảy ra. Vậy nhưng ông Lụa cũng không biết rằng trách nhiệm của DN là phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người LĐ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho những người làm việc ở những vị trí nặng nhọc, độc hại.

Ông Phan Lụa (giữa) chưa từng được chủ doanh nghiệp cho đi khám sức khỏe định kỳ dù làm công việc nặng nhọc, độc hại. Ảnh: D.L
Ông Phan Lụa (giữa) chưa từng được chủ doanh nghiệp cho đi khám sức khỏe định kỳ dù làm công việc nặng nhọc, độc hại. Ảnh: D.L

Chưa kể, nhiều DN chưa đảm bảo quyền cho người LĐ khi thực hiện ký kết hợp đồng LĐ nhưng kéo dài thời gian thử việc, hoặc phân thành nhiều hợp đồng ngắn hạn để tránh đóng BHXH. Điều này hầu hết DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra đều bị phát hiện. Theo đó, họ đổ lỗi cho cán bộ nhân sự không tham mưu hoặc chưa hiểu rõ quy định của pháp luật LĐ.

Chủ doanh nghiệp: lơ là

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao người LĐ chưa được công ty cho đi khám sức khỏe định kỳ, qua đó còn phát hiện được bệnh nghề nghiệp thì ông Chuang Minh Wen - Tổng Giám đốc Công ty CP Wei Xern Xin Việt Nam rất bất ngờ, ông nói rằng chế độ dành cho người LĐ đã được công ty thực hiện rất tốt, nhưng không ngờ vẫn có sai sót. Lập tức ông Chuang Minh Wen gọi cán bộ nhân sự đến để hỏi trách nhiệm, cán bộ nhân sự trả lời rằng do chưa biết quy định nên chưa thực hiện được, sắp tới sẽ tham mưu ban giám đốc công ty tổ chức khám bệnh cho người LĐ. Ông Chuang Minh Wen nói: “Đến Việt Nam làm ăn, chúng tôi rất tôn trọng pháp luật của nước sở tại và cố gắng thực hiện tốt nhất cho người LĐ. Có sai sót ở đây là do nhân sự chưa tham mưu đầy đủ, tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ cho thực hiện sớm”.

Vì chủ DN không tạo điều kiện nên những buổi tuyên truyền pháp luật LĐ cho người LĐ do các cơ quan nhà nước tổ chức rất khó thực hiện. Bà Hứa Thị Kim Nga (Công ty TNHH MTV Sông Hội, TP.Hội An) dù làm kế toán nhưng lại chấp nhận thỏa thuận với chủ sử dụng LĐ không tham gia BHXH. Bà Nga lý giải: “Tôi làm việc ở đây tạm thời rồi đi học tiếp nên không muốn tham gia BHXH, để nhận lương có tiền đi học tiếp chứ trích đóng BHXH thì mỗi tháng mất thêm một khoản”. Bà Nga không hiểu rằng việc đóng BHXH liên quan đến nhiều lợi ích trực tiếp khác trong suốt quá trình làm việc để về sau hưởng chế độ.

Tại Công ty CP Trung Tây Nguyên (TP.Tam Kỳ), khi đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra toàn bộ hợp đồng LĐ thì phát hiện không có chữ ký của chủ sử dụng LĐ. Tại buổi làm việc, kế toán được giám đốc ủy quyền không cung cấp bảng thanh toán tiền lương của người LĐ. Những nội dung liên quan đến người LĐ như: thang bảng lương, huấn luyện an toàn vệ sinh LĐ, khám sức khỏe định kỳ  đều bị DN bỏ qua, không thực hiện theo quy định. Vấn đề này cũng diễn ra tại nhiều DN khác như: Công ty TNHH Bao bì Tấn Đạt (Điện Bàn), Công ty TNHH Hưng Phát (TP.Tam Kỳ), Công ty CP Gạch men Anh Em DIC (Núi Thành)… Thiết nghĩ, do biện pháp xử phạt chưa đủ tính răn đe nên nhiều DN vẫn coi thường pháp luật, bất chấp luật định. Khi DN không thực hiện đầy đủ Luật LĐ chỉ bị nhắc nhở thì người LĐ vẫn còn thiệt thòi và đây là câu chuyện dài, mà trước hết người LĐ phải tự trang bị kiến thức mới có thể đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp: Nhiều nơi còn xem nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO