Theo quy định, từ ngày 1/1/2025, những cơ sở chăn nuôi thuộc nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư ở 10 địa phương trên địa bàn Quảng Nam sẽ không được phép chăn nuôi. Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh (khai mạc ngày 21/9) sẽ xem xét thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giúp người dân có điều kiện di dời đến địa điểm phù hợp, chuyển đổi ngành nghề… để ổn định cuộc sống.
Cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng
Ngày 14/10/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 26 quy định khu vực thuộc nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 26.
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, tại 10 địa phương gồm Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My có khoảng 812 cơ sở chăn nuôi (trong đó có 39 cơ sở chăn nuôi trang trại và 773 cơ sở chăn nuôi nông hộ) thuộc khu vực nội thị, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Thời gian áp dụng quy định trên bắt đầu từ ngày 1/1/2025.
Dự kiến, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam trong 3 năm 2024 – 2026 khoảng 21 tỷ đồng (bình quân 7 tỷ đồng/năm). Theo ý kiến của Sở Tài chính, khoản kinh phí nêu trên, ngân sách tỉnh đảm bảo được.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tập trung xây dựng dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam quy định tại Nghị quyết số 26 và 40 của HĐND tỉnh.
Đến nay, dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ nêu trên đã cơ bản hoàn chỉnh và UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 16 diễn ra trong tuần này.
Mới đây, tại cuộc làm việc với các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh cùng lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để góp phần ổn định đời sống cho các hộ chăn nuôi bị buộc phải dừng hoạt động hoặc phải di dời cơ sở chăn nuôi thì việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp rất cần thiết.
Theo nội dung dự thảo, để hưởng được cơ chế hỗ trợ trên, trước hết các cơ sở chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi chim yến) phải nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 26 và 40 của HĐND tỉnh; được xây dựng và hoạt động trước ngày các nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực.
Ngoài ra, các cơ sở phải có chuồng nuôi để đảm bảo nuôi dưỡng gia súc, gia cầm; có cam kết với UBND cấp xã về dừng hoạt động chăn nuôi hoặc di chuyển đến địa điểm nuôi phù hợp trước thời hạn quy định tại các nghị quyết trên…
Hỗ trợ nhiều khâu
Hiện nay, Trung ương không ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. Do vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo cơ chế, Sở NN&PTNT linh hoạt vận dụng một số quy định của UBND tỉnh đã ban hành để làm cơ sở đề xuất mức hỗ trợ đối với các nội dung có liên quan.
Theo dự thảo cơ chế, về nội dung hỗ trợ tháo dỡ chuồng trại, Sở NN&PTNT đề xuất 3 mức. Cụ thể, đối với cơ sở chăn nuôi có chuồng nuôi kiên cố hỗ trợ 200 nghìn đồng/m2 chuồng nuôi.
Đối với cơ sở có chuồng nuôi kiên cố nhưng có hệ thống làm mát tự động thì ngoài kinh phí hỗ trợ nêu trên, đề xuất hỗ trợ thêm bằng 40% giá trị đầu tư ban đầu hệ thống làm mát (tương ứng 50 nghìn đồng/m2).
Tổng mức hỗ trợ là 250 nghìn đồng/m2 chuồng nuôi. Còn đối với cơ sở chăn nuôi có kiểu chuồng nuôi tạm bợ, đề xuất mức hỗ trợ tháo dỡ, di dời bằng 50% mức hỗ trợ đối với chuồng nuôi kiên cố, tương ứng 100 nghìn đồng/m2 .
Dự thảo cơ chế cũng đề xuất quy định mức hỗ trợ tối đa cho từng loại chuồng nuôi. Trong đó, đối với cơ sở có chuồng nuôi kiên cố, hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/cơ sở (tương ứng 150m2 chuồng nuôi kiên cố); đối với cơ sở có chuồng nuôi kiên cố và có hệ thống làm mát tự động, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở (tương ứng 400m2 chuồng nuôi); đối với cơ sở có kiểu chuồng nuôi tạm bợ, hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ cơ sở (tương ứng 100m2 chuồng nuôi).
Về hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp, sau khi tham khảo ý kiến của ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương, Sở NN&PTNT đề xuất đối tượng hỗ trợ là các chủ cơ sở chăn nuôi, người lao động hợp đồng.
Mức hỗ trợ vận dụng theo Quyết định số 42 (ngày 21/12/2021) của UBND tỉnh là 600 nghìn đồng/người/tháng. Đồng thời dự thảo cũng quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho các chủ cơ sở cùng nhiều nội dung liên quan khác...
Theo bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, qua khảo sát, một số cơ sở chăn nuôi sau khi chấm dứt hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi có nhu cầu vay vốn để chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác hoặc tiếp tục nghề chăn nuôi tại một địa điểm khác phù hợp. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay để phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình.
Theo dự thảo cơ chế, sau khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi và người lao động có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư ngành nghề khác hoặc tổ chức chăn nuôi tại địa điểm khác thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay nhưng tối đa theo mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tại thời điểm giải ngân theo hợp đồng tín dụng.
Mức vay tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi (người lao động); thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 36 tháng tính từ ngày giải ngân theo hợp đồng tín dụng. Các khoản vay phát sinh sau ngày 31/12/2026 sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất…