Thực hiện Thông tư liên tịch số 28 về xác nhận người có công không còn giấy tờ: Chưa thể khai thông

QUANG MƯỜI 08/09/2014 08:38

Sau hơn nửa năm thực hiện Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 của Liên Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ (Thông tư 28), đến nay Quảng Nam chỉ mới thực hiện được ở trong ngành lực lượng vũ trang. Trung tá Nguyễn Hữu Ngọ - Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Hiện chúng tôi đã thực hiện hơn 50 hồ sơ về thương binh và liệt sĩ của quân đội quản lý có hồ sơ theo tinh thần thông tư trên và đã gửi về Quân khu 5, Bộ Quốc phòng để thẩm tra, giải quyết và đang tiếp tục triển khai ở các cơ quan quân sự địa phương”. Trong khi đó, về phía Sở LĐ-TB&XH đến nay vẫn chưa tiếp nhận một hồ sơ nào đề nghị xác nhận thương binh liệt sĩ theo tinh thần Thông tư 28. Nếu chiếu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 (Thông tư 28) về căn cứ xác nhận liệt sĩ đối với ngành LĐ-TB&XH, số hồ sơ được giải quyết sẽ không nhiều. Bởi không có danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan đơn vị lập trước ngày 31.12.1994 hoặc không có phần mộ được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ và đã gắn bia từ ngày 31.12.1994 trở về trước. Điều đáng nói, có một số đối tượng thực sự tham gia cách mạng hy sinh mà không thoát ly, công tác tại địa phương như cơ sở cách mạng, dân công, cán bộ thôn, xã, cán bộ khối Dân - Chính - Đảng thoát ly hoạt động hoặc những trường hợp có mộ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ nhưng lại không đủ điều kiện để áp dụng theo Điều 3 của thông tư trên. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thông tư này, thân nhân những người tham gia cách mạng hy sinh hoặc bản thân người tham gia hoạt động cách mạng ở cơ sở bị thương có rất nhiều ý kiến không đồng tình về căn cứ xác nhận trường hợp người có công của Thông tư 28. Chẳng hạn như giấy tờ tài liệu hiện nay do các địa phương lưu giữ đã được Hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã thông qua như biên bản xét duyệt đề nghị suy tôn liệt sĩ, công nhận thương binh hoặc danh sách cá nhân ở các nhà tù theo danh mục của Bộ LĐ-TB&XH được cơ quan có thẩm quyền xuất bản có được xem xét là giấy tờ, tài liệu có giá trị để làm căn cứ. Còn đối với thương binh, quy định căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 thì không thể thực hiện được việc xác nhận người hưởng chính sách như thương binh vì không có giấy tờ, tài liệu chứng minh bị thương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh về thương binh, liệt sĩ theo tinh thần Thông tư 28 là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng như quy định của Thông tư 28 thì là đã có giấy tờ gốc (các căn cứ quy định của thông tư) chứ không thể gọi là “không giấy tờ” đối với trường hợp ngoài quân đội. Mà nếu có căn cứ thì người ta đã thực hiện hồ sơ để hưởng chính sách người có công từ lâu. Cho nên những trường hợp chưa thể xác nhận còn rất nhiều ở các địa phương. Để tháo gỡ vấn đề này chúng tôi đã đề nghị Liên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng xem xét sửa đổi bổ sung quy định “2 người cùng đơn vị xác nhận (có phô tô quá trình tham gia cách mạng của người xác nhận kèm theo như lý lịch đảng, lý lịch cán bộ, hồ sơ BHXH như theo quy định trước đây) để làm căn cứ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Chỉ có như thế, việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách theo Thông tư 28 đối với khối Dân - Chính - Đảng ngoài quân đội mới được khai thông”.

QUANG MƯỜI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện Thông tư liên tịch số 28 về xác nhận người có công không còn giấy tờ: Chưa thể khai thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO