Thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất: Chưa thực sự mạnh mẽ

NGUYỄN SỰ 30/03/2017 09:31

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, nói rõ là phát triển kinh tế hợp tác được xác định là một nội dung hết sức quan trọng. Bởi đây là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ở Quảng Nam, những năm qua các ngành, các cấp đã nỗ lực thực hiện khâu này, dù bước đầu đã có được kết quả khả quan, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn không ít hạn chế…

Nhiều HTX nỗ lực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp nhà nông giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều HTX nỗ lực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp nhà nông giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư. Ảnh: VĂN SỰ

“Bà đỡ” của kinh tế hộ

Đầu năm 2012, khi phát động xây dựng NTM, xã Đại Hòa (Đại Lộc) chỉ đạt 7 tiêu chí. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể và tinh thần đồng thuận cao của nhân dân nên đến cuối năm 2016 địa phương này đã hoàn thành 19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đáng mừng là, nhờ tập trung phát triển mạnh sản xuất, những năm qua đời sống người dân nơi đây chuyển biến rõ nét. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 27,2 triệu đồng, tăng 15,8 triệu đồng so với năm 2011. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Đại Hòa chỉ còn 3,11%, giảm 4,28% so với cách đây 5 năm và nếu trừ các trường hợp thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thì thực chất tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,28%.

Theo đánh giá của ngành chức năng, Đại Hòa đạt được kết quả phấn khởi đó là có sự đóng góp không nhỏ từ mô hình kinh tế hợp tác. Ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Hòa cho biết, nhằm phát huy tối đa vai trò “bà đỡ” của nông dân, từ khi địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đơn vị đã tập trung củng cố tổ chức, chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hữu ích đối với nông nghiệp - nông thôn. Theo ông Tuấn, ngoài dịch vụ cho thuê mặt bằng, thu gom rác thải sinh hoạt, cung ứng vật tư nông nghiệp, đảm nhận phục vụ nước tưới cho việc canh tác lúa, cung cấp điện cho khâu thủy lợi hóa đất màu…, những năm qua HTX Nông nghiệp Đại Hòa còn chú trọng đến vấn đề hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tại những phiên họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh luôn yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thời gian tới phải quan tâm củng cố Ban chỉ đạo đổi mới HTX, bố trí cán bộ có năng lực theo dõi công tác quản lý HTX nông nghiệp trên địa bàn, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ HTX. Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn những xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 hình thành các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hợp tác, phát triển kinh tế của các thành viên và cộng đồng dân cư tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và tích cực hỗ trợ các xã, các HTX kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đạt tiêu chí số 13.

Thành công lớn nhất là HTX Nông nghiệp Đại Hòa cùng với ngành chuyên môn, chính quyền địa phương nỗ lực giúp nhà nông thực hiện hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa, qua đó nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ông Tuấn cho biết, xã Đại Hòa có hơn 157ha đất lúa, cuối năm 2006 toàn bộ diện tích trên đã hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa. Sau khi đồng ruộng được cải tạo, xã khẩn trương quy hoạch xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn 5 thôn gồm Bộ Bắc, Bàu Tây, Bộ Nam, Hòa Thạch, Giáo Tây với tổng diện tích 110ha. Đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa. “Từ năm 2007 đến nay, năm nào HTX Nông nghiệp Đại Hòa cũng đứng ra làm khâu trung gian cho 700 hộ dân ở các thôn trên địa bàn hợp tác với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất các loại hạt giống lúa thuần ở 2 cánh đồng mẫu, theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Thực hiện mô hình liên kết sản xuất, bình quân mỗi vụ thu nhập của nhà nông tăng thêm 12 triệu đồng/ha so với trước đây làm lúa thương phẩm” - ông Tuấn nói.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong tổng số 204 xã tham gia xây dựng NTM trên toàn tỉnh, đến nay đã có 62 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Theo ông Muộn, trong số những xã cán đích NTM, phần lớn hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất ở mức độ tương đối khá. Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển sản xuất, giảm nghèo. Ở các xã có những HTX hoạt động thuộc diện khá giỏi đã hỗ trợ rất lớn cho kinh tế hộ trong các khâu dịch vụ đầu vào và lo chuyện đầu ra của sản phẩm. Đồng thời mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho thành viên. Đặc biệt, nhiều HTX đã cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đóng góp tích cực vào việc xây dựng thành công mô hình NTM…

Nỗi lo trong giai đoạn mới

Nhìn lại 62 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016, có thể thấy sự đóng góp quan trọng của mô hình kinh tế hợp tác trong việc hoàn thành tiêu chí số 13 và các tiêu chí có liên quan khác trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Đó là, tại các địa phương có HTX, tổ hợp tác (THT) mới thành lập trong những năm gần đây phần lớn hoạt động khá đơn điệu, thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đặc biệt, ở một số nơi có tình trạng hình thành các hình thức tổ chức sản xuất (HTX, THT) nhằm mang tính đối phó để đạt tiêu chí số 13 chứ chưa thấy hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sự cần thiết phải củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác để tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế của địa phương chuyển biến. Điều lo nhất hiện nay là, qua kiểm tra tiêu chí số 13 tại 50 xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020, các cơ quan chức năng của tỉnh xác định có đến 28 xã chưa có HTX. Trong khi đó, 22 xã còn lại dù đã có HTX nhưng nếu không củng cố, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ không đạt chuẩn tiêu chí này, đáng chú ý là các xã Bình Trung, Bình Sa (Thăng Bình), Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc), Duy Vinh, Duy Trung (Duy Xuyên), Cẩm Kim (Hội An).

Nhiều ý kiến cho rằng, để mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có thêm 50 xã đạt chuẩn NTM trở thành hiện thực, bên cạnh việc tập trung thực hiện những tiêu chí khác, nhất thiết ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương phải nỗ lực tạo cú hích mạnh cho lĩnh vực kinh tế hợp tác phát triển nhanh, mạnh và bền vững, trên cơ sở đó mới đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 13. Theo đó, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến những mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cao để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX. Chỉ đạo xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động và những HTX không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012. Từng địa phương phải khẩn trương xây dựng đề án phát triển HTX nông nghiệp gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong đó, lưu ý củng cố những HTX đã có ở các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 và tích cực vận động thành lập mới ở những xã chưa có HTX nông nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn đối với tiêu chí số 13. Bởi theo quy định mới của Chính phủ, kể từ năm 2017 tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất chỉ tính đối với HTX, không tính đối với THT.

Theo ông Lê Muộn, chính quyền cấp huyện mỗi địa phương nên chọn 2 - 3 HTX để xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hiệu quả. Trên cơ sở đó, hình thành một số mô hình HTX phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tiễn theo các lĩnh vực khác nhau, có liên kết theo chuỗi các sản phẩm chính ở địa phương mình để tổng kết và nhân ra diện rộng. Thời gian tới, các HTX cũng cần tập trung củng cố những hoạt động, dịch vụ của đơn vị mình theo hướng phát triển ổn định và bền vững, trong đó nhất thiết phải làm tốt các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn mà hộ gia đình không thực hiện được hoặc làm không hiệu quả bằng HTX. Đồng thời mở thêm các loại hình dịch vụ liên quan đến việc giải quyết đầu ra ổn định cho những mặt hàng nông sản chủ lực của thành viên HTX và người dân địa phương. Đặc biệt, cần quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn về làm việc tại HTX…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất: Chưa thực sự mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO