(QNO) - Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề, thời điểm này nhiều người có khả năng làm các mặt hàng thực phẩm "nhà làm" có chất lượng, uy tín được nhiều người tiêu dùng ủng hộ, và nhờ các trang mạng xã hội quảng bá, tiếp thị rộng rãi đến người tiêu dùng.
1. E ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ngày càng xuất hiện trên thị trường nên thời gian gần đây, nhiều bà nội trợ tìm đến những sản phẩm nhà làm để tin dùng. Nắm bắt được thị hiếu của đông đảo khách hàng, các hình thức sản xuất và kinh doanh thực phẩm "handmade" đang trở nên sôi động dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Trên các trang mạng xã hội, vào thời điểm này có rất nhiều các sản phẩm được chế biến thủ công phục vụ ngày tết như khô bò, gà, lạp xưởng, các loại bánh, mứt... đang được rao bán rầm rộ. Dù có giá cao hơn thị trường từ 20 - 40%, nhưng nhờ cam kết không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên các sản phẩm này cũng được khá nhiều người ưa chuộng.
Khởi động thị trường tết từ khoảng hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Trương Anh Thư (ở số 687/15, đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho biết, dịp này, bếp chị tập trung sản xuất các sản phẩm chủ đạo ngày tết như bò khô, tré, thịt heo ngâm mắm, búp bò dầm chua, mứt quật, bánh bông lan nhân mứt trái cây.
Để tạo sự tin tưởng và yên tâm cho khách hàng, chị thường chụp ảnh, quay video các khâu từ chọn nguyên liệu, chế biến đến đóng gói sản phẩm rồi đăng tải lên trang cá nhân để mọi người được xem.
Nhờ cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn, nhất là chọn các nguyên liệu sạch, có nguồn gốc rõ ràng nên các sản phẩm nhà chị được nhiều người ủng hộ và phản hồi tốt, đồng thời giới thiệu bạn bè, gia đình mua thêm.
"Hơn 10 năm gắn bó với nghề, kể cả trong ngày thường, bếp mình cũng chưa bao giờ tồn hàng, sản phẩm ra mới và bán chạy mỗi ngày. Riêng đợt Tết này, đơn hàng đã tăng gấp 10 lần so với ngày thường, mình phải nhờ thêm người thân phụ giúp để kịp giao cho khách hàng đã đặt đơn đón Tết" - chị Thư chia sẻ.
2. Kinh doanh quán cà phê, nhưng nhờ tài nấu ăn ngon, bày trí đẹp mắt nên chị Trần Thị Lệ Miên (ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) lại có thêm thu nhập từ việc đăng bán các món ăn nhà làm.
Chị Miên cho biết, lúc đầu xuất phát từ đam mê bếp núc và nhu cầu phục vụ gia đình, nên chị dành nhiều thời gian nghiên cứu công thức chế biến các món ăn cũng như cách bảo quản, thời gian sử dụng làm sao đảm bảo hương vị của món ăn cũng như sức khỏe của người thân, nhất là nhà có trẻ nhỏ. Rồi khi chế biến được món ngon, vừa vị chị lại muốn giới thiệu đến nhiều người nên thử đăng bán. Nhờ khéo tay, cộng với niềm tin của bạn bè nên món ăn chị được nhiều người đón nhận.
"Tết này mình cũng làm các món như gân bò, tai heo, chân gà ngâm chua ngọt với giá từ 100 - 150 nghìn đồng/hủ, giò thủ có giá 100 nghìn đồng/đòn 500g, kim chi Hàn Quốc và các loại bánh plan, rau cau và muối chấm... có giá vài chục nghìn đồng/sản phẩm để giới thiệu đến mọi người. Vì một mình làm nên mình chỉ nhận đơn vừa đủ sức, cố gắng tạo ra sản phẩm chất lượng giúp mọi người đón tết vui và an tâm hơn" - chị Miên chia sẻ.
Ngoài các trang facebook cá nhân thì trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiktok, Shoppe... cũng đăng bán tràn lan những thực phẩm "handmade" khiến người tiêu dùng khó khăn hơn trong việc lựa chọn.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng trước khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, lựa chọn những địa chỉ uy tín, các mặt hàng có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để mua cho mình và người thân sử dụng...