Thực phẩm "nhà làm" lên ngôi dịp tết

CHÂU NỮ 16/01/2017 08:34

Tết Nguyên đán càng đến gần, thị trường thực phẩm nhà làm, nhà nuôi, nhà trồng (gọi chung là thực phẩm “nhà làm”) càng trở nên rộn ràng từ chợ truyền thống đến “chợ” online…

Đa dạng

Lo ngại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, nhiều người chọn mua sản phẩm “nhà làm” của những người quen biết. Từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thịt đến rau, củ, quả, bánh mứt… “nhà làm” đều được bày bán ở chợ truyền thống hoặc rao bán khá nhiều trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội.

Sản phẩm “cây nhà lá vườn” được nhiều người chọn mua. ảnh: Châu Nữ
Sản phẩm “cây nhà lá vườn” được nhiều người chọn mua. ảnh: Châu Nữ

Thay vì mua heo, gà bán đại trà ngoài chợ như những năm trước, tết năm nay, nhiều người rủ nhau mua heo rừng lai, heo cỏ thả rông, gà thả vườn nuôi trong gia trại, trang trại của người quen biết. Cũng có nhiều người hùn hạp mua heo con về nuôi để tết đến mổ thịt chia nhau. Trước tết mấy tháng, anh Phan Tấn Lễ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) và bạn bè đã mua heo rừng lai con, nhờ người quen ở Tây Giang chăm sóc để tết đến mổ thịt. Còn chị Phan Thị Hà Ân ở phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) chỉ tin dùng thịt heo ở quê. Mỗi tuần một lần, chị nhờ người thân ở Hiệp Đức gửi thịt heo quê về Tam Kỳ. Chị Ân tâm sự: “Mua thịt kiểu này giá đắt hơn nhưng người quen nuôi, không có thuốc tăng trọng nên thịt thơm ngon, đúng chất quê”. Ông Dương Văn Tường có trang trại heo, gà ở phường Hòa Thuận (Tam Kỳ) cho biết, những năm trước ông thường bán sỉ cho thương lái, nhưng tết này khá nhiều người quen đặt mua heo rừng lai, gà thả vườn của gia đình ông vì họ biết ông nuôi heo, gà sạch. Hàng “nhà làm” thường bán cao hơn giá thị trường nhưng vì sức khỏe, nhiều người vẫn chấp nhận. Chẳng hạn, trong khi cam ngoài chợ chỉ bán khoảng 35 - 40 nghìn đồng/kg, nhiều bà nội trợ vẫn chọn mua cam Vinh của người quen với giá lên đến 50 nghìn đồng/kg.

Mua hàng với niềm tin

Trước nguy cơ thực phẩm bẩn tràn làn, người mua thực phẩm cũng thay đổi quan niệm. Thay vì chọn những loại quả to, màu sắc đẹp hay những bó rau xanh mướt, họ chọn loại thực phẩm quê quả nhỏ, sần sùi, đôi khi còn có dấu vết của sâu, nói chung là xấu mã để mua. Cho nên ở góc chợ truyền thống, hàng cây nhà lá vườn thường bán chạy. Đó có thể là mớ cá tôm mà người dân đánh bắt để ăn, còn dư chút đỉnh đem bán; đó cũng có thể gà nhà nuôi, giáp tết bán vài con kiếm tiền chạy chợ hoặc mấy bó xà lách, tần ô, quả bầu, quả mướp, nhà ăn không hết nên đem bán. Tháng đôi ba lần, bà Phạm Thị Lài (60 tuổi, ở xã Tiên Phong, Tiên Phước) mang 2 - 3 con gà xuống Tam Kỳ để bán, tiện thể mua sắm; có khi bà Lài kèm theo rổ chanh hay buồng chuối, chục ổi. Bà cho biết, nhờ vườn rộng, gà bà nuôi thả trong vườn, thịt dai, ngon nên mỗi khi bà đến đầu chợ là đã có người hỏi mua.

Tuy các món hàng “nhà làm” thường có số lượng không lớn, lời lãi không nhiều nhưng việc “tiếp thị” dựa vào công nghệ thông tin vẫn được chú trọng. Để khách hàng tin tưởng vào quy trình chế biến sạch, nhiều người bán hàng nhà làm đã công khai xuất xứ hoặc quy trình chế biến sản phẩm bằng clip trên các trang mạng xã hội. Tết này, chị Nguyễn Thị Tâm (nick mẹ Su Lì) rao bán các món heo khô, bò khô, lạp xưởng, chà bông, các loại bánh mứt… trên mạng. Chị Tâm chia sẻ, người mua hàng qua mạng chủ yếu nhờ tin tưởng nên người bán hàng qua mạng phải giữ chữ tâm và chữ tín mới làm ăn dài lâu được. Do đó, chị Tâm quay các clip về quy trình chế biến từng sản phẩm rồi công khai lên mạng xã hội để người mua an tâm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Lê Thu (giáo viên ở Tam Kỳ) quê Nghệ An, chuyên bán cam Vinh cũng công khai clip về vườn cam nhà trồng để khách hàng tin tưởng... Với những loại hàng và kiểu bán hàng này, nhận xét sau đây có lẽ đúng: Hàng không có nhãn mác, không đăng ký chất lượng nhưng nhiều người vẫn chọn mua, chủ yếu bằng... niềm tin.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực phẩm "nhà làm" lên ngôi dịp tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO