Với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm và chiến lược thành phố thực phẩm thông minh trong tương lai, Đà Nẵng đang hướng đến việc “nâng cấp” nhu cầu của thị dân từ “ăn no” thành “ăn ngon”, “ăn sạch”. Nhưng đó vẫn là câu chuyện dài với nhiều điều cầu suy ngẫm.
Người tiêu dùng ở đô thị ngày càng quan tâm đến chất lượng của thực phẩm. Ảnh: Q.T |
Vẫn mang tiềm thức “ngon, bổ, rẻ”
Thủy sản, rau quả và thịt đóng vai trò chủ chốt trong khẩu phần ăn và dinh dưỡng của người tiêu dùng Đà Nẵng. Qua kết quả điều tra định lượng của 3 chuỗi thực phẩm chính trong khẩu phần ăn của người tiêu dùng Đà Nẵng thì rau củ quả chiếm 159,49 gram/người/ngày, thủy sản chiếm 103,56 gram/người/ngày, thịt chiếm 89,09 gram/người/ngày. Phần lớn người dân TP.Đà Nẵng hiện nay vẫn duy trì thói quen sử dụng thực phẩm tươi sống được mua hàng ngày ở chợ truyền thống. Theo số liệu điều tra định lượng, bình quân 1 hộ dân ở Đà Nẵng có 4,26 người và trung bình một hộ chi khoảng 100 đến 150 nghìn đồng/ngày cho việc mua sắm thực phẩm. Theo ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng, hầu hết người dân vẫn chưa tin tưởng vào việc sản xuất rau có thực sự an toàn hay không, họ cũng không có thói quen tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thay vào đó, họ mua thực phẩm ở những người bán hàng quen trong chợ vì niềm tin vào mối quan hệ “khách quen” để có được thực phẩm ngon và an toàn.
Do duy trì thói quen này nên hệ thống chợ truyền thống thậm chí là “chợ cóc” tại Đà Nẵng vẫn chi phối mạng lưới phân phối bán lẻ của hệ thống thực phẩm Đà Nẵng. Có đến 70 chợ lớn, vừa, nhỏ đang hoạt động tại TP.Đà Nẵng, từ đó gây ra khó khăn lớn trong công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chưa nói đến việc rác thải khó phân hủy từ hoạt động buôn bán, tiềm tàng nguy cơ gây vấn nạn “ô nhiễm trắng”. Thời gian gần đây, xu hướng bán thực phẩm sạch, an toàn qua mạng xã hội đang “nở rộ”, tuy nhiên thật khó để người tiêu dùng có căn cứ xác tín được xuất xứ của các sản phẩm này. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước cũng rất khó khăn trước tình trạng nhiều người kinh doanh online không đăng ký.
Trăn trở về liên kết và chuỗi giá trị
Với diện tích tự nhiên không lớn lại đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, hiện sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm của cộng đồng địa phương và khách du lịch. Từ nhu cầu cấp thiết của thị dân, trong vòng 3 năm qua chính quyền TP.Đà Nẵng đã thiết lập liên kết với 7 tỉnh, thành trong nước để cung ứng rau, trái cây và thịt an toàn. Ở cả 3 chuỗi liên kết (liên kết dọc, liên kết ngang, liên kết ngang - dọc), các loại hình liên kết xuất hiện rất ít, xuất phát từ việc liên kết ngang (tác nhân sản xuất, tác nhân thu gom và tác nhân chế biến dưới hình thức nghiệp đoàn hoặc hiệp hội làng nghề) còn lỏng lẻo nên liên kết ngang dọc chưa có hiệu quả. Trong khi đó, liên kết vùng xuất hiện hầu hết ở luồng cung ứng thực phẩm sản xuất ngoại tỉnh vào Đà Nẵng nhưng chủ yếu tự phát dựa trên cơ chế cung cầu của thị trường.
Trên thực tế, vẫn còn một lượng lớn thực phẩm chưa được truy xuất nguồn gốc vẫn “du nhập” vào chợ đầu mối thông qua tiểu thương. Theo bà Lê Thị Tình - một thương lái nông sản (trú TP.Đà Nẵng): “Thông thường chủ vựa hoặc thương lái chúng tôi phân biệt được chất lượng của các nguồn hàng từ các địa phương khác nhau, ví dụ rau ở Đà Lạt có chất lượng tốt, ít hư hại trong quá trình vận chuyển và thường bán được giá hơn”. Đối với gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn Đà Nẵng và vùng lân cận, nhất là Quảng Nam, người thu gom thường có các mối quen là những người chăn nuôi và sẽ gọi cho họ khi muốn bán gia súc. Người thu gom đơn thuần sau khi mua từ người chăn nuôi lại bán cho các cơ sở giết mổ. Với thủy hải sản, hoạt động thu gom chủ yếu diễn ra ở cảng Thọ Quang, chủ nậu thu mua từ các tàu sau đó phân phối cho các công ty, chợ bán lẻ và khách lẻ khác. Có thể thấy ở cả 3 chuỗi, tác nhân thu gom đều chiếm nhiều ưu thế cạnh tranh mặc dù họ không phải là tác nhân tạo ra giá trị gia tăng và có cơ cấu giá trị gia tăng lớn nhất. Với “tuổi nghề” lâu năm, mạng lưới cung ứng và “chân rết” rộng lớn, am hiểu địa phương sản xuất và thị trường tiêu thụ, họ có nhiều khả năng tạo biến động trên thị trường để thu về lợi ích nhiều nhất có thể.
QUỐC TUẤN