Thực tế sáng tác

NGUYỄN TẤT CẢ 12/01/2013 09:05

Hồi tỉnh Quảng Nam mới tái lập, nhà văn Nguyễn Bá Thâm rủ tôi đến Bình Triều, huyện Thăng Bình xem lễ hội rước cộ Chợ Được (ngày 11 tháng giêng), nhưng khi đến nơi thì phần lễ đã xong, chỉ còn phần hội diễu hành xe hoa ban đêm. Cả hai tiếc nuối, đành lục tục quay về. Trên đường đi, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đề nghị tôi thực hiện chuyến trở lại Bình Triều để tìm hiểu sáng tác. Thú thật là lúc ấy tôi rất lo, vì mình chưa được trang bị nghiệp vụ viết lách, lại thiếu nhiều phương tiện để thu thập tư liệu. Ngần ngại mãi, cuối cùng tôi được Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cấp giấy giới thiệu, liền quẳng xe đạp lên ô tô khách ra Hà Lam rồi  đạp xe thêm gần mười cây số mới tới ngã ba Chợ Được…

Trước khi đi, nhà văn Nguyễn Bá Thâm còn dặn dò kỹ lưỡng cách thức về cơ sở tìm hiểu viết bài. Việc đầu tiên là trình giấy giới thiệu, sau đó gặp lãnh đạo  để hỏi một số vấn đề, xin tư liệu ở văn phòng ủy ban xã, tiếp xúc với những nhân vật điển hình… Đến bây giờ, tôi vẫn luôn cho rằng cách thức đi lấy tư liệu viết bài đó rất hợp với người làm báo chí. Cái tạng của anh làm báo là “bập” ngay vào những vấn đề, sự kiện nóng hổi. Còn anh làm văn nghệ thì cứ nhẩn nha đi, gặp người này, người kia, chiêm nghiệm nhiều vấn đề, tìm cách diễn đạt ý tưởng sao cho có hình tượng thẩm mỹ… Sau chuyến đi, về sắp xếp lại tư liệu, tôi viết một ghi chép. Tôi  lên gặp nhà văn Hồ Duy Lệ, lúc ấy làm Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh kiêm Tổng Biên tập Báo Quảng Nam. Ông Lệ gật gù đọc bài viết của tôi, rồi quyết định gửi sang in báo. Vậy là ghi chép có tựa “Đi giữa Bình Triều” của tôi được vào số chủ nhật đầu tháng 1.2000.
Nhìn thành quả chuyến đi của mình gửi gắm trên báo, quả thực tôi rất vui mừng. Niềm vui được nhân lên khi tôi có dịp trở lại Bình Triều, gặp cảnh cũ người xưa. Không ngờ họ vẫn còn nhớ đến tôi, một nhà thơ trẻ, dáng người nhỏ thó đạp chiếc xe cũ kỹ xuống gặp và hỏi họ bao điều về cuộc sống, về những năm tháng chiến tranh  trên vùng đất anh hùng này. Họ còn lôi ra tờ báo có bài ghi chép của tôi để khoe, như là minh chứng cho một kỷ niệm đẹp…

Gần đây, trong lúc “trà dư tửu hậu” với anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Nam, anh em văn nghệ sĩ cố lục lọi trí nhớ những hiệu may nổi tiếng tại Tam Kỳ để tư vấn cho nhạc sĩ Hoàng Bích, nhưng đành chịu. Những thợ may mà họ biết đều đã già, hoặc nghỉ việc từ lâu, hoặc chuyển chỗ khác... Lại nhớ, cách đây không lâu, một anh bạn hỏi tôi rằng Tam Kỳ có xưởng cơ khí nào lớn không? Tôi vừa ngỡ ngàng vừa “bực” cho câu hỏi mang tính thống kê của anh, nhưng rồi ngẫm lại mà giật mình. Hơn 30 năm sống ở Tam Kỳ, mình biết được gì về vùng đất và con người nơi đây? Một tiệm may áo quần đẹp, một xưởng cơ khí lớn cũng rất cần được biết đến như biết về rạp chiếu bóng, bến xe, chợ búa...

Thế mới biết, cuộc sống thay đổi từng ngày, chúng ta không bám sát sẽ trở thành người lạc hậu lúc nào không hay. Và vì thế, những chuyến đi thực tế sẽ giúp người làm văn nghệ “làm mới” cảm xúc, nắm bắt đời sống thực tại. Bao nhiêu năm nay, lúc thì đi thực tế sáng tác với nhóm văn nghệ sĩ, lúc rong ruổi một mình, tôi vẫn luôn ý thức góp nhặt những tư liệu về vùng đất, con người nơi mình đến. Dù tư liệu thuộc dạng nào thì nó vẫn là vốn sống quý báu đối với người mon men vào nghề viết lách…

NGUYỄN TẤT CẢ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực tế sáng tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO