Thực thi cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh

TRỊNH DŨNG 13/10/2023 08:09

Quảng Nam đã linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết 02, Nghị quyết 105 và Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp...

Chính quyền sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: T.D
Chính quyền sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: T.D

Linh hoạt

Dự án hạ tầng công nghiệp Thaco Chu Lai với diện tích 425ha tại xã Tam Anh Nam vướng giải phóng mặt bằng đã nhiều năm. Sau rất nhiều cuộc họp, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tiếp tục hối thúc UBND huyện Núi Thành phải nhanh chóng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục thu hồi đất. Có thể tính đến chuyện cưỡng chế, thu hồi đất (theo đúng quy định pháp luật) những hộ chây ì, trước ngày 15/10/2023.

Công ty CP Dệt may 29/3 đề nghị phê duyệt điều chỉnh tiến độ Dự án đầu tư xí nghiệp may Duy Trung (giai đoạn 2) tại Cụm công nghiệp Tây An (Duy Trung, Duy Xuyên) đã được chính quyền yêu cầu các sở, địa phương liên quan kiểm tra, giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ Thái Dương, Công ty CP Tư vấn và phát triển điện Cửu Long và nhiều nhà đầu tư khác kiến nghị hoàn trả tiền ký quỹ đầu tư dự án, cũng được UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở ngành giải quyết trong thời gian nhanh nhất...

Những vụ việc kể trên nằm trong số hàng trăm công việc khác mà chính quyền địa phương đã thực hiện trong hơn 9 tháng qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Tổ công tác 1181 của UBND tỉnh đã giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp công nghiệp, du lịch, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng và sẽ xem xét, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản. Không chỉ một “chiến dịch giải cứu”, mọi chính sách, cơ chế, hành động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thực thi các chính sách giảm thuế, hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp có đà hồi phục, giúp họ tìm con đường ngắn nhất để tăng cơ hội duy trì sản xuất, kinh doanh là điều phải làm ngay, bức thiết và khẩn cấp.

Yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ đã được địa phương thực thi. Chính quyền tỉnh đã yêu cầu các cơ quan quản lý tùy “chức phận” của mình, thể hiện năng lực thừa hành hỗ trợ doanh nghiệp.

Các cuộc kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương với các nhà phân phối, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại các diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay.

Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân. Ngành thuế, hải quan cũng tích cực giải quyết các thủ tục thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động xuất, nhập khẩu, giảm gánh nặng thủ tục hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Viết Hà – Giám đốc Viễn thông Quảng Nam nói các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế được địa phương thực thi nhanh, kịp thời đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, qua đó kích cầu tiêu dùng, yên tâm vượt qua khó khăn, duy trì, sớm phục hồi, mở rộng sản xuất.

Tiếp tục sứ mệnh vì cộng đồng

Chính quyền địa phương không đủ thẩm quyền để tự ban hành các cơ chế, chính sách, chỉ trông đợi vào Trung ương. Điều quan trọng nhất là chính quyền luôn đặt quyết tâm, nâng cao năng lực thừa hành, thực thi các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế từ Trung ương.

Chính quyền tỉnh đã tận lực hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh theo các nghị quyết, công điện của Thủ tướng Chính phủ trong thẩm quyền của địa phương.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư là trách nhiệm và việc làm thường xuyên, vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương.

Sự khác biệt của việc thực thi mệnh lệnh cải cách là chấm dứt tình trạng thiếu phối hợp, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, địa phương. Chính quyền Quảng Nam đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm để nâng cao điểm số, thứ hạng PCI, cải thiện môi trường đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh. Thực thi quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các giải pháp, chính sách UBND tỉnh đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ ngay khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, lãi suất, kích cầu tiêu dùng, thủ tục đầu tư.

Kế hoạch của Quảng Nam là sẽ phát huy hơn nữa vai trò của Tổ công tác 1181, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư.

Các kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được tổng hợp thường xuyên, chuyển thông tin, cùng các sở, ngành, địa phương chủ động giải quyết dứt điểm hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện tối đa cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi hơn.

Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng yêu cầu vốn cho các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen” và đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Cơ quan thuế chịu trách nhiệm thực hiện hiệu quả các giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành để kích thích tiêu dùng và đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp...

Một trong những vấn đề được chú ý là mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa từ các sản phẩm OCOP của địa phương. Tiến hành nghiên cứu kỹ các FTA, khai thác các thị trường mới (Trung Đông, Mỹ Latin, Hà Lan...) để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của địa phương và kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ, nhanh các tiêu chuẩn mới của các nước đối tác xuất khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực thi cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO