Cuối tháng 2.2020, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là hướng đi đúng để ngăn chặn thương mại gỗ lậu.
Đảm bảo gỗ hợp pháp
Từ tháng 3.2020, các địa phương trong tỉnh phải xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định PLEGT. Quảng Nam đã đóng cửa rừng từ gần 20 năm trước nhưng thực tế thị trường thương mại gỗ lậu vẫn giao dịch ở nhiều hình thức khác nhau.
Mỗi năm, riêng các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Phước Sơn, Đại Lộc, Nam Giang đấu giá hàng trăm mét khối, thậm chí cả nghìn mét khối gỗ. Chưa kể, trước đây đấu giá một khối lượng gỗ lớn từ tận thu ở các lòng hồ thủy điện.
Một doanh nghiệp tham gia gia công gỗ tại xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, từ hơn 5 năm trở về trước, đơn vị mua gỗ từ Tây Nguyên, nhưng gần đây chuyển hướng mua lại của đối tác nhập khẩu gỗ từ Nam Phi, Malaysia… bởi ưu thế giá thành rẻ, bi (đường kính) lớn, đa dạng chủng loại. Theo doanh nghiệp này, tuy không có sản phẩm xuất sang EU, nhưng không dại gì phải mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ vì với các lô hàng lớn giá trị tiền tỷ, nếu tiêu thụ gỗ nguồn gốc bất minh sẽ bị đối tác trả lại ngay.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước đây không phải ai cũng dễ trúng thầu trong đấu giá tài sản gỗ thanh lý (chủ yếu gỗ tịch thu từ khai thác, vận chuyển trái phép) bởi hình thành nhiều đường dây mua gỗ thanh lý. Mục đích khi có được giấy tờ trúng thầu gỗ thanh lý, lâm tặc dễ dàng hợp thức hóa gỗ lậu. Chính sách pháp luật trước đây có kẽ hở là kiểm lâm không thể xử lý các đồ dùng như bàn, ghế, tủ, cửa, đồ gia dụng… đã thành phẩm, dù biết chính xác nguồn gốc xuất xứ là gỗ lậu.
Tuy nhiên, Thông tư số 27, ngày 16.11.2018 của Bộ NN&PTNT đã quy định cụ thể về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản cho các đối tượng có liên quan đến hoạt động trồng rừng, kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Về việc kiểm soát thị trường gỗ, bằng cơ chế pháp luật, Việt Nam chính thức có hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS).
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thời gian qua pháp luật đã sửa đổi, điều chỉnh một số quy định để xử lý đối với những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp. Để thương mại lâm sản theo chiều hướng minh bạch, hợp pháp, chính quyền tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển cánh rừng gỗ lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, hình thành khu nguyên liệu gỗ rừng trồng. Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, các doanh nghiệp trồng và chế biến lâm sản được hỗ trợ hơn 80 tỷ đồng, phần lớn phục vụ cho mục đích trồng rừng hợp pháp.
Ứng dụng công nghệ
Sở NN&PTNT đang hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động truyền thông VPA/FLEHT. Hiệp định VPA/FLEGT có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ.
Cụ thể: quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu; phân loại mức độ rủi ro doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng; xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT cho lô hàng xuất khẩu vào EU. Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Luật Lâm nghiệp và đã được Quốc hội thông qua ngày 15.11.2017, trong đó có chương về gỗ hợp pháp. Vấn đề băn khoăn là ứng dụng công nghệ nào để xác định và quản lý được chuỗi hành trình của gỗ hợp pháp?
Ông Hoàng Liên Sơn – Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập hồ sơ gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc gỗ bằng mã QR động và tĩnh sẽ giúp các cơ sở chế biến gỗ tuân thủ yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT. Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORRMIS) hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát được chuỗi cung ứng, quản trị được rủi ro thị trường và góp phần nâng cao hiệu lực thực thi Luật Lâm nghiệp 2017 đối với nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Ngành nông nghiệp cho biết, với các doanh nghiệp trồng, chế biến, xuất khẩu rừng cần ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để dễ dàng truy xuất nguồn gốc lâm sản. Người tiêu dùng cũng cần đòi hỏi được sử dụng sản phẩm lâm sản trong nước và ngoài nước thực sự “sạch”.
Hiện nay, Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, ứng dụng phần mềm phân loại doanh nghiệp điện tử kết nối với cơ sở dữ liệu vi phạm Luật Lâm nghiệp và hệ thống cấp phép FLEGT điện tử trên địa bàn tỉnh ngay khi phần mềm được công bố áp dụng.