Kế hoạch thực thi kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đang được triển khai gấp rút để kịp hoàn tất các báo cáo, đề án, dự án kịp thời hạn báo cáo Chính phủ (quý II&III.2022).
Đồng loạt triển khai các nhiệm vụ
Chính quyền Hội An đã hợp đồng tư vấn, phác thảo đề án phát triển bền vững đô thị cổ Hội An, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch. Tổ soạn thảo các cơ chế, chính sách liên quan đến huy động, quản lý các nguồn kinh phí phục vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích đã được thành lập. Hội thảo phân tích, bàn và hoàn thiện đề án này sẽ được mở trong một vài ngày tới, trước khi báo cáo, trình Chính phủ.
Việc xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai gắn với khu phi thuế quan Tam Quang đã có tín hiệu ban đầu. Quảng Nam đã rà soát, đánh giá sơ bộ về thực trạng sân bay Chu Lai, chủ động chuẩn bị hiện trạng sử dụng đất, thủ tục giao, cho thuê đất...
Hồ sơ thiết kế sơ bộ tuyến luồng Cửa Lở cơ bản hoàn thành. Sẽ có các hội thảo khoa học làm rõ về sạt lở, bồi lắng, xâm nhập mặn, bãi thải, tiêu thoát lũ… (sau khi Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt).
Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung tuyến luồng Cửa Lở vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 3. Các cơ quan quản lý địa phương đã hoàn tất việc hướng dẫn Thaco thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan và đang hoàn chỉnh đề xuất dự án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư bến cảng 5 vạn tấn tại Tam Hiệp.
Quảng Nam vừa bổ sung phương án phát triển Trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai vào đề án quy hoạch 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Thaco hoàn tất việc xác định vị trí, diện tích, khu vực hậu cần cảng, xác định các loại hàng hóa chủ yếu qua cảng, xây dựng trung tâm logistics container.
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (thuộc Bộ Công Thương) đã báo cáo dự thảo đề cương vào ngày 1.8 và đang hoàn chỉnh đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp phụ trợ và cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Quốc lộ 14E được Bộ GTVT phê duyệt một dự án cải tạo, nâng cấp vào ngày 4.8. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã kiểm tra hiện trường việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang về cảng biển Quảng Nam.
Ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GTVT cho hay dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14E sẽ khởi công năm 2023, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 (km15+270 – km89+700). Sở GTVT đã phối hợp, kiểm tra hiện trường, cung cấp tài liệu cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư hạng mục giải phóng mặt bằng cho các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn. Cuộc khảo sát các điều kiện địa hình, quy hoạch, ảnh hưởng đến rừng vẫn chưa thể xác định được phương án tuyến dự định mở đường mới tốt hơn phương án mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ 14D, 14B và 14E. Thaco đang tiếp tục nghiên cứu để có thể đề xuất phương án khả thi nhất.
Các mỏ cát trắng nguyên liệu để hình thành ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica tại Quảng Nam đã được Tổng cục Địa chất và khoáng sản cử đoàn kiểm tra thực địa (12 – 15.6). UBND tỉnh đã chọn, xây dựng đề xuất dự án đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Bình để hình thành KCN chuyên sâu lĩnh vực silica. Sở TN&MT tiến hành khảo sát, đề xuất phương án xử lý các vị trí có khoáng sản cát trắng theo từng giai đoạn khác nhau...
Nhiều vướng mắc
Thông báo mới nhất ngày 18.8 của UBND tỉnh cho biết tiến trình thực thi các kết luận của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc. Ngày 11.8, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai).
Sẽ nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu. Bộ GTVT đang chờ Thủ tướng ra quyết định thì mới mở các cuộc khảo sát.
Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế đã được Quảng Nam chọn tại Tam Anh, Tam Tiến (Núi Thành) để đầu tư xây dựng. Bộ GD-ĐT trả lời (vào ngày 11.7) sẽ “lưu ý” nội dung này trong quá trình lập quy hoạch.
Bộ KH&ĐT cũng đã đưa đoàn công tác khảo sát thực tế, làm việc với tỉnh về dự án treo làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận Điện Bàn nhưng chỉ mới dừng ở tổng hợp các kiến nghị của tỉnh để báo cáo Thủ tướng.
Chuyện xã hội hóa đầu tư Mỹ Sơn, không chỉ địa phương mà ngay cả Trung ương cũng loay hoay, khó xây dựng đề án vì liên quan đến nhiều cơ chế và tầm nhìn lâu dài.
Việc tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KCN phải trình Thủ tướng phương án xử lý ngay trong quý II.2022 đã không thể thực hiện được. Bộ TN&MT công bố chưa thể thực hiện việc điều chỉnh, chỉ sẽ phối hợp Quảng Nam trong việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và rà soát bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia (vào năm 2024).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đăng ký làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT để kiến nghị nhiều vấn đề (có nội dung trên). Ngay cả việc Quảng Nam đã rà soát, đánh giá lại diện tích, thực trạng rừng phòng hộ ven biển để có thể điều chỉnh, nhưng cho đến nay các bộ, ngành vẫn chưa thành lập đoàn để khảo sát thực tế.
Bộ TN&MT vẫn chưa trả lời địa phương có được lập thủ tục khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác nhanh để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica hay mặt bằng để triển khai các công trình, dự án theo quy hoạch hay không?
Kết luận Thủ tướng Chính phủ là cơ hội vàng cho Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng trong tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay hiện thực hóa các kết luận này không chỉ hoàn tất trong nhiều năm. Các cơ chế, chính sách đều có tầm nhìn chiến lược, bao giờ có thể triển khai được là cả một vấn đề.
Trong khi Chính phủ yêu cầu các báo cáo, đề án, dự án... đều phải hoàn tất ngay trong quý II & III năm nay để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. UBND tỉnh đã lên kế hoạch (dự định ngày 10.9.2022) sẽ đánh giá tiến độ thực thi các kết luận của Thủ tướng đến đâu trên thực tế.