Những rào cản vô hình lẫn hữu hình vẫn tồn tại khiến việc thực thi Luật Người khuyết tật (NKT) khó đi vào cuộc sống. Vì thế mà Hội Vì sự phát triển của NKT tỉnh Quảng Bình (AEPD) đã đi khắp vùng miền của đất nước nhằm thúc đẩy việc thực thi Luật NKT.
Thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy thực thi Luật Người khuyết tật. Ảnh: D.L |
Rào cản
Tại Quảng Nam, hội thảo do AEPD phối hợp với Hội NKT tỉnh tổ chức đã thu hút sự quan tâm từ NKT của tỉnh. Tham gia hội thảo, NKT được nói lên những thực tế trong cuộc sống, cũng như tâm tư, nguyện vọng bản thân đối với việc thực thi Luật NKT. Qua tâm sự của NKT, có một thực tế đang diễn ra là những rào cản vô hình lẫn hữu hình vẫn tồn tại trong cuộc sống, trong nhận thức của xã hội cản trở việc thực thi Luật NKT, chưa mang lại công bằng, bình đẳng đối với NKT trong mọi lĩnh vực đời sống.
Trong câu chuyện giáo dục hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật, chính sách đã có, nơi nào cũng kêu gọi hòa nhập, nhưng trong thực tế con đường đến trường của các em vẫn lắm khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quang (NKT huyện Điện Bàn) chia sẻ: “Trẻ em khuyết tật vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc đến trường đến lớp. Bản thân các em mặc cảm, tự tin, không dám đến lớp vì sợ bạn bè chê cười hay sợ học không được như bạn bè. Nhưng nếu như thầy cô, bạn bè ở bên động viên, giúp đỡ sẽ tạo thành động lực cho các em ở trường. Trong thực tế, cả đội ngũ giáo viên, tài liệu học tập và cơ sở vật chất dành cho trẻ khuyết tật trong giáo dục còn thiếu và yếu. Ở Quảng Nam, cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật chưa có, khiến các em còn gặp khó khăn trong việc đi học”.
Hay trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều NKT thẳng thắn chỉ ra rằng, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT tại nơi cư trú còn chưa tốt, cơ sở vật chất ở trạm y tế cấp xã, phường chưa được đầy đủ, chưa trang bị kỹ năng chăm sóc NKT của đội ngũ y - bác sĩ. Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chưa có khoa phục hồi chức năng dành cho NKT. Ngay cả các công trình vệ sinh ở các cơ sở y tế cũng không có chỗ dành cho NKT sử dụng một cách thuận tiện. Trong khi đó, NKT thường đau ốm nên đi viện rất nhiều.
Còn có khá nhiều rào cản khác như sự phân biệt đối với NKT trong xã hội vẫn cứ tồn tại dù không nói ra, công trình xây dựng ngay ở cơ quan nhà nước vẫn chưa được thiết kế lối đi dành cho NKT, đào tạo nghề và giải quyết việc làm chỉ được hơn 300 NKT trong tổng số gần 40.000 NKT toàn tỉnh (trong độ tuổi lao động khoảng 70%), hay sự tiếp cận với văn hóa, thể thao, tham gia giao thông, tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin... đối với NKT đều trở nên khó khăn.
Thúc đẩy thực thi Luật NKT
Trước thực tế này, thúc đẩy thực thi Luật NKT trở thành điều bức thiết. Ông Trần Văn Tuân - Quản lý dự án của AEPD cho biết: “Cùng với quyền con người, quyền của NKT đang thu hút sự chú ý của xã hội, nhất là với NKT. Vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng là ước ao, mong mỏi của NKT. Khiếm khuyết một phần cơ thể không làm mất đi giá trị cũng như năng lực, nhưng những rào cản khiến NKT mất đi tự tin, hòa nhập gặp nhiều khó khăn. Luật NKT đã có hiệu lực từ đầu năm 2011, nhưng trong thực tế việc thực thi còn khó khăn. Dự án của chúng tôi nhằm thúc đẩy hơn nữa vị thế của NKT trong xã hội, tạo cho NKT cuộc sống tốt hơn. Đồng thời xây dựng cơ chế phòng ngừa khuyết tật và hỗ trợ tích cực để NKT phát triển”. AEPD được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông qua Trung tâm Ổn định và phục hồi quốc tế Trường Đại học James Madison tài trợ thực hiện. Bước đầu của dự án chính là tổ chức các đợt hội thảo nhằm khảo sát thực tế việc thực thi Luật NKT. Từ đó xây dựng những giải pháp cụ thể xuất phát từ ý nguyện của chính NKT và các sở, ngành của từng tỉnh, xác định cụ thể thời gian thực hiện nhằm đạt được kết quả như mong muốn.
Tại Quảng Nam, Hội NKT đã đúc kết và xây dựng được những giải pháp đi từ thực tế. Ông Trương Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Hội NKT tỉnh nói: “Đối với cộng đồng và cả các sở, ngành cần được tuyên truyền rộng rãi về Luật NKT chứ không chỉ tuyên truyền cho NKT nghe. Sự lãnh đạo của các ngành, địa phương phải sâu sát hơn, vì quyền lợi của NKT. Ngành giáo dục cần xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc giáo dục trẻ khuyết tật. Chương trình sách giáo khoa, thiết bị giáo dục dành cho NKT phải được cụ thể hóa phù hợp. Ở tỉnh ta rất cần một cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho NKT, bởi NKT trong độ tuổi đến trường rất lớn”. Đối với ngành y tế, ở mỗi địa phương, y - bác sĩ ở trạm y tế cần được trang bị kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho NKT; nên sớm thành lập khoa phục hồi chức năng dành cho NKT, nhưng trước mắt việc phục hồi chức năng ở cộng đồng cần được thúc đẩy thực hiện. Trong cộng đồng, những người tâm huyết vì NKT, hay người thân trong gia đình đều có thể trở thành thành viên trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe NKT. Điều cần thiết là phải trang bị, truyền đạt kỹ năng để họ biết cách chăm sóc NKT như thế nào thông qua những khóa tập huấn.
DIỄM LỆ