Thực tiễn giám sát đầu tư cộng đồng

V.ANH - X.NGHĨA 30/10/2014 09:10

Đề án “Tăng cường  năng lực giám sát đầu tư cộng đồng” (gọi tắt là GSCĐ) do Thanh tra tỉnh chủ trì thực hiện từ tháng 11.2013, được triển khai tại 6 huyện, thành phố gồm: Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Duy Xuyên, Thăng Bình.

Quang cảnh buổi tọa đàm về thực tiễn hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng. Ảnh: V.ANH
Quang cảnh buổi tọa đàm về thực tiễn hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng. Ảnh: V.ANH

Nhiều trở ngại

Cùng với các địa phương triển khai đề án, tính đến nay, toàn tỉnh đã củng cố, kiện toàn 196 ban GSCĐ/244 xã, phường, thị trấn (48 xã còn lại do ban thanh tra nhân dân kiêm nhiệm), với tổng số 2.095 thành viên, hầu hết do phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã làm trưởng ban. Qua hoạt động giám sát, ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận 470 đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân, đã kiến nghị giải quyết 427 đơn thư có liên quan đến tranh chấp đất đai, chế độ chính sách trong hỗ trợ bồi thường giải tỏa, bố trí tái định cư. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát 296/378 công trình triển khai trên địa bàn và đã gửi 160 kiến nghị đến các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án. Những kiến nghị đều được đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra giải quyết, khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng công trình.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Trung - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, công tác GSCĐ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và gây cản trở, làm giảm hiệu quả hoạt động. Trong đó có thể kể đến việc đa số tổ chức, lực lượng của các ban giám sát cơ sở còn mỏng, trong khi năng lực giám sát còn hạn chế. Mặt khác, kinh phí hoạt động cấp cho mỗi ban chỉ có 2 triệu đồng/năm; đối tượng chịu sự giám sát thường cản trở, thiếu hợp tác… Nhiều ý kiến cho rằng, người được nhân dân bầu ra để giám sát các công trình của địa phương phải làm hết trách nhiệm vì cộng đồng, phải sâu sát mới mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế năng lực, trình độ của người đi giám sát vẫn là hạn chế lớn. Ông Nguyễn Thành Sơn - Trưởng ban GSCĐ xã Tam Quang (huyện Núi Thành) chia sẻ, vai trò của việc GSCĐ thì lớn, đối tượng nhiều và phạm vi rộng nhưng trình độ, sự hiểu biết về kỹ thuật của các thành viên giám sát không đảm bảo. Khi đi giám sát, ít nhất phải hiểu được bản vẽ công trình, chất lượng vật tư..., tuy nhiên phần lớn thành viên GSCĐ chưa hiểu sâu nên rất khó để giám sát đến nơi đến chốn việc thi công. Ông Lê Văn Hiền - thành viên Ban GSCĐ xã Tam Hải (Núi Thành) nêu một khó khăn khác: “Việc nhà đầu tư hoặc đơn vị thi công không có sự phối hợp với ban GSCĐ, không cung cấp thiết kế, dự toán gây trở ngại cho những người tham gia giám sát. Nếu nhà thầu không chịu cung cấp thiết kế, dự toán của công trình, làm sao giám sát có hiệu quả”.

“Tai mắt” của nhân dân

Lấy kinh nghiệm từ thực tế giám sát tại địa phương, ông Nguyễn Thành Sơn nói: “Thông thường, mỗi khi có công trình được xây dựng tại địa phương, các nhà thầu chủ yếu sẽ thuê nhân công, người lao động tại địa phương đó. Do vậy, muốn phát huy tốt vai trò giám sát, ngoài sự tích cực, sâu sát của ban GSCĐ thì trong quá trình giám sát, thành viên các ban nên tranh thủ tìm hiểu từ những công nhân, trao đổi về ý nghĩa của công trình, giải thích cho họ hiểu đây là công trình của địa phương mình, chính họ và gia đình cũng là những người được thụ hưởng, nếu phát hiện nhà thầu có những vấn đề trong lúc thi công, cần báo với ban GSCĐ để nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời”. Tương tự, bà Trần Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho rằng, một ban GSCĐ ở cơ sở chỉ có 1 - 2 người chuyên trách, trong khi đó năng lực còn hạn chế, kinh nghiệm cũng không nhiều, do đó việc phát huy vai trò của nhân dân trong vấn đề GSCĐ rất quan trọng. Bởi, trong nhân dân, nhân công lao động có nhiều người am hiểu về lĩnh vực xây dựng, nên việc phát huy tinh thần giám sát của nhân dân ở cộng đồng kết hợp với ban GSCĐ là hết sức cần thiết.

Về hiệu quả của công tác GSCĐ, ông Đặng Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành khẳng định, vai trò của các ban GSCĐ ở cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng công trình ở địa phương, tạo được niềm tin trong nhân dân. Ai cũng biết, mỗi công trình, dự án khi triển khai đều có các đơn vị tư vấn, giám sát, họ được tính phụ cấp, tính tỷ lệ phần trăm, hoạt động có cơ sở pháp lý,… nhưng người dân lại ít tin hơn so với những người đại diện cho nhân dân đi giám sát. “Ban GSCĐ là chỗ để người dân đặt sự tin tưởng vào việc đảm bảo chất lượng các công trình, dự án phục vụ cho chính địa phương mình. Hoạt động của ban GSCĐ ở cơ sở mặc dù chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, hoạt động đó đã góp phần tạo lòng tin trong nhân dân vào chất lượng các công trình xây dựng ở địa phương” - ông Nhung nói.

V.ANH - X.NGHĨA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực tiễn giám sát đầu tư cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO