Thức tỉnh hồn nước

VU GIA 11/02/2016 15:10

Năm 1926, cụ Phan Châu Trinh qua đời, có rất nhiều câu đối viếng của các bậc chí sĩ trong nước, như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng,… Đáng chú ý nhất là câu đối viếng của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy, người Nghệ An, bạn đồng khoa của cụ Phan Châu Trinh: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/ Nam phương tịnh độ hậu siêu sinh”. Mở đầu vế đối, phó bảng Nguyễn Sinh Huy đã khẳng định Phan Châu Trinh là người đầu tiên tổ chức phong trào dân quyền ở nước Nam ta. Ý này về sau, nhân ngày kỵ của Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng có viết: “Sóng dân quyền dồn dập tới miền Nam/ Ngày nay ai chẳng thương tâm”. Kỷ niệm 10 năm ngày mất Phan Châu Trinh, cụ Phan Bội Châu cũng viết: “Kẻ tiền đạo, ấy ai người hậu lộ?/ Thập châu niên, ngộ thập châu niên hoài?/ Khóc ông, ông khóc ai ai?”. Như thế, nhà yêu nước Phan Châu Trinh được những vị cùng thời bấy giờ xem là lãnh tụ của phong trào Duy tân, để lại di sản đồ sộ về tư tưởng cách tân để làm cho quốc gia cường thịnh.

Tượng cụ Phan Châu Trinh của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu.
Tượng cụ Phan Châu Trinh của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu.

Bài học cũ... còn mới

Bây giờ đọc lại hai bài Tỉnh quốc hồn ca được phổ biến rộng khắp các trường học kiểu mới xứ Quảng, từ năm 1907, và gắn với thực tế, ta thấy những gì Phan Châu Trinh đã viết vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

“Người khanh tướng, kẻ tấn thân/ Trăm nghề hỏi có trong thân nghề nào?”. Trong lý lịch công chức, ai cũng có ghi nghề nghiệp của mình, nhưng khi tinh giản biên chế, hoặc về hưu (tuổi 55 - 60, nhiều người còn rất khỏe) thì nghề nghiệp ấy cũng đi theo, bởi cái nghề ghi trong lý lịch ấy chẳng phục vụ được gì cho cuộc sống. Và lớp người đó, coi như xong. Ông kêu gọi lớp trẻ “Mau mau đi học lấy nghề/ Học rồi ta sẽ đem về dạy nhau”. Rất tiếc hơn 100 năm rồi, không ai chịu làm theo lời kêu gọi ấy. Tinh thần “hiếu đại học” của ta ngày một cao và thành tích tỷ lệ sinh viên/dân số cũng gia tăng, nên các trường nghề chẳng mấy ai vào. Ai cũng mong… làm “Người khanh tướng, kẻ tấn thân” - loại người mà từ thực tế, Phan Châu Trinh cho rằng “Chẳng qua là quơ cào ba chữ/ May ra rồi ăn xớ của dân/ Khoe khoang rộng áo dài quần/ Trắp, giày bệ vệ rần rần ngựa xe/ Còn bậc dưới ngo ngoe vô kể/ Học cúi lòn kiếm thế vơ quào”. Theo Phan Châu Trinh, cái học nhồi sọ đã sinh ra thói ấy. Cái học mà chỉ “Mong cho biết đua chen danh lợi/ Tìm những đường hủ bại mà đi”, chứ “không biện biệt thị phi”, và “không chỉ rõ đường kia nẻo này”. Trước thực trạng đó, dù là bậc đại khoa trong nền học cũ, nhưng ông và những người cùng chí hướng không hề tưởng tiếc, lên tiếng kêu gọi phải chọn cái học mới, nền giáo dục khác, nhằm “Gặp việc nghĩa trăm thân không tiếc/ Làm việc gì chí quyết cho nên”, nhất là giúp cho mọi người hiểu được “Chết già chết bệnh là thường/ Lợi dân ích nước, chết càng thơm danh”.

Đông kinh Nghĩa thục - nơi cụ Phan Châu Trinh từng diễn thuyết. Ảnh tư liệu
Đông kinh Nghĩa thục - nơi cụ Phan Châu Trinh từng diễn thuyết. Ảnh tư liệu

So chiếu những gì mà báo chí phản ánh gần đây, thì điều ước của Phan Châu Trinh đến nay vẫn là ước mong: “Ước học hành mở cho xứng đáng/ Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua”. Năm nào, tuyển sinh ở ta cũng làm rúng động toàn xã hội. Điểm đầu vào đại học có năm thí sinh đạt 27,5 điểm (3 môn), nhưng vẫn không vào được ngành Y, Dược. Thế nhưng, bằng cấp đại học của ta vẫn không được các nước có nền giáo dục tiên tiến chấp nhận. Hơn 100 năm trước, Phan Châu Trinh đã thấy: “Học đường ta gọi là cao/ Sánh cùng bên Pháp chưa vào bậc trung”. Bây giờ, chuyện học hành ở xứ ta có phải như thế không?

Những ngày gần đây, rộ lên chuyện phải đưa ra tòa vì du học sinh không thực hiện đúng hợp đồng với địa phương, rồi chuyện nên về phục vụ đất nước hay không? Rất nhiều ý kiến phản ánh mọi góc độ, tôi thấy chẳng khác mấy với những gì Phan Châu Trinh đã viết: “Tiền du học sao đành bỏ đứt/ Còn tiền đâu đem vứt lỗ không?/ Nói ra lắm kẻ chếch lòng/ Nín đi thì lại ập ùng lá gan!”, nhưng… “Thử xem các bậc học hành/ Nương hơi dựa bóng, tập tành đã quen/ Người nói “phải”, đứa khen rằng “phải”/ Người nói “không” cũng nhại rằng “không”!/ Học hành còn lắm lông bông/ Đã toan xách gậy xưng ông đem đường”. Và không hiếm người đi học nhưng “Người Á chẳng am tường sự Á/ Học Âu chưa khám phá tính Âu/ Vậy mà tự đắc tự cao/ Tặng mình như thể ngôi sao giữa trời”?

Hình ảnh truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Ảnh tư liệu
Hình ảnh truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Ảnh tư liệu

Có những điều, Phan Châu Trinh viết hơn 100 năm trước tưởng đơn giản, nhưng dường như ta vẫn đang... phấn đấu: “Nào là kẻ đủ bề tài trí/ Nào là người cả chí kinh luân/ Tiếng khen khắp cả xa gần/ Trong khi tuyển cử thì dân nó bầu/ Chẳng hề phải lòn sau cúi trước/ Cũng chưa hề lo ngược chạy xuôi/ Đến khi được chức được ngôi/ Dẫu quan quyền nước, thực tôi dân nhà/ Chẳng khoe khoang vinh hoa chức tước/ Lo những điều ích nước lợi dân”. Vừa rồi, ta sắp xếp lại báo chí cũng là điều mà Phan Châu Trinh đã nói: “Kìa các sở nhật trình nhật báo/ Chỉ để cho nói hão nói huyền:/ Cháy nhà, chó dại, thằng điên/ Cũng nghề bán giấy kiếm tiền cho qua!/ Còn đến chuyện nước nhà lợi hại/ Nào cho ai bàn nói vào đâu?/ Bắt khoan bắt nhặt từng câu/ Còn ai mở miệng cắt đầu kêu ca?”.

Người xưa “Chơi cho liễu chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời”,“Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các, cho người biết tay”, còn đến thời phong trào Duy tân, thì Phan Châu Trinh, khuyến khích nhân dân bước ra khỏi lũy tre làng để đi chơi cho biết đó biết đây, nhưng không phải chơi để mà chơi, mà “Chơi cho biết thói biết người/ Xông pha gió bụi, vẽ vời non sông/ Ấy chẳng phải chơi không vô ích/ Chơi rồi đem sự tích viết ra” để góp phần chấn dân khí, khai dân trí. Và, chuyện này cũng chưa phải cũ.

Và chuyện tự cường, cạnh tranh

Cách nay 30 năm, từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, những mong “Làm cho bá tánh yên tâm/ Làm cho kinh tế càng năm càng giàu”, như những người lãnh đạo phong trào Duy tân từng chủ xướng.

Từ thực tiễn phong trào Duy tân đến công cuộc 30 năm Đổi mới, ngẫm lại những lời cụ Phan Châu Trinh từng nói  tôi thấy vẫn còn mới rợi: “Ngu si dễ khiến mặc dầu/ Làm sao sống được trong bầu cạnh tranh?”. Ông kêu gọi mọi người: “Đừng điều yêu chuộng hư danh/ Phải lo việc thực mới thành đặng công”, và phải “quyết chí thoát vòng trói buộc/ Phải tự mình tiến bước mới xong/ Kìa xem trong cõi Á đông/ Trung Hoa, Nhật Bổn cùng giòng giống ta/ Nhìn ngoái lại Xiêm La gần đấy/ Philippin chẳng bấy nhiêu xa/ Trông người lại ngắm vào ta/ Thiên đường địa ngục cách xa muôn vàn”.

Đọc những dòng chữ ấy, tôi cứ buồn khan. Chúng ta dự kiến GDP bình quân đầu người trong năm 2015, đạt 2.300USD, thì năm 2014, Quỹ Tiền tệ quốc tế xếp thứ hạng về GDP của các nước mà Phan Châu Trinh nhắc trên đã vượt xa ta. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới; Nhật Bản: 36.332USD; Thái Lan: 5.445USD; Philippines: 2.865USD.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành "một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại". Mục tiêu này được diễn đạt "mềm" hơn trong Văn kiện Đại hội IX (năm 2001) của Đảng: "Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đến Đại hội X (năm 2006), lại nhấn mạnh: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Gần đây, đọc Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), tôi thấy mục tiêu đề ra từ Đại hội VIII được “mềm” lần nữa khi Đảng xác định: "Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đó là cái đích để mà phấn đấu. Nhưng tính lộ trình đến giữa thế kỷ XXI, chỉ còn 35 năm. Cũng bằng quãng thời gian ấy - 35 năm qua, nhiều nước quanh ta từ một nền kinh tế ọp ẹp đã trở thành nước công nghiệp hiện đại với GDP như đã dẫn ở trên.

Và nói thêm điều này, muốn non sông giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc no ấm thì tiên quyết phải phòng chống những kẻ hại dân, hại nước. Những năm qua, chúng ta thường nói đến “lợi ích nhóm”, “một bộ phận không nhỏ”,… rồi chống tham nhũng quyết liệt, nhưng chưa tìm ra “phần mềm” hữu hiệu để diệt loài virus ấy. Chính phủ đã từng khẳng định: “Tác hại của tham nhũng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Hơn 100 năm trước, Phan Châu Trinh đã viết: “Ông cha gây dựng non sông/ Mà nay nông nỗi, đau lòng xiết bao!/ Song những kẻ lo sâu nghĩ kỹ/ Mình xét mình ngẫm nghĩ mà coi:/ Nên hư chẳng bởi nước ngoài/ Xưa nay thịt thúi, thì giòi mới sinh!”.

Hy vọng, nghiền ngẫm những bài học từ Phong trào Duy tân đến thực tiễn 30 năm đổi mới, chúng ta sẽ thức tỉnh để rồi chung tay gắng sức xây dựng nền kinh tế dù chưa là điểm sáng nhưng ít ra cũng có chút lập lòe trên bản đồ kinh tế thế giới. Mong thay!

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thức tỉnh hồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO