Ngày mai 21.2, diễn ra cuộc gặp mặt cán bộ công chức ngành thuế Quảng Nam nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Thuế tỉnh. Hẳn sẽ có nhiều câu chuyện để nói về cái nghề thu thuế hết sức cực nhọc vì liên quan đến phận đời, phận người...
Đúng vậy, câu cửa miệng “tiền thuế là của dân” cho thấy sự liên quan của ngành đến đại bộ phận dân chúng (đóng thuế). Và kinh phí hoạt động của các cơ quan công quyền, hay đầu tư phát triển, phần lớn đều dựa vào nguồn thuế thu được. Nói đến sự phát triển của vùng đất, hoặc bất cứ quốc gia nào người ta cũng viện dẫn số thu ngân sách, thu nội địa... ấy là đụng đến thuế. Như Quảng Nam, trong vòng 20 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo thuộc hạng nhứt nước, vươn lên vào tốp các tỉnh thành điều tiết ngân sách về trung ương là nhờ đã có số thu lớn, hơn 20.200 tỷ đồng.
Thu thuế đạt khá là nhờ có nhiều người nộp, nộp số lớn. Điều đó đúng vì số doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng đông đảo. Bức tranh kinh tế cũng sẽ rõ nét hơn khi phân tích số liệu thuế để biết doanh nghiệp làm ăn hiệu quả đến đâu. Muốn Quảng Nam phát triển hơn nữa, thành tỉnh khá của cả nước thì nguồn thu thuế phải lớn; việc mở rộng sản xuất kinh doanh, hay cải thiện môi trường đầu tư cũng để có doanh thu lớn.
Vấn đề đặt ra là, thuế không là chuyện của riêng ai, nhưng chủ yếu liên quan đến người nộp thuế và người thu thuế. Việc này lâu nay dư luận đã bàn nhiều là làm sao cho hai chiều nộp và thu thuế cùng hướng đến một mục đích vì lợi ích chung của xã hội. Khó, chứ không phải dễ. Ở phía người nộp thuế, phần lớn nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có ý thức thuế là nghĩa vụ phải chấp hành, là thể hiện sự đóng góp cho xã hội; nhưng không phải không có trường hợp trốn thuế, chuyển giá, nợ thuế dai dẳng... Ở phía người thu thuế, dù ngành thuế đã có hẳn một chiến lược cải cách thuế, trong đó có phần chú trọng việc xác định chuyển tư cách người quản lý thuế sang người phục vụ. Nghĩa là người nộp thuế chính là khách hàng của người thu thuế. Bây giờ thì anh cán bộ thuế khó mà hạnh họe, bắt nạt người nộp thuế. Cùng với đó, ngành thuế đã chuyển từ cơ chế thông báo thuế sang cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp; người thu thuế dần dần chỉ đảm việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm chính sách pháp luật về thuế mà thôi. Nói vậy, nhưng đâu đó vẫn còn có những “con sâu làm rầu nồi canh” khi hành thu, đốc thu. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ thuế, thanh tra thuế gây ra nhiều bức xúc, áp đặt cơ chế “xin cho” đến doanh nghiệp. Vì vậy, theo khảo sát của bảng xếp hạng V1000 năm 2016 của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report-VNR) thì có đến 91% doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính đơn giản hóa hơn, 62% mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin và 48% mong muốn sự chuyển biến trong nghiệp vụ và ý thức của cán bộ thuế.
Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách thuế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ là 1 trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế; tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp... Mới đây, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, yêu cầu ngành Thuế cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính mà trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Quan trọng nhất, là đạt được các mục tiêu đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 3 nhóm chỉ tiêu: Hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế. Ngành Thuế phải phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế còn không quá 119 giờ/năm, phấn đấu đến năm 2020 còn tối đa là 110 giờ/năm...
Rõ ràng, với bước chuyển tư duy coi doanh nghiệp là trung tâm, thì 3 nền tảng của ngành thuế (thể chế chính sách, quy trình thủ tục, nguồn nhân lực và các ứng dụng công nghệ thông tin) phải nhằm cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp một cách tốt nhất. Chuyện thuế không của riêng ai nhưng mối quan hệ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp là một cốt lõi cần phải kể trên con đường phát triển nguồn ngân sách quốc gia hay địa phương.
ĐĂNG QUANG