Thung lũng hồng ngọc Mogok

KIM OANH 03/06/2016 11:45

Không chỉ nổi tiếng với các ngôi đền và chùa cổ, Myanmar còn có ngọc và đá quý, lớn nhất là vùng hồng ngọc Mogok.

Du khách mê mẩn trước những viên hồng ngọc tại một khu chợ đá quý ở Myanmar.
Du khách mê mẩn trước những viên hồng ngọc tại một khu chợ đá quý ở Myanmar.

Thung lũng Mogok thuộc thành phố Mandalay lớn thứ 2 tại Myanmar, là mỏ đá quý lớn nhất thế giới. Nơi đây cung cấp tới 90% lượng hồng ngọc hay còn gọi là ngọc đỏ (một loại đá quý hiếm) trên toàn thế giới. Do vậy, thu nhập của người dân địa phương chủ yếu dựa vào hoạt động khai thác loại đá quý này để làm hàng mỹ nghệ, trang sức. Còn nhớ năm ngoái, một viên hồng ngọc có màu đỏ như máu chim bồ câu với tên gọi “Mặt trời mọc”, nặng 25,59 cara, có xuất xứ từ Myanmar lập giá kỷ lục hơn 30 triệu USD trong cuộc đấu giá ở Geneva, Thụy Sĩ. Vào thế kỷ trước, một viên ngọc đỏ được xem là huyền thoại Nga Mauk nặng 82 cara cũng được phát hiện tại Myanmar.

Trong hồng ngọc, màu nguyên thủy phải là đỏ nhưng hồng ngọc còn có màu thứ cấp như: cam (đỏ vàng), đỏ tía, tím và hồng. Tuy nhiên, hồng ngọc tại Mogok nổi tiếng thế giới vì nó được đánh giá cao về chất lượng, màu sắc cũng như độ tinh khiết. Được biết, việc đấu giá các viên hồng ngọc Mogok bắt đầu vào thế kỷ thứ 6. Trong khu rừng xung quanh Mogok, phía bắc Myanmar là những quả đồi chứa mỏ đá hồng ngọc có một không hai trên thế giới. Mỏ ngọc kỳ diệu được tạo hóa ban tặng này trở thành niềm mơ ước của người dân địa phương cũng như của những nhà sản xuất, khai thác đá quý. Hiện Chính phủ Myanmar cho phép các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với các công ty, doanh nghiệp Myanmar để mua lại các mỏ đá quý và tiến hành khai thác. Ước tính Mogok có khoảng 1.000 mỏ khai thác hồng ngọc đang hoạt động. để có được những khối đất đá trộn lẫn đá quý đưa vào phân loại, các công nhân, thợ mỏ phải đánh đổi mạng sống, máu và nước mắt khi hành nghề cực kỳ nguy hiểm này. Họ sử dụng chủ yếu là búa khoan và dùng thuốc nổ để phá các tảng đá khổng lồ trong lòng đất rồi dùng các đường ray xe lửa và ròng rọc để kéo chúng lên mặt đất. Có những hầm mỏ lớn tại Mogok có độ sâu 300m hoặc hơn thế nữa. Dù điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, độc hại và thường xảy ra tai nạn, công nhân ở các mỏ đá quý phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày, nhưng thường chỉ kiếm được khoảng 200USD (gần 4,5 triệu đồng) một tháng. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương cũng kiếm sống bằng việc mót đá quý còn sót lại từ các bãi đất đã qua sàng lọc hoặc tại các mương nước chảy ra từ mỏ khai thác. Đã có nhiều người may mắn tìm được nhiều viên hồng ngọc hoàn mỹ hoặc hồng ngọc thô (nhiều màu sắc) và bán với giá từ 3USD đến hàng trăm USD tùy thuộc vào kích thước và chất lượng. Ngoài hồng ngọc, nhiều loại đá quý khác cũng được tìm thấy tại Mogok như xa-phia, ngọc bích…

Mogok được xem là tâm điểm đá quý của Myanmar với các chợ đá quý luôn nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Nhưng khu chợ đá quý lớn nhất của Myanmar chính là Bogyoke Aung San nằm ở Yangon - thành phố sôi động, lớn nhất và là trung tâm kinh tế, văn hóa Myanmar. Nhiều người đến đây không khỏi choáng ngợp trong những dãy cửa hàng đá quý hay được bày bán ở các sạp nhỏ đầy màu sắc. Đá quý ở đây sau khi từ các mỏ như Mogok qua chế tác, được chở về tập trung tại các đầu nậu trên con phố Swe Bon Tha, sau đó chuyển đến Bogyoke để bán cho người nước ngoài.

KIM OANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thung lũng hồng ngọc Mogok
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO