Tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư vào khu công nghệ (KCN) cao, KCN thông tin tập trung trên 341 ha, được xem là “thung lũng silicon” của Việt Nam với kỳ vọng mang lại doanh thu 3 tỷ USD/năm, Đà Nẵng đang hướng đến một đô thị ICT hiện đại nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Sức hút Đà Nẵng
Tại lễ khởi công KCN thông tin tập trung tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hôm 6.4, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Văn Hữu Chiến khẳng định đây là dự án KCN có cơ sở hạ tầng hiện đại, theo đúng chuẩn mực của một KCN thông tin tập trung mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng.
Phối cảnh khu công nghệ thông tin Đà Nẵng. |
Những năm qua, TP.Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố đầu tư phát triển lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là kêu gọi đầu tư vào KCN cao Đà Nẵng – KCN cao đa chức năng thứ ba của cả nước (sau KCN cao Hòa Lạc và TP.Hồ Chí Minh). Cùng với KCN thông tin tập trung, Đà Nẵng từng bước hình thành nền công nghiệp công nghệ thông tin. Nhiều dự án được chính quyền thành phố đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả, riêng khu công viên phần mềm Quang Trung hiện có hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động với hơn 1.000 lao động thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, năm ngoái đã xuất khẩu phần mềm giá trị hơn 50 triệu USD.
“Hàn Quốc chỉ mất 30 năm để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, và bí quyết chính là phát triển khoa học – công nghệ. Ưu tiên đầu tư vào KCN cao, KCN thông tin tập trung như Đà Nẵng hiện nay là hướng đi đúng đắn, vì lĩnh vực này sẽ mang lại giá trị và tính ổn định cao”. (Ông TRẦN TRỌNG TOÀN, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc) |
KCN cao và KCN thông tin tập trung chính là sự cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển công nghệ cao của nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XX, là một trong 5 đột phá để phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Vì mục tiêu đó, chính quyền thành phố cam kết sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư vào KCN cao và thông tin tập trung, mang đến những cơ hội và môi trường hoạt động sản xuất, cung ứng giải pháp thuận lợi cùng với môi trường sống, môi trường làm việc tốt nhất cho các đối tác.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, KCN thông tin tập trung Đà Nẵng được xem là “thung lũng silicon” của Việt Nam, không chỉ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của TP.Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa đối với cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Do đó, chủ trương này đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hướng tới đô thị ICT
Trong vòng 10 năm tới, tại KCN thông tin tập trung Đà Nẵng sẽ tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động công nghệ cao, doanh thu 3 tỷ USD/năm và định hướng hình thành một đô thị vệ tinh với hơn 100.000 người. Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Tập đoàn Rocky Lai & Associates, Inc. (Mỹ), chủ đầu tư dự án KCN thông tin tập trung Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD. Ông Pau Ta - Phó Chủ tịch Tập đoàn Rocky Lai & Associates chia sẻ sở dĩ Rocky Lai & Associates chọn Đà Nẵng là vì thành phố có hạ tầng cơ sở tốt với đường sá, cảng biển, sân bay quốc tế, lại nằm cuối trục Hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ phía đông ra Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Đà Nẵng 5 năm liền đứng thứ nhất về chỉ số ứng dụng CNTT (2008-2012), định hướng đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là cơ sở cho sự thành công của KCN cao. “Đó là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn trong việc mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ, châu Âu và các nước trên thế giới đến thuê đất để tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghệ thông tin tại KCN thông tin tập trung Đà Nẵng” - ông Pau Ta nhấn mạnh. Sau lễ khởi công vừa qua, Rocky Lai & Associates đã tiến hành ngay việc san lấp mặt bằng, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 (131ha) với các hạng mục như tòa nhà hành chính, tòa nhà IT, trung tâm đào tạo chuyên ngành...
Lễ khởi công khu công nghệ thông tin Đà Nẵng.Ảnh: N.T.B |
3 cách tiếp cận ICT “Có 3 cách tiếp cận ICT. Một là, phát triển ICT định hướng xuất khẩu như mục tiêu xuất khẩu 500 triệu USD phần mềm của nước ta. Hai là, phát triển năng lực sản xuất các sản phẩm ICT trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa. Ba là, sử dụng ICT như động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Cách tiếp cận thứ ba có vẻ phù hợp nhất đối với nước ta, tuy nhiên đây là cách khó nhất. Vì rằng mọi chuyện không chỉ nằm ở ICT, mà ở khả năng sử dụng chúng như “đôi đũa thần” để tạo nên sự biến đổi kỳ diệu trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội”. (TS. NGUYỄN SỸ DŨNG, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội) |
Cũng chính vì những yếu tố thuận lợi của TP.Đà Nẵng mà trong năm 2012 các tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới như INTEL, IBM, CISCO... đã đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư vào KCN cao. Kết quả, dự án đầu tư đầu tiên vào KCN cao đã ra đời đầu tháng 10.2012 (dự án sản xuất thiết bị chuyên dùng cho các thị trường mới nổi của Công ty Tokyo Keiki - Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 40 triệu USD). Riêng với Tập đoàn Rocky Lai & Associates, trong hơn một năm qua đã tập trung thành lập Ban cố vấn kỹ thuật để nghiên cứu về thị trường, khách hàng tiềm năng và nguồn cung cấp nhân lực có chất lượng. Đồng thời, phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy tân để làm trung tâm nghiên cứu và hợp tác, tiến hành thiết kế quy hoạch tổng thể 341ha đáp ứng nhu cầu phát triển cho 15 - 20 năm sau.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng cho biết, với các chính sách ưu đãi lớn của Đà Nẵng, với tiềm năng phát triển công nghệ thông tin của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng khả năng liên kết các nhà đầu tư trong và ngoài nước của Tập đoàn Rocky Lai & Associates, UBND thành phố đã chấp thuận cho Rocky Lai & Associates mở rộng giai đoạn 2 với diện tích 210ha. Việc mở rộng này nhằm kết nối KCN thông tin tập trung với KCN cao (diện tích 1.000ha) và các dự án lân cận khác, trở thành một khu đô thị ICT đẳng cấp quốc tế. Ông Sơn khẳng định, trong 7 năm qua chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào công nghệ thông tin tại Đà Nẵng mà bị thua lỗ, ngược lại họ đều kinh doanh có lãi, tốc độ tăng trưởng hằng năm bình quân 35 - 40%. Còn ông Trần Trọng Toàn - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc cũng chia sẻ, Hàn Quốc chỉ mất 30 năm để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, và bí quyết chính là phát triển khoa học – công nghệ. Ưu tiên đầu tư vào KCN cao, KCN thông tin tập trung như Đà Nẵng hiện nay là hướng đi đúng đắn vì lĩnh vực này sẽ mang lại giá trị và tính ổn định cao.
XUÂN LAN