LTS: Từ ngày 7.3.2017 Báo Quảng Nam mở diễn đàn “Quảng Nam - 20 năm xây dựng và phát triển” nhìn lại quá trình đi lên của tỉnh trong 20 năm qua. Hôm nay Báo Quảng Nam khép lại diễn đàn với những câu chuyện xưa nhặt được từ những người già, góp thêm mảnh ghép phác họa sự chuyển động của quê hương.
NÓI là xưa, nhưng chỉ độ chừng 20 năm. Hai mươi năm thôi mà bao cuộc đổi dời ngoạn mục. Hàng quán cũ khiêm nhường lùi sau những cửa hiệu bóng loáng kiếng trắng, sặc sỡ sắc màu. Muốn tìm cái bảng hiệu cũ, xem chừng cũng mỏi con mắt…
Tam Kỳ phố xuân Mậu Dần 1998 - một năm sau ngày tái lập. Ảnh: HẢI HOÀNG |
1.Và ông cụ hiệu kiếng Nam Sơn (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ), tên kỵ là Sơn, ngày từ Hội An vào Tam Kỳ theo cuộc di tản, thấy người ta đặt tên hiệu thuốc Nam Ngãi, hay quá, đặt luôn tiệm mình là Nam Sơn. Rồi người ta gọi ông Nam Sơn. Sau này mấy bận người ta viết báo, bảo là ông lấy chữ Nam trong tên Quảng Nam, để gắn với cái tiệm mình, cho dễ gọi. Thì ông cười trừ nói sao cũng được, cũng là ý hay để cho người ta gán đặt. Ông già Nam Sơn gương mặt hiền như Phật, nói cái hiệu kính nhỏ nhỏ vậy chớ tồn tại đến bây giờ là đã chứng kiến rất nhiều người đi người đến, cũng lưu luyến tiễn biệt, cũng thương cũng nhớ khôn cùng.
Chỉ riêng cái đoạn nhà ông ở, bây giờ đất đã bạc tỷ, cửa hàng cửa hiệu ăm ắp. Và dĩ nhiên, thay nhau đổi chủ. Hình như chỉ còn có mỗi mình ông, là giữ y như rằng từ cái ngày cúng kiếng mở hàng cho đến bữa đã chuyển giao cho anh con trai thứ đứng bán thay mình. Vẫn cái bảng Nam Sơn kẻ chữ kiểu những năm 1980. So với hàng loạt hàng quán thời cửa kiếng cách ly, máy lạnh phà phà, thì tiệm kính ông già cũ kỹ, lọt thỏm sâu phía trong, và đôi phần lạc lõng. Nhưng hình như, cả gia đình ông, cũng không bận tâm mấy. Người ở Tam Kỳ lâu, cũng chẳng quan trọng cái địa thế cửa hiệu. Mấy người tuổi từ hàng 50 trở về trước, cứ cắt kính thì chạy một hơi đến tiệm Nam Sơn. Mà lứa tuổi này, ở Tam Kỳ chiếm số lượng khá nhiều. Họ không ở những khu phố mới quy hoạch, bởi đất đó dành cho công chức ở đâu đó trong tỉnh đến làm việc. Lớp trung niên Tam Kỳ phần lớn ở những con đường như Phan Châu Trinh, hay Huỳnh Thúc Kháng, Trần Dư, khu Hòa Hương, Hòa Thuận, làng bên kia sông hay ở các vùng ven Tam Phú, Tam Thăng, Trường Xuân… Họ là “mối ruột” của hiệu Nam Sơn. Nên ông già Nam Sơn nói, cũng đủ để nuôi con nuôi cháu, dù hàng kính bây giờ ở Tam Kỳ không thể bằng các đầu ngón tay mà đếm hết. Dù cái bận tách tỉnh của 20 năm trước, tiệm ông thuộc diện lớn nhất nhì thị xã.
Rồi đến cái ông già hoạt ngôn nhưng vui tính lẫn thiệt thà Trần Ngôn, cũng ngót nghét trên ba chục năm làm cái nghề buôn bán xe đạp và phụ tùng. Hồi đỗi năm 1986 lận, ông nói, mình đã chạy buôn từ Núi Thành đến Đà Nẵng, bỏ sỉ phụ tùng xe đạp. “Hồi đó mỗi chỗ có được mấy cái tiệm bán xe, sửa xe đâu. Còn chừ thì hàng chục, hàng trăm, không kể hết” - ông Ngôn nói. Và cũng bởi đường sá tiện lợi, nên hãng người ta cho xe tải chở đến tận cửa hàng, ông Ngôn cũng bỏ luôn cái nghề buôn bán đường dài mà về ở yên Tam Kỳ, mở cái tiệm bán và sửa xe đạp. Cũng ba bốn lần đổi dời vị trí, từ trong hẻm đến ra đường lớn, vào lại đường nhỏ, mấy năm nay thì ở yên trên đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ). Mặt bằng ngang ba mét. Rứa mà vẫn sống được, bán được. Ông Ngôn nói, Tam Kỳ này nó kỳ lạ lắm, bấy nhiêu năm nay thay đổi rần rần vậy mà mấy cái tiệm cũ - nếu còn chủ cũ bán thì vẫn giữ cái tánh kỳ - là ưa thì tới chớ không có mời mọc đưa đẩy. Ông bảo cái tiệm bánh mỳ bà Cát, 50 năm rồi đó chớ không giỡn đâu, mà cũng cứ cái mặt bằng nhỏ xíu chưa tới hai mét rưỡi, cái tủ bánh mỳ nhỏ nhỏ để đâu tuốt phía trong, phải dòm đi dòm lại mấy bận mới thấy. “Người ta cứ tối tối xếp hàng hà rầm mua, mà bả thì tay run cứ từ từ gắp từng thứ bỏ vô ổ bánh mỳ. Khách đợi lâu mà vẫn cứ chịu khó mua cho được đó nghe” - ông Ngôn kể.
Thì tôi cũng theo lời người già thị dân, bữa tối thay vì loanh quanh mấy quán cơm, bươn từ phía đầu Phan Bội Châu, để tuốt vô trong khúc sầm uất Phan Châu Trinh, chờ mua ổ bánh mỳ bà Cát. Và, ngon thiệt! Cái thứ mùi từ lâu lắm mới gặp lại, mùi của hồi còn nhỏ, nhà thì khó, ông bà già chắt bóp cả tuần mới đủ dành mua cho con buổi tối một ổ bánh mỳ. Nên phố, dù cái thuở nào, cũng vẫn sống động bởi còn đó những ký ức cộng đồng. Chưa có hết đâu, mấy hôm Tam Kỳ rộn ràng những ngày kỷ niệm, mấy người già gặp lại, thôi rồi là bao nhiêu ngày tháng cũ giở ra. Bao nhiêu tiệm mỳ, quán cơm đã từng tồn tại trên cái đất này, giờ vẫn cứ lẳng lặng bên những nhà hàng quán ăn, mà chủ thì thuộc lòng cái ông già đó ăn dĩa cơm thì phải có chén mắm ớt nguyên chất không pha bột ngọt… Những nếp quán - tôi mượn từ này của một đàn chị, để muốn nói rằng, có những thứ cũ xưa và quen thuộc, đến mức thành nếp, để hàng quán họ, dù không cần cơi nới xênh xang, bắt đèn chớp nháy, vẫn có một lượng khách cố định, đi Mỹ đi Tây rồi về Tam Kỳ, cứ nhất mực rằng chỉ quán cơm bà Tề, quán gà bà Luận, bánh mỳ bà Cát hay bún giò bà Loan… thì mới ngon “nhứt xứ”.
2.Cũng thiệt tệ khi trong điểm nhìn vùng đất, mà quên cái công sức của lớp người đến sau. Đôi lúc, hình như do cái hiện tại quá ngột ngạt, người ta cứ hay tự ám thị mình rằng, ngày xưa đó, mới là đẹp là hay, là nhân văn là thiện mỹ. Mà đâu có nghĩ, hay do mình không nghĩ, ngày hôm nay đây, với riêng Tam Kỳ, đã là một bước đi rất dài. Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cứ nhắc đi nhắc lại cái chuyện chạy cả Tam Kỳ mà mua không ra một cái quạt đứng để tiếp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về thăm Quảng Nam ngày đầu tái lập. “Buổi tối, lúc đó anh Trần Minh Cả (đã mất) là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy phải chạy quanh từng cơ quan để đi mượn cho ra cái quạt, sau khi đi quần hết đường Phan Chu Trinh mua không ra cây quạt. Tôi thì nhường phòng mình để chị Bình nghỉ, hồi đó Tam Kỳ làm chi có nhà khách nào” - ông Tập nói. Để rồi sau nhiều lần mở mang đường sá, xây dựng hạ tầng, đến đâu khoảng chừng 2 - 3 năm sau tái lập, mới bắt đầu thấy dấu hiệu phố thị ngoài con phố độc nhất Phan Châu Trinh hồi buổi đầu. Và đến tròn 20 năm, thì ông Tập nói, không đếm được hết hàng quán, không bao giờ nghĩ thương mại dịch vụ của Tam Kỳ đã sôi động đến vậy.
Nhưng rồi mình vẫn không thể ngăn mình tìm câu chuyện cũ, khi đi ngang qua những phố thị mới. Bữa Nam Phước sôi động chuyện khu phố chợ, nào giá đất giá sạp, giá nhà chuyển nhượng tăng tốc chóng mặt, thì cũng mấy người già ở đó, gương mặt đâu giấu được nét buồn. Bà Ánh - chủ tiệm mỳ nổi tiếng ngay đoạn sầm uất Nam Phước, nói có buồn chi đâu, nhưng từ nay thì mấy bà mấy cô ở Lang Châu đi bán hơi xa, mấy ông xe ôm cũng dời điểm đậu vô tuốt cổng chợ, chỗ mình vắng hiu. Lối vô chợ cũng loằng ngoằng hơn. Không dưng nghe quán “mỳ bà già” Nam Phước buồn ất ơ… Cái nỗi buồn này thì cũng váng vất như mình buồn vì rời vài người bạn, không thân nhưng ngó nhau lâu cũng thành quen. Như kiểu hôm tất tả về Vĩnh Điện - không là quê mình, nhưng lại thấy thân thuộc như quê ruột rà, bởi cái nếp sống nếp nghĩ, cái kiểu ăn nói tưng tửng như dân chợ Trung Phước của mình. Thì thấy dân chợ cũ buồn hiu, cái buồn khiến người già trở nên mệt hơn, như trúng bữa trở trời. Nên rồi mới thấy, thứ gì quen lâu, dù không có yêu, hay thậm chí cả ghét lâu, cũng khiến mình buồn khi nó đột ngột không còn ở đó.
Vén cái nỗi buồn không đâu của hồi ức, mới nhận ra điều tưởng không bình thường - là phố thị dọc trục quốc lộ của xứ Quảng mình, hình như những phố cũ, ít khi nào chịu khoác lên mình một vóc hình tươm tất hay sáng trưng màu sơn đèn nháy. Muốn người ta thay đổi một dáng áo đã quen tự bao nhiêu năm nay, xem chừng rất khó bằng những tác động của mệnh lệnh. Tự nhiên khi tới Vĩnh Điện, lại cắc cớ mấy chủ tiệm dựng nghề khởi nghiệp từ hồi đẩu đâu, trước cả lúc tách tỉnh, rằng sao cái gian buôn bán, vẫn nhỏ nhoi lụp xụp, dù bước vào phía gian nhà ở, là cao tầng máy lạnh? Ờ, thì họ trả lời xong mình cũng bất ngờ. Là dọc quốc lộ thì vùng thấp lụt, năm nào nước hổng ngang hông, làm đẹp chi cho nước nó vào rồi bôi lấm. Còn cái nhà trong, cao tầng, là để cất hàng, để trú lụt. Nhưng ông Huỳnh Châu, người còn giữ y nguyên cái bảng hiệu là một hình người gỗ ôm cái máy ảnh, mà ông làm từ cái thời chín mấy, nói là dân mình kỳ lắm, nhất là dân ở quê đó, cứ thấy hàng quán cũ cũ là mới chịu vào, mới thấy quen. Ông bán cà phê ngay trục ngã ba xem chừng cũng ngót nghét mấy chục năm ròng, bồi thêm: “Thấy mấy cái cà phê máy lạnh hay tiệm quần áo dọc đường Trần Nhân Tông (Vĩnh Điện) này không, hông lẽ bỏ đôi dép nhựa đi cái chân vàng khè bước vào cái quán của họ, dân chỗ mình là không ưng” - ông nói. Nên cái quán cà phê hơn hai chục năm rồi vẫn đều đặn khách mỗi buổi.
Nên vài dòng ghi vụn từ những người là thị dân của phố bây giờ, để kịp nhìn ra, đời sống vẫn luôn sinh động dù ở vóc dáng phố xá ra sao, bởi luôn luôn, có một thứ ký ức cộng đồng. Đó, cũng là phần làm nên hồn vía, làm nên hồi ức của một vùng đất trong lòng người.
Ký của SONG ANH