Theo nhiều nghiên cứu, một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh về phổi là do thuốc lá.
Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, hầu như các ca bệnh ung thư phổi tiếp nhận từ đầu năm đến nay đều có hút thuốc lá trước đó. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc các bệnh liên quan đến phổi nhưng điều trị không thành công dẫn đến tử vong do ung thư phổi.
Một trong những nguyên nhân chính là do bệnh nhân không thể từ bỏ thuốc lá trong quá trình điều trị, đa số bệnh nhân là nam giới, rơi vào độ tuổi 45-70 tuổi. Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã tiếp nhận hơn 11 nghìn bệnh nhân đến khám và 46 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú.
Trong đó, chủ yếu là các bệnh về phổi như: lao hô hấp, giãn phế quản, lao ngoài phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính(COPD), hen, viêm phổi, Viêm phế quản mãn tính. Trong số này, có đến 96% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.
Ông Nguyễn Văn Tân, 67 tuổi (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, ông là người nghiện thuốc lá nặng, nhiều lần quyết tâm cai thuốc lá nhưng không thành công.
“Tôi hút thuốc đã 46 năm nay. Tôi thấy ho, khó thở tức ngực, gia đình đưa đến bệnh viện, bác sĩ xác định là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Qua hơn 15 ngày điều trị sức khỏe tôi dần hồi phục. Sau đợt này, tôi quyết tâm từ bỏ thuốc lá” - ông Tân nói.
Bác sĩ Bùi Ngọc Minh - Phó Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguyên nhân chính do hút thuốc lá lâu năm. Đây là bệnh lý có thể kiểm soát được bằng việc tuân thủ điều trị theo phác đồ, quan trọng là phải bỏ thuốc lá hoàn toàn, nếu không bệnh sẽ tiến triển nặng dần và nhanh hơn, nguy cơ tử vong cao hơn”.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà chiếm 67%, tại nơi làm việc chiếm 49%, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà đối với phụ nữ gần 70% và trẻ em gần 50%. Ngoài ra, những người tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%.
Bác sĩ Bùi Ngọc Minh cho biết thêm: “Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất có nguy cơ gây ung thư. Hút thuốc lá thụ động có mức độ nguy hiểm đến sức khỏe tương đương, thậm chí cao hơn người hút thuốc lá chủ động.
Đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi hút thuốc lá thụ động là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Phụ nữ hút thuốc lá thụ động trong quá trình mang thai có thể gây ra nhiều nguy cơ như sẩy thai, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, dị tật bẩm sinh. Trẻ em hút thuốc lá thụ động có thể bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), viêm đường hô hấp cấp tính tái diễn, hay gặp nhiễm trùng tai hơn, ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi và các triệu chứng hen nặng hơn.