Thuốc từ rắn

BS. LÊ THÂN 07/03/2013 08:48

1- Mật rắn: Có tính mát, vị ngọt và đắng, tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa đờm trấn kinh. Mật rắn thường dùng để chữa chứng kinh phong, thấp khớp nhất là thấp khớp cấp (nhiệt tý), viêm phế quản, ho gà, điều trị bệnh trứng cá. Để điều trị nhiệt đờm ứ tại phế gây ho, các y dược gia cổ truyền thường phối hợp với một số vị thuốc có tác dụng hành khí hóa đờm khác như trần bì... để tăng tác dụng thanh nhiệt hóa đờm của mật rắn. Mật rắn có độc nên khi sử dụng cần chú ý cẩn trọng.

2- Nọc rắn: Có tác dụng chỉ thống (giảm đau). Nếu ngâm rắn có cả đầu, nọc rắn sẽ được chiết ra làm tăng tác dụng chỉ thống của rượu rắn, các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy rằng, nọc rắn có tác dụng giảm đau, nhưng không gây nghiện đặc biệt là nọc rắn hổ mang. Nọc rắn có tác dụng độc trực tiếp vào hệ tuần hoàn và hệ thần kinh qua vết cắn (hoặc tiêm chích). Chưa thấy có tài liệu nói nọc rắn độc qua đường uống (qua đường tiêu hóa hấp thu). Song vì nọc rắn độc rất độc, cho nên cần cẩn trọng trong lúc sử dụng. Cũng có địa phương chỉ dùng rắn đã bỏ đầu để ngâm rượu. (Tuyến nọc độc của rắn ở phần đầu rắn, thông với răng nanh; loại bỏ đầu cần chú ý loại bỏ cả tuyến nọc độc để loại trừ độc chất).
3- Da rắn: Có tác dụng khu phong giải độc sát trùng. Da rắn có tính bình cho nên có thể dùng để chữa chứng phong thấp hàn và phong thấp nhiệt (hàn tý và nhiệt tý). Cần lưu ý rằng, có một số loại rắn da cũng có tác dụng độc ví dụ như Ô tiêu xà, Bạch hoa xà. Những loại rắn này trước lúc ngâm rượu người ta loại bỏ da để tránh độc.

4- Thịt rắn: Có vị ngọt, tính ấm; có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, khu phong trừ thấp, thông kinh lạc và chỉ thống.

Thịt rắn có tính ấm, vừa tác dụng phù chính, vừa tác dụng khu tà (khu phong thông kinh lạc).

Rắn thường được dùng ngâm rượu. Chế rượu rắn có nhiều cách: ngâm tươi hoặc ngâm khô, nhưng theo kinh nghiệm của cổ nhân thì ngâm tươi vẫn là tốt nhất: (1) Ngâm khô: Lột da mổ bỏ ruột, có người chặt bỏ đầu đuôi (hoặc để cả con cũng được), rửa bằng rượu gừng hoặc rượu quế rồi lấy giấy bản thấm sạch, chặt từng khúc sấy khô hoặc nướng cho vàng tán nhỏ ngâm với rượu 40o theo tỷ lệ 1 phần rắn 3 phần rượu, thời gian từ 15 ngày trở lên là được.  (2) Ngâm tươi: Rắn còn sống cho vào bình đã đổ đầy cồn hoặc rượu trắng 40o, ngâm trong 24 giờ cho rắn chết và tiết hết chất độc. Tiếp đó, đổ bỏ rượu, lấy rắn ra chặt bỏ đầu đuôi, mổ bỏ ruột (trừ mật), để nguyên da rồi lại cho vào bình đã đổ ngập rượu trắng 40o, bịt kín miệng bình, để nơi thoáng mát, ngâm đủ ít nhất là 100 ngày. Cũng có người cho rằng đem cả bình rượu chôn sâu xuống đất chừng 30cm thì hay hơn.

Những trường hợp không nên dùng rượu rắn: Những người hay bị dị ứng, người không được uống rượu như: bị bệnh đường tiêu hóa, tăng huyết áp, phụ nữ có thai... Rượu rắn có tính ấm nóng, những người thuộc nhiệt chứng (tạng nhiệt, máu nóng) không nên sử dụng. Rượu rắn tuy tốt với người bị phong thấp, tuy nhiên không nên lạm dụng, chỉ nên dùng 10 ngày cho 1 đợt và mỗi ngày chỉ uống khoảng 25ml vào bữa cơm tối. Về thịt rắn có sách khuyên người tiêu hóa không tốt không nên dùng...

BS. LÊ THÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thuốc từ rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO