Thuộc và Chu tượng thuộc

PHÚ BÌNH 24/10/2021 07:33

Xứ Đàng Trong vàoa thời các chúa Nguyễn, trong phạm vi huyện có một dạng đơn vị hành chính gọi là “thuộc” quy tụ nhiều địa phương có cùng một loại hình nghề nghiệp. Riêng phủ Thăng Hoa (nay là vùng nam Quảng Nam) có “thuộc Chu tượng” quy tụ nhiều xã, thôn, phường liên quan đến hoạt động thuyền bè và đóng thuyền.

Văn bản Tịch An Đông năm Minh Mệnh thứ 7.Ảnh: PHÚ BÌNH
Văn bản Tịch An Đông năm Minh Mệnh thứ 7.Ảnh: PHÚ BÌNH

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” (PBTL, soạn năm 1776), xứ Quảng Nam thời ấy bao gồm các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận và Gia Định. Trong các phủ này có các đơn vị hành chính gọi là “thuộc”, PBTL giải thích như sau: “Họ Nguyễn trước mở mang cõi Nam, đặt ra phủ huyện, các nơi gần núi rừng, dọc sông biển, thường đặt làm thuộc, cho các phường, thôn nậu, man lẻ tẻ lệ vào, đặt nhân viên coi ốp, cũng giống như các tổng; có chỗ thu thóc tô ruộng, có chỗ thu tiền nộp thay, khi làm sổ tuyển đinh, số dân có thể biết được, của cải phú thuế cũng nhiều, cũng là kỹ vậy. Nhưng không gồm các chức ấy (viên chức quản lý các thuộc - NV) vào quan địa phương, lại cho thuộc về Nội phủ (chính quyền trung ương của chúa Nguyễn - NV), đặt nhiều cai tri, đốc thúc nhiều cách” (PBTL, bản dịch của Viện Sử học, NXB Khoa học, 1964, trang 156).

Các thuộc ở phủ Thăng Hoa

Ghi chép trong sách PBTL cho biết trong phạm vi quản lý của phủ Thăng Hoa vào thế kỷ 18 có các thuộc sau: Chu tượng, Kim hộ, Hoa châu, Võng nhi, Hà bạc, Thương nhân hội tân, Sơn điền, Kiều cư lậu dân, Biệt nạp, Phúc tượng, Phúc an, Xuân xướng, Phụ nguyên, Sĩ thần…

Trong danh sách các thuộc kể trên, căn cứ vào tự dạng chữ Nho (theo tên gọi của thuộc) và căn cứ dấu tích một số phường xã có nghề nghiệp còn lưu lại trên địa bàn tương ứng, có thể biết hoạt động chính của một số thuộc. Thuộc Chu tượng nằm ven các nhánh sông, quy tụ nhiều thợ đóng thuyền (chu: thuyền, tượng: thợ). Thuộc Kim hộ quy tụ dân khai thác vàng (kim: vàng, hộ: đơn vị gia đình). Thuộc Hoa châu quy tụ dân làm nghề dệt vải lụa (hoa: liên quan đến vải vóc, châu: các cồn, biền bãi trồng dâu). Thuộc Võng nhi quy tụ dân đánh cá (võng nhi: cái lưới). Thuộc Hà bạc quy tụ cư dân sống ven sông gần biển và ven biển (hà: sông nước, bạc: bến bãi) chủ yếu làm nghề đánh cá, làm mắm và sản xuất muối. Thuộc Thương nhân hội tân quy tụ dân buôn bán, chủ yếu ở các chợ ven sông (thương nhân: người buôn bán, hội: tụ họp, tân: bến sông). Thuộc Sơn điền quy tụ dân làm ruộng ven rừng núi hoặc khai thác sản vật từ núi rừng (sơn: núi/ điền: ruộng, làm ruộng).

Thuộc Chu tượng

Liệt kê trong sách PBTL có 10 xã, 11 thôn, 40 phường, 1 tộc nằm trong địa bàn thuộc Chu tượng của phủ Thăng Hoa, trong đó có một số địa danh đến nay còn nhận ra vị trí như Hương An (nay thuộc huyện Quế Sơn), Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Thăng Bình), Thạch Tân (nay thuộc TP.Tam Kỳ), Tịch An Đông, Hòa Trà (nay thuộc huyện Núi Thành)… Liệt kê trong địa bạ thời Gia Long (1814-1820) có tên các thuộc Chu tượng lệ vào địa bàn 3 huyện Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông; đến thời Đồng Khánh đều cho lệ vào một huyện duy nhất là Quế Sơn.

Danh sách xã thôn phường của “thuộc Chu tượng, huyện Quế Sơn” được ghi trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” (1886 - 1887) đa số nằm trong hai tổng An Mỹ (11 xã, thôn, phường) và Ngọc Sơn (11 xã, thôn, phường); tuy trong quản lý của huyện Quế Sơn nhưng lại nằm xen kẽ trên địa bàn các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông. Qua đó thấy được, từ khoảng nửa đầu thế kỷ 18 đến năm 1887, “thuộc Chu tượng phủ Thăng Hoa” không chỉ thay đổi về số lượng đơn vị hành chính mà còn thay đổi về đơn vị quản lý. Và đặc điểm lớn nhất là các xã, thôn, phường trong thuộc này là “không liên cư liên địa” mà phân bố trên địa bàn nhiều huyện.

Vào tháng 2.1888, triều đình Huế cho “đổi lại và sáp nhập các xã, thôn, hạt ở Quảng Nam” - một việc vốn trước đó đã giao cho ông Nguyễn Thuật - khi ấy giữ nhiệm vụ xử lý các công việc của phía Nam kinh thành (Tả trực Tuyên úy xử trí đại thần) xét sắp xếp lại “để được tiện cho dân”. Liên quan đến “thuộc Chu tượng, huyện Quế Sơn”, sách “Đại Nam thực lục” đã ghi như sau: “Một tổng Ngọc Sơn ở huyện Quế Sơn, dinh điền đều ít, lại ở xen vào trong 4 huyện: Quế Sơn, Lễ Dương, Hà Đông và Duy Xuyên, nay xin bỏ tên tổng ấy rồi đem 3 xã phường Đồng Lam, Đồng An và Xuân Yên sáp nhập vào tổng Xuân Phú Trung của huyện ấy. Hai xã Ngọc Sơn và Tịch An sáp nhập vào huyện Lễ Dương. Ba xã thôn Tịch An Đông cùng Thạch Tân, Thanh Trà sáp nhập vào huyện Hà Đông; xã Thượng Bình sáp nhập vào huyện Duy Xuyên; ba xã thôn Phước Ấm, Phú Sơn, Phú Khương ở huyện Duy Xuyên sáp nhập vào tổng An Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương; hai xã An Thuyên và Trúc Ảnh sáp nhập vào tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương” (“Đại Nam thực lục”, bản dịch, NXB Giáo dục, 2007, tập 9, trang 398). Bắt đầu từ đó, không còn địa hiệu “thuộc Chu tượng” trong danh sách đơn vị hành chính của triều Nguyễn nữa.

Dấu xưa Chu tượng

Ở thôn Tịch Đông (nay được sáp nhập và đổi thành thôn Trung Đông, thuộc xã Tam Xuân 1, Núi Thành) nằm phía đông nam ngã ba sông Tam Kỳ có 3 gia đình hiện còn giữ một số văn bản chữ Nho có ghi địa hiệu “Tịch An Đông phường (hoặc Tịch An Đông xã), Chu tượng thuộc, Ngọc Sơn tổng, Quế Sơn huyện”. Khảo sát 3 trong các văn bản đó, có thể biết nhiều điều.

Trước hết, Tịch An Đông vào thời các chúa Nguyễn và đầu thời Gia Long được ghi nhận là một phường. Một văn bản ký ngày 14 tháng Chạp âm lịch năm Gia Long thứ 5 (1806 - đóng ấn Quảng Nam doanh Lưu thủ) cho biết phường Tịch An Đông vào thời điểm ấy có nhiều dân (của phường) đi lính, phục vụ việc quân ở xa như Bắc thành, trấn Sơn Nam Hạ (phía bắc) hoặc Gia Định thành (phía nam). Văn bản này ghi địa hiệu là “Thăng Hoa phủ, Chu tượng thuộc, Ngọc Sơn tổng, Tịch An Đông phường”.

Đến thời Minh Mệnh, Tịch An Đông đã đổi thành một xã. Văn bản ký ngày 29 tháng 10 âm lịch năm Minh Mệnh thứ 7 (1826 - đóng ấn Quảng Nam doanh) ghi địa hiệu là Tịch An Đông xã và cho biết xã này có 9 dân xã phục vụ trong quân ngũ. Không thấy ghi 9 người này làm công việc gì trong quân đội.

Văn bản ký ngày 29 tháng 4 âm lịch năm Thiệu Trị thứ 5 (1845 - đóng ấn triện Quảng Nam Bố chính sứ ty) là cuốn sổ duyệt tuyển ghi danh sách dân xếp theo các hạng binh, dân, nhiêu, lão, tật… Văn bản này ghi địa hiệu là “Quế Sơn huyện, Ngọc Sơn tổng, Tịch An Đông xã”, trong đó cho biết có 11 dân trong xã làm tượng binh (lính đóng thuyền) trong một đơn vị là “Kiên Chu tượng cục” (Cục đóng thuyền có tên Kiên Chu).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thuộc và Chu tượng thuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO