Nghề thầy thuốc và việc buôn bán thuốc bắc, thuốc nam ở Quảng Nam có ngay từ buổi đầu cha ông ta vào xứ này mở cõi.
Câu đối do tri phủ Tam Kỳ tặng thầy thuốc Trần Thiều vào mùa xuân năm Bảo Đại thứ 16 (1941). ảnh: P.Bình |
Ghi nhận từ rất sớm
Trong cuốn “Phủ tập Quảng Nam ký sự” ra đời vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, tác giả Mai Thị đã ghi nhận một chi tiết có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe của di dân từ Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An vào Quảng Nam vào khoảng sau năm 1545 như sau: “Dân chúng (mới vào đất Quảng Nam), phần lớn chưa quen thủy thổ nên sinh bệnh tật (vì thế) mỗi xã mời một thầy thuốc (đến ở cùng) để chữa bệnh cho dân; (mỗi xã) trích một ít ruộng cấp cho vợ con thầy thuốc để khuyến khích giúp đỡ” (Tờ 9a, Phủ tập Quảng Nam ký sự, bản chữ Nho, in trong sách Tư liệu thư tịch và Di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi công bố năm 1996). Những vị thầy thuốc này và gia đình hẳn là những người từ những địa phương phía bắc nói trên đã cùng đi theo (hoặc đến sau) để giúp chăm sóc sức khỏe những gia đình đồng hương đi khai phá vùng đất mới. Trong điều kiện giao dịch khó khăn lúc ấy, việc sử dụng dược liệu ngoại nhập để “bốc thuốc” hẳn là rất hạn chế.
Trong ký sự “Xứ Đàng Trong năm 1621” giáo sĩ người Ý Christophoro Borri có mặt ở vùng Quảng Nam từ năm 1618 đã cho biết: “Còn về thầy thuốc và cách chữa các bệnh nhân, tôi phải nói là có rất nhiều. Người ta thường thấy nhiều bệnh vô danh mà các thầy thuốc châu Âu (có mặt ở xứ Đàng Trong - NV) không chữa được thì đã được khám phá và được các lương y bản xứ chữa khỏi một cách dễ dàng!” (Sđd, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2014, tr. 65). Ông giáo sĩ này đã dành một đoạn rất dài để mô tả cách thăm khám, cách “kê đơn bốc thuốc”, cách theo dõi bệnh, cách tính công xá... của các thầy lang người Việt và cũng không quên kể lại một số trường hợp chữa bệnh “thần tình” của các thầy lang này - trong đó hết sức nhấn mạnh đến tác dụng chữa bệnh diệu kỳ của những cỏ cây vốn có ở nhiều vùng của xứ Đàng Trong lúc ấy. Những “cây cỏ có sẵn” đó chắc chắn là thuốc nam được các lương y đến từ vùng Đàng Ngoài sưu tầm từ kiến thức và kinh nghiệm có sẵn.
Trong những sách thuốc được lưu truyền từ nhiều đời của những gia đình thầy thuốc nổi tiếng ở vùng Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước đã thấy có mặt những vị thuốc nam được thu thập và bào chế từ những cây cỏ riêng có từ Trung Trung Bộ - vùng đất mà sử xưa thường gọi là “Ô Châu ác địa” (vùng đất châu Ô, nơi con người khó sống vì nhiều sơn lam chướng khí và thú dữ). Cụ thể như “nam mai du” (dầu mù u) là đầu vị được dùng cho việc sát trùng các bệnh ngoài da hay (theo lương y Trần Soa - một thầy thuốc nổi tiếng ở ấp Hương Trà ven sông Tam Kỳ) thì: vỏ cây sưa có hoa vàng - loài cây riêng có ở Quảng Nam - xưa, thường được người địa phương ở ven sông Tam Kỳ dùng để trị chứng sốt rét.
Vùng khởi nguyên các nguồn Ô Gia, Thu Bồn (phía bắc) và Chiên Đàn (phía nam) của Quảng Nam là các vùng trù phú về lâm sản - trong đó, cỏ cây làm thuốc chiếm một lượng rất phong phú. Chính vì thế, các thương nhân (vừa là thầy thuốc) người Hoa, ngay từ thời Gia Long đã đến rất sâu các vùng thượng nguồn này, vừa tham gia chữa bệnh cùng các thầy thuốc người Việt vừa thu mua dược liệu. Nhiều gia đình gốc người Hoa hoặc Minh Hương như họ La, họ Trầm, họ Vương, họ Tôn… đã chọn các vùng có lâm sản trù phú ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Trà My làm nơi cư trú và đã trở thành những gia đình buôn bán thuốc đầu tiên ở những vùng này. Họ đã góp phần cùng cư dân người Việt ở địa phương khai thác tiềm năng dược liệu bản địa và đã đưa một số cây cỏ làm thuốc quý giá ở Quảng Nam qua các trạm trung chuyển ở Tam Kỳ, Kế Xuyên, Chợ Được, Hương An (hoặc theo sông Thu Bồn) đến Hội An để đưa lên tàu xuất cảng sang Hồng Kông và nhiều nơi có nhu cầu khác.
Hoạt động trao đổi dược liệu nói trên đã hòa vào trong hoạt động của ngành đông y do người Việt ở Quảng Nam thực hiện vốn cũng đã rất phát triển lúc đó: xã nào, ấp nào hầu như cũng có thầy thuốc người Việt; họ có thể là những ông đồ lỡ vận trường ốc, theo truyền thống “nho giả, y giả” (học nho phải học thuốc), trở về nơi bản quán vừa dạy học vừa làm thuốc theo đúng bài bản của các sách thuốc từ xưa truyền lại; họ cũng có thể là những ông “thầy thuốc gia truyền” dựa theo kinh nghiệm chữa bệnh từ cha ông họ - vốn là những người thạo dược tính của thuốc nam.
Bối cảnh nêu trên đã là cái nền để về sau lưu truyền nhiều giai thoại về nghề làm thuốc. Xin kể vài chuyện ít người biết về thầy thuốc hồi đầu thế kỷ 20.
Chuyện “ông thầy Thiều”
Ông Thiều họ Trần ở làng Khương Mỹ (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) là thầy thuốc nổi tiếng đức độ và giỏi nghề; chữa bệnh tận tụy không phân biệt người giàu kẻ khó. Có lần, tri phủ Tam Kỳ đương thời (trước năm 1940) là ông Nguyễn Hữu Tựu cho lính đem xe kéo từ phủ đường đến nhà thầy Thiều mời ngồi lên để ra Tam Kỳ chữa bệnh cho bà mẹ của quan. Thầy Thiều nhận chữa bệnh nhưng từ chối ngồi lên xe kéo chực sẵn. Thầy bảo lính phủ: “Các chú đem xe về đi. Xe này chỉ dành cho quan phủ đi làm việc công. Chữa bệnh cho mẹ quan lớn là việc riêng, tôi không thể lẫn lộn việc công và việc tư!”. Câu chuyện “từ chối đi xe quan” đã được lan truyền khắp vùng. Sau khi mẫu thân được thầy Thiều chữa khỏi bệnh, quan phủ Tam Kỳ đã tìm đến tận nhà thầy Thiều để tạ ân và kính tặng câu đối rất hay: “Y sĩ bất hư xa phỏng hậu; Dược thần thông tự tổ truyền tiên”. Phỏng dịch nghĩa: “Thầy giỏi (nên theo sau xe chở thầy đi) người nhờ cậy (chữa bệnh) rất đông; Tài bốc thuốc (của thầy) rất thần diệu, do được đúc kết kinh nghiệm từ nhiều đời”. Câu đối này hiện nay vẫn còn được treo trang trọng tại gian thờ chính trong nhà cháu nội thầy Thiều ở tổ 8, thôn Khương Mỹ - sát cạnh ba ngọn tháp Chăm.
Chuyện hai ông thầy thuốc ở Quế Sơn
Quế Sơn có cụ cử nhân Lương Trọng Hối từng làm quan và là một thầy thuốc rất nổi tiếng. Có người ca ngợi phẩm chất nhà nho và tài làm thuốc của cụ cử Hối như sau: “Phẩm dự Nho thanh, tu dĩ chánh nhơn tư chánh học; Tài quan thế trọng, bất như lương tướng đắc lương y”. Có người dịch nghĩa như sau: “Phẩm chất tốt, có tiếng khen trong làng Nho, hết lòng tu dưỡng bản thân, chăm lo đào tạo; Tài trí cao, có vị thế trong quan trường, không làm vị tướng giỏi cũng làm thầy thuốc hay”.
Dân gian còn kể: Ở vùng này còn có một vị lương y không màng khoa cử, không màng thế sự, chỉ chuyên tâm làm thuốc cứu người. Ông này treo trước cửa phòng mạch đôi câu đối: “Phù thế bất tài, song ngoại na tri Âu Á cuộc; Trợ nhân hữu chí, án tiền chiêm nghiệm cổ kim phương” (Tạm dịch ý: Không có tài để ra giúp đời, nên gác chuyện thế sự ra ngoài cửa, không muốn biết đến; Lòng chỉ chăm chắm việc cứu bệnh, vì thế luôn ngồi trước bàn viết tra cứu các phương thuốc xưa nay để tìm ra cách chữa bệnh hiệu quả nhất). Câu đối thật hay mà cái chí muốn giúp người bệnh (trợ nhân hữu chí) bằng cách nghiên cứu y lý, y thuật cho tinh thâm thật đáng để lớp thầy thuốc đời sau học tập.
PHÚ BÌNH