Thương cô giáo một đời lam lũ

THÁI MỸ 27/11/2018 07:20

Cứ mỗi độ mùa lá vàng trút đầy sân trường, mưa rây rắc những hạt bụi li ti, trời đêm se lạnh, trong tôi ký ức về một thời thơ bé lại ùa về. Tôi nhớ những tháng ngày xưa cũ, về hình ảnh  người cô giáo dạy tôi hồi học nơi đất Bắc...

Cô giáo hướng dẫn học trò làm thiệp tết . (Ảnh minh họa). Ảnh: C.NỮ
Cô giáo hướng dẫn học trò làm thiệp tết . (Ảnh minh họa). Ảnh: C.NỮ

Khi tôi tròn 9 tuổi thì cha tôi hy sinh trong một trận chống càn tại vùng B Đại Lộc. Vì cha thoát ly tham gia cách mạng nên tôi phải ở với ông chú họ, suốt ngày vắt vẻo trên lưng trâu. Một chiều thượng tuần tháng 4.1970, sau khi cột trâu vào chuồng, mẹ tôi sang bảo: “Ngày mai con về làng gặp anh Quý để đi miền Bắc”. Mẹ nói thế, bởi dân làng tôi đều bị địch lùa xúc vào khu dồn, ban ngày về làng làm ruộng, dọn vườn, sau 17 giờ chiều, tất cả lại phải vào khu dồn. Bên ngoài là vùng du kích và cán bộ cách mạng kiểm soát. Gặp anh Quý - Phó Bí thư Đảng ủy xã, anh cho biết tôi được đưa ra miền Bắc học tập, tối đến sẽ vượt sông Thu Bồn qua xã Lộc Sơn, mới có người dẫn vào núi…

Gần 4 tháng trèo đèo, lội suối, chống chọi với những cơn rốt rét rừng, tránh bom, nấp đạn từ máy bay địch dội xuống để vượt dãy Trường Sơn, tôi cùng đoàn học sinh miền Nam (HSMN) tỉnh Quảng Đà mới đến đất Bắc và được đưa về Trường HSMN số 4, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Học ở trường này một thời gian, tôi được chuyển sang Trường số 10 tại xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Lúc đó tôi học lớp 5 hệ 10. Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi thường dặn dò: “Gia đình các em ở trong Nam đã có nhiều mất mát, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ của các em ra đây là học tập để thành người, học để biết sống có tình, có nghĩa với đồng loại. Các em phải cố gắng học để sau này trở về xây dựng quê hương”. Năm 1972, không quân Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, bầu trời Hải Hưng như bị xé toạc từng mảnh bởi tiếng động cơ máy bay gầm rú. Mỗi lần còi báo động, cô cầm tay từng đứa kéo xuống hầm trú ẩn, chỉ mình cô mới “có quyền” đứng trước cửa hầm quan sát máy bay địch cho đến lúc có hiệu lệnh báo an toàn mới cho chúng tôi trở lại lớp học. Lúc nào cô cũng quan tâm, lo lắng, kiểm tra đám học trò chúng tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ như một người mẹ thân thương.

Tuy cô có gia đình riêng ở gần đó, song vẫn thường xuyên “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” ngay tại khu tập thể giáo viên của trường để được theo dõi, quản lý chúng tôi. Tiếng bước chân quen thuộc hàng đêm của cô vẫn đều đều trong những khuya đông buốt giá để kiểm tra chúng tôi ngủ, đắp từng tấm chăn, ém từng mí màn cho chúng tôi. Không ít lần đám học trò chúng tôi nằm vào giường rồi mà còn hàn huyên đủ chuyện quá giờ quy định. Nghe tiếng chân cô, chúng tôi vờ nhắm mắt nằm im giả vờ ngủ, cô lặng lẽ đi từng giường mắng yêu, thả màn, tắt điện rồi bước về phòng của mình. Bên ngọn đèn vàng vọt, cô lại vùi đầu vào những trang giáo án, lần giở từng trang sổ điểm của học sinh. Tuy cô không nói nhưng  tôi biết cô rất vui mừng khi thấy học trò của mình được điểm cao và trăn trở, lo lắng khi có đứa bị điểm kém. Và cô thật sự buồn hơn khi biết có bạn nào đó chơi bời, học tập sa sút.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, anh em chúng tôi lại trở về quê hương xứ Quảng của mình, tiếp tục học tập và trưởng thành theo năm tháng. Gần 15 năm sau, tôi mới có dịp quay trở lại mái trường cũ. Dáng dấp ngôi trường ngày xưa vẫn đơn sơ, mộc mạc, rêu phong, cũ kỹ, chỉ khác là nơi ấy không còn hình bóng những cô cậu HSMN ngày nào. Nhìn mái trường xưa đìu hiu, hoang vắng mà khóe mắt tôi bất chợt rưng rưng... Dò tìm địa chỉ, cuối cùng tôi cũng đến được nhà cô và mới hay cô đã nghỉ hưu nhiều năm rồi. Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, trống trải, các tiện nghi sinh hoạt không có cái gì đắt giá. Cuộc sống của cô quá khó khăn, vất vả trong những tháng ngày chống chọi với đớn đau, bệnh tật. Biết đám học trò của cô ngày xưa bây giờ hầu hết đã trưởng thành, cô mừng rơi nước mắt. Tôi run run cầm bàn tay gầy guộc của cô, lòng ngập tràn bao buồn vui. Mấy năm sau, có dịp đến Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, tôi tranh thủ ghé lại thăm cô nhưng cô đã mãi mãi đi xa! Tôi không bất ngờ về hung tin ấy, bởi tôi đã biết rõ căn bệnh hiểm nghèo mà cô mắc phải trong suốt thời gian dài.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, con gái tôi hát véo von: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…”. Tôi lặng đi trong giây lát bởi tim mình lại buốt nhói nỗi nhớ thương cô giáo cũ...

THÁI MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương cô giáo một đời lam lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO