Về thăm chiến trường xưa, ký ức mang tên Thượng Đức dù trải hơn 45 năm, vẫn vẹn nguyên trong lòng những cựu binh cùng niềm trăn trở đối với đồng đội còn nằm lại trong lòng đất mẹ…
Nhiều xúc cảm
Dịp kỷ niệm chiến thắng Thượng Đức trên đất Đại Lộc đã khép lại nhưng cũng gợi lên bao nỗi băn khoăn, trăn trở. Dịp này, huyện Đại Lộc tiếp đón đại biểu là các cựu binh Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 từ miền Bắc; các cựu binh đã từng chiến đấu trên đất Đại Lãnh, Đại Lộc nói chung; thân nhân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường Thượng Đức với con số đại biểu lên đến gần 1.000 người. 45 năm dài, những cuộc hội ngộ đầy xúc động và trở nên quý giá hơn bao giờ hết khi nhiều cựu binh ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, có những cựu binh tuổi đã 75, 80, thậm chí 85 tuổi. Nhiều người lính vào với chiến trường Thượng Đức ở cái tuổi 18, đôi mươi ngày ấy nay tóc đã bạc trắng, không ít người còn mang trên mình thương tích thời chiến, nhưng “chất lính” yêu đời vẫn ánh lên trên gương mặt. Nhiều người lính già tóc bạc dẫn theo vợ, cả con cháu đề huề, ấy vậy mà trước cấp trên của mình năm xưa vẫn trân trọng gọi “thủ trưởng” đúng theo kiểu nhà binh. Họ kể chuyện chiến trường say sưa, sôi nổi dường như mọi chuyện mới diễn ra chỉ ngày hôm qua. Để rồi, sau cuộc hội ngộ mỗi người trở lại miền Bắc, hay vào Nam... Có cựu binh già, sức khỏe đã yếu, phải nhờ đến sự giúp đỡ từ người thân, cũng gắng gượng về đây, bước lên những bậc tam cấp, chỉ để được ngước nhìn đài tưởng niệm chào đồng đội, thắp nén hương tri ân.
Trong niềm bùi ngùi của ngày trở lại, cựu binh Nguyễn Duy Hưng (Sư đoàn 304, quê Nghệ An) chia sẻ: “Tôi ra đi từ năm 17 tuổi, chưa biết sợ cái chết là gì. Đi dưới làn đạn, bom của kẻ thù vẫn coi như không. Lớp này ngã xuống, lớp khác tiến lên với suy nghĩ đơn giản phải thắng cho bằng được kẻ thù. Tuổi trẻ của chúng tôi rất tự hào, sống vì lý tưởng đẹp”. Cựu binh Trần Hữu Bào - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 kể, lần nào về thăm Thượng Đức, trong ông vẫn xiết bao niềm xúc động. Ông kể: “Sau giải phóng, chúng tôi đi tìm đồng đội đã hy sinh mấy lần nhưng không có kết quả. Hòa bình nay đổi bằng rất nhiều xương máu, nhiều cuộc đời. Cứ năm nào còn khỏe là tôi lại vào, chỉ sợ mai mốt chưa chắc còn đi được” - ông nghẹn ngào.
Cựu binh Trần Văn Toàn - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, quê Hà Nội) chia sẻ, khi vào Thượng Đức, đoàn quân của Sư 304 nhận được lệnh hành quân bí mật, mở đường, tất cả liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến đều không được sử dụng, mọi liên lạc đều sử dụng hình thức truyền miệng, nhằm đảm bảo bí mật cho chiến dịch nên địch chẳng hề biết đó là đoàn quân chủ lực. Đó cũng là một trong những yếu tố của thắng lợi.
Trăn trở người nằm lại
Trải qua 45 năm, những cựu binh còn sống hôm nay vẫn luôn đau đáu khôn nguôi về đồng đội đã nằm lại nơi đất mẹ. Công trình Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức được vận động từ nguồn xã hội hóa của Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 304 và nguồn lực huyện, tỉnh, là một sự tri ân to lớn. Trong các lần chia sẻ với tuổi trẻ huyện Đại Lộc, Trung tướng Phạm Xuân Thệ từng khẳng định: Thời đại Hồ Chí Minh đã chọn Thượng Đức là nơi diễn ra các trận chiến ác liệt, mở màn cho nhiều trận đánh lớn để Bộ Chính trị đưa ra quyết tâm mở cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sư 304, cùng với Sư 324 được giao đánh địch trên đất Quảng Đà. Thượng Đức có vai trò, ý nghĩa to lớn và địch đã trang bị nơi đây với lực lượng, trang thiết bị tối tân, hiện đại, với dày đặc hệ thống giao thông hào, hầm ngầm, máy bay, pháo... và chúng gọi Thượng Đức với tên mỹ miều “Mắt ngọc của đầu rồng”, “Cánh cửa thép” là vậy.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ, với Thượng Đức, chiến công nối tiếp chiến công nhưng sự hy sinh, mất mát cũng quá lớn. Với những trận đánh mà chỉ trong 6 tháng, ta hy sinh 921 người, trung bình mỗi ngày có 30 người hy sinh. Hiện mới đưa về được 621 hài cốt; trong đó 303 liệt sĩ có danh tính, còn lại chưa xác định. “Hiện vẫn còn hơn 300 hài cốt nằm lại ở chiến trường, đỉnh 1062; chúng tôi đến bây giờ vẫn luôn trăn trở. Năm 2018, chúng tôi cùng với Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Đại Lộc, dân quân của xã Đại Đồng, Phòng Người có công của tỉnh đi khảo sát, tìm hướng mở đường, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đỉnh 1062 và dự kiến cuộc tìm kiếm sẽ còn kéo dài” - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói.