Thượng Đức, những điểm nhìn - Bài 2: Nhận định từ hai phía

NHẬT PHONG 06/08/2014 08:47

“Chiến thắng Thượng Đức góp phần hình thành quyết tâm giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương”. Nhận định này luôn được xác nhận tại các cuộc hội thảo, kỷ niệm bàn đến sự kiện ngày 7.8.1974. Phía chính quyền Sài Gòn hay báo chí phương Tây nhiều năm sau cuộc chiến cũng thú nhận: sự thất thủ của chi khu Thượng Đức là điều khó tránh khỏi.

  • Thượng Đức, những điểm nhìn - Bài 1: Trận chiến lịch sử
Dưới chân đồi 1062. Ảnh: NHẬT PHONG
Dưới chân đồi 1062. Ảnh: NHẬT PHONG

1. Theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trong suốt 20 năm, kể từ 1954, chưa khi nào vấn đề đánh giá so sánh lực lượng hai bên lại đòi hỏi sự “sáng tạo” như thời điểm giữa năm 1974. Lịch sử đã chứng minh, khi mất chỗ dựa trực tiếp vào quân Mỹ, chính quyền Sài Gòn và quân lính đã suy yếu đi rất nhiều. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã phải kêu gọi quân lính “đánh theo kiểu con nhà nghèo”, nhưng thực lực địch yếu đến mức nào, khả năng phản kích, yểm trợ tại chỗ và khả năng cơ động ứng cứu giải tỏa của lực lượng tổng trù bị chiến lược của Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn ra sao, vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, sự kiện Thượng Đức đã đưa đến cái nhìn mới về cuộc chiến. Quận lỵ đầu tiên được giải phóng, thoát khỏi sự cai trị của chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau Hiệp định Paris đã cổ vũ rất lớn đến phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ở các vùng nông thôn và đô thị miền Nam. Thượng Đức thất thủ, báo hiệu bắt đầu thất bại, đổ vỡ dây chuyền trong kế hoạch bình định, gom dân của chính quyền Sài Gòn. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, thực tiễn chiến trường Thượng Đức đã cho thấy hai kết luận rất quan trọng: Sức chiến đấu của quân chủ lực ta hơn hẳn quân chủ lực ngụy và Mỹ khó có khả năng can thiệp trở lại miền Nam. Thượng Đức là thước đo so sánh giữa chủ lực cơ động của ta và cơ động chính quyền Sài Gòn. Thực tế chiến trường cho thấy quân đội của chính quyền Sài Gòn đã suy yếu rõ rệt. Khả năng yểm hộ của phi pháo giảm cả về số lượng và cường độ. Quân chủ lực Quân khu I ngụy không đủ sức tự ứng cứu giải tỏa. Quân cơ động chiến lược phản ứng chậm chạp, điều động chắp vá, nhỏ giọt, bế tắc và lúng túng trong áp dụng chiến thuật. Tinh thần chiến đấu ngày một sa sút, dù rất muốn nhưng không đủ sức giành lại vị trí đã mất. Bộ Tổng tham mưu nhận định khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động của ngụy, mở ra niềm tin vào khả năng đánh thắng toàn bộ quân đội Sài Gòn trong một tương lai gần. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thống nhất nhận định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ. Ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược hồi phục, bọn bành trướng mạnh lên thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng.

2. Chiến sự Thượng Đức và cuộc tái chiếm bất thành của sư đoàn dù liên tục được cập nhật trên các trang báo lớn ở miền Nam và phương Tây. Tờ Paris Press (số ra ngày 29.7.1974) viết: “Bắt đầu đợt tấn công, pháo binh cộng sản đã hạ nòng bắn tập trung diệt từng lô cốt một của căn cứ. Không quân Việt Nam cộng hòa gửi phi pháo đến yểm trợ thì gặp phải trọng pháo dữ dội của quân cộng sản”. Tin tức chiến sự được các tờ báo cập nhật liên tục mỗi ngày. Thời báo New York bình luận ngày 30.7.1974: “Cộng sản Bắc Việt bắn pháo dữ dội và tấn công trực tiếp vào chi khu quận lỵ Thượng Đức. Chi khu trưởng (Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng) đã bị thương nặng. Có khả năng quân không giữ vững được phòng tuyến”. Báo Thế giới Mỹ mô tả trận đánh vào đêm 6.8.1974 rằng, cường độ pháo tăng mạnh với hơn 1.200 đạn pháo. Mọi chi viện đều bị cắt đứt. Quân Việt Nam cộng hòa thiếu lương thực. Đạn dược tiếp tế không thể vào được căn cứ”. Cũng trong khối tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ còn lưu, ghi rõ: “Tại chi khu quân sự Thượng Đức, tổn thất của biệt động quân và các đơn vị trú phòng ngày càng gia tăng, trong khi việc tải thương không thực hiện được do hỏa lực phòng không ác liệt của cộng quân. Theo báo cáo của Sở chỉ huy chiến dịch tại Đà Nẵng gửi về Sài Gòn: Tại Thượng Đức, tình hình trở nên nguy kịch khi lính biệt động quân sắp cạn kiệt đạn dược cũng như lương thực. Không quân Việt Nam cộng hòa cố gắng thả dù tiếp tế khẩn cấp vào ngày 5.8 nhưng do hỏa lực phòng không ác liệt của Bắc Việt, tám kiện hàng tiếp tế đều rơi ngoài chu vi phòng thủ”.

Theo Thượng tá TS. Trần Mai Hương (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), sau nhiều năm, khá nhiều người vẫn đang còn cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi: tại sao miền Nam mất quá nhanh như thế? Nhiều tướng lĩnh, chính khách Pháp - Mỹ, nhiều tư liệu được khai thác, sách, báo, tạp chí được xuất bản đã bình luận, đưa ra nhiều ý kiến. Có những ý kiến đánh giá khá gay gắt rằng, thất bại Thượng Đức chính là do tinh thần binh lính sa sút, chỉ huy chủ quan và sử dụng cách đánh không phù hợp với đối phương. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến ca ngợi tinh thần quyết chiến thắng, sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ của bộ đội Bắc Việt (cách  gọi của báo chí phương Tây). Khi chiến dịch kết thúc, chính quyền Sài Gòn đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của chiến dịch Thượng Đức. Nhiều sách báo từ phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng đã khẳng định trình độ tác chiến, tinh thần chiến đấu kiên cường của Bắc Việt. Tập san Quốc phòng của quân đội Sài Gòn nhận xét: “Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng cường tập rất mạnh của Trung đoàn 66 cộng sản Bắc Việt, sau nhiều đợt pháo bắn yểm trợ cho nhiều đợt bộ binh tấn công”. Còn tờ tin Mỹ và Thế giới mô tả tất cả công sự phòng thủ cũng như hệ thống giao thông hào đều sụp đổ dưới những đợt pháo kích liên tục của quân cộng sản Bắc Việt. Thất bại với Mỹ và quân đội Sài Gòn là không thể tránh khỏi. Thượng tá TS. Trần Mai Hương cho biết thêm, 10 năm sau ngày chiến dịch kết thúc, tra cứu tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho thấy, đối phương đã theo dõi chặt chẽ, nắm rõ tin tức tình báo việc ta chuẩn bị đánh vào căn cứ. Chính quyền Sài Gòn thừa nhận, kể từ cuối năm 1973, các không ảnh chụp được cho thấy nhiều khúc đường 14 từ Thừa Thiên đến Buôn Mê Thuột đang được sửa chửa hoặc chuyển quân. Một hệ thống ống dẫn dầu chằng chịt. Biệt kích đã được thả xuống nhiều nơi để thám sát hoặc phá vỡ. Các phi cơ A.37 được gọi đến để oanh tạc những đoàn xe đang chạy trên đường 14 hoặc các toán nhân công làm đường… Nhưng phá xong chưa được bao lâu, con đường lại hoàn nguyên như cũ. Chỉ có B.52 mới có thể phá sập những hệ thống đường và ống dẫn dầu rộng lớn. Nhưng lúc đó B.52 không còn! Có nghĩa là chính quyền Việt Nam cộng hòa biết, nhưng không thể làm gì được để ngăn cản làn sóng tiến công của quân đội ta!

____
Bài 3: Di dân và lưu dân

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thượng Đức, những điểm nhìn - Bài 2: Nhận định từ hai phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO