Trong ký ức của những người di tản khỏi vùng chiến trận Thượng Đức, ngày 7.8.1974 là ngày giải phóng. Khá nhiều người chọn vùng đất mới Thạnh Mỹ, Thác Cạn, Đầu Gò, Ba Tớt ở lại, tiếp tục những tháng ngày lưu dân.
|
Khách lên Đầu Gò. Ảnh: NHẬT PHONG |
Di tản
Các con số thống kê của Sư đoàn 304, Huyện ủy Đại Lộc và nhân chứng không trùng khớp, nhưng ước chừng số người di tản khỏi mặt trận Thượng Đức trong những ngày cuộc chiến nổ ra không dưới 13 nghìn người. Quận Thượng Đức (cũ) bao gồm các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và một phần đất phía tây Đại Lộc. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Sài Gòn chỉ quản lý được 3 xã phía tây Đại Lộc gồm Lộc Ninh, Lộc Bình và Lộc Vĩnh, nay là các xã Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hưng và Đại Hồng. Theo thống kê năm 1974, dân số Thượng Đức nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn khoảng 14 nghìn người. Ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà cho hay, chiến dịch đã vận động tổ chức dân bị dồn vào ấp chiến lược quay về vùng giải phóng. Khi tiếng súng Thượng Đức nổ ra, quần chúng phá khu dồn, bung ra vùng giải phóng. Ngay trong đêm 30.7.1974, hàng nghìn dân ở các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình theo đường sông Khe Cùng và đường Gò Trao lên vùng Hiên, hàng nghìn người dân khác của xã Lộc Vĩnh lên Đầu Gò, Thác Cạn, Thạnh Mỹ; và khi chiếm được quận lỵ Thượng Đức, hơn 8.000 người dân đã được ra khỏi khu vực chiến đấu để tránh bom đạn khi lính dù Sài Gòn hành quân tái chiếm Thượng Đức.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 nói, ngày ấy, sư đoàn đã làm nhiều lán trại trong rừng, chuẩn bị cả lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu… đủ cho nhân dân sống trong một thời gian. Khó khăn nhất là làm tư tưởng cho đồng bào tin cách mạng và bộ đội. Tuy nhiên, nhờ có các đội công tác địa phương và hành động thực tế của bộ đội đã cảm hóa được đồng bào miền núi, bảo đảm an toàn cho người di tản. Đồng bào các dân tộc ở Thạnh Mỹ đã giúp người dân di tản lên rất nhiều, từ việc dựng lán trại, đến chia đất, cấp giống cây, vật nuôi… để họ tạm bắt đầu cuộc sống những ngày tản cư. “Có thể nói đưa nhân dân sơ tán lên vùng căn cứ là nhiệm vụ khó khăn cho ta và nhân dân, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Sau giải phóng chính quyền đã vận động hơn 8.000 người dân trở về làng cũ, giảm bớt khó khăn lương thực nơi sơ tán, đồng thời tham gia xây dựng vùng mới giải phóng” - ông Toàn nói. Bà Phạm Thị Minh (Hà Tân), nhân công trên công trình tưởng niệm Thượng Đức là một trong số những người trở lại làng cũ sau ngày mặt trận Thượng Đức im tiếng súng. Bà Minh nói không ít người, trong đó có khá nhiều họ hàng của gia đình bà, đã quyết định ở lại nơi đất mới. Có lẽ trong suy nghĩ của họ, làng cũ đã bị bom đạn cày xới và nhiều người không muốn gặp lại cảnh khu dồn ngày trước, đã từng “giam lỏng”, ám ảnh nhiều gia đình suốt thời gian dài, nên chấp nhận sống đời lưu dân. Những người tản cư lên Thạnh Mỹ đã có cuộc sống khá, còn dân ở lại Ba Tớt, Thác Cạn, Đầu Gò của xã Đại Sơn… vẫn chưa thể giàu có hơn.
Theo dấu chân lưu dân
Cô chủ quán nước đầu ngã ba Tân Đợi nói, cuối con đường bê tông ngoằn ngoèo, qua Tân Đợi, Đồng Chàm sẽ đến làng mới Tam Hiệp (xã Đại Sơn). Tám giờ sáng, ngôi làng vừa định cư cho những người dân bị mất đất sau những trận sạt lở kinh hoàng của hai làng Thác Cạn và Ba Tớt vắng vẻ. Chen giữa những ngôi nhà khép hờ cửa là những căn hộ trống trơn, không người ở. Một người rời làng, dắt theo hai con chó săn nhỏ về phía bến đò, qua sông. Người đàn ông 26 tuổi tên Nguyễn Văn Nhỏ ấy nói kẻ có tiền đã mua đất trung tâm Đại Sơn hay quê cũ Đại Lãnh làm nhà ở, bỏ lại những căn nhà thông thốc gió. Người nghèo vẫn phải trở lại làng cũ để làm đồng. Chiều tối mới về làng mới, tắm gội, rửa ráy, giặt giũ ngay tại các giếng ở đầu làng. Có người dựng trại ở luôn trên đất cũ, thi thoảng mới về làng.
Đầu Gò như một thế giới riêng, giống như một rẻo đất nhỏ neo mình bên sườn núi, thấp thoáng bóng người giữa những khu vườn xanh mát. Trừ vài ngôi nhà cất dọc sông, 65 ngôi nhà khác của làng đối mặt nhau như một dãy phố qua con đường đầy bụi đất, đi dăm phút hết đường. Họ là những lưu dân khắp nơi giạt về, nhưng nhiều nhất là dân Đại Lãnh. Ký ức ngày giải phóng với họ là ngày 7.8.1974. Căn nhà gỗ lim của anh Nguyễn Ngọ (dân Đại Lãnh tản cư) sát sông, mát rượi cây trái. Cũng như nhiều người khác, anh không cần biết và cũng không cần hỏi vì sao cha mẹ anh đã quyết định dựng nhà nơi “thâm sơn cùng cốc” này để sống. Những người già lần lượt khuất núi để lại mảnh vườn, nhà cửa sát kề nhau và các anh lớn lên trở thành chủ nhân của ngôi làng mấy trăm dân thiếu thốn mọi bề nhiều năm. Vài tháng trước, điện đã về làng. Dân làng bắt đầu sắm ti vi, tủ lạnh, đóng giếng tưới cây, hết cảnh các nhà đóng tiền mua xăng chạy máy phát điện vài giờ mỗi tối như những năm trước đây. Anh Ngọ nói dân làng không nghèo. Rất nhiều nhà có cỗ xe trâu làm thuê. Khó khăn duy nhất của họ chính là đò giang cách trở và thiếu đất canh tác. Ông Phạm Bình (82 tuổi), một trong số rất ít người già từ Hà Dục tản cư ngày ấy còn khỏe ở làng nói, hồi chiến tranh chỉ lên làng ở tạm, lâu ngày thành quen, nên sau giải phóng chẳng muốn về nữa. Những đứa trẻ lớn lên cũng bắt đầu cuộc sống như vậy không có gì thay đổi. “Không ai chọn nơi để sinh ra nhưng có quyền chọn quê cho mình sống, miễn là vui” - ông Bình nói.
Điện đã về làng sau 40 năm như một “món quà” bất ngờ. Một “món quà” lẽ ra họ phải được hưởng từ nhiều năm trước. Người làng nói muộn vẫn còn hơn không. Thao thức của dân làng hiện thời là chuyện không có phương cách gì để mưu sinh. Và cuộc sống gắn liền với nỗi lo sợ mỗi năm mùa lũ, những căn nhà bị nhấn chìm trong biển nước, có nguy cơ bị “bứng” đi lúc nào không hay. Ý nguyện của làng là dời nhà vào sát chân núi, nhưng dường như chính quyền địa phương chưa đủ kinh phí để tạo mặt bằng. Không đất, không việc làm, không còn cách nào khác buộc họ phải vào rừng tìm kế sinh nhai.
Chiều xuống. Gió từ mặt sông phả lên triền sông vắng. Vài thanh niên mắc võng giữa vườn. Phạm Văn Sơn, thợ sơn tràng, rủ vài người bạn ngày mai lên Thạnh Mỹ làm thuê. Kẻ lắc đầu, nghĩ ngợi điều gì không rõ. Chị Thanh, vợ anh Ngọ nói mới theo con trai về lại làng cũ. Mấy hôm nay ở dưới Đại Lãnh vui lắm. Họ cắm trại, văn nghệ, hội chợ… mừng kỷ niệm giải phóng. “Mới đó mà đã 40 năm”. Lời chị Thanh rớt giữa tiếng sông gầm qua vách đất, mất hút!
__________
Bài cuối: Núi đồi đồng vọng
NHẬT PHONG