Lần đầu tiên 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có chung một thương hiệu, logo và trang web du lịch. Mở ra giai đoạn mới cho sự hợp tác, phát triển nhằm hướng đến xây dựng 3 tỉnh duyên hải miền Trung trở thành một điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Vùng trọng điểm du lịch
Với sự hỗ trợ của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU - ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ). Từ tháng 2.2014, 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế đã ký Bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch. Trong 3 năm, dự án EU - ESRT đã triển khai nhiều hoạt động giúp mô hình liên kết hợp tác của 3 địa phương đạt được kết quả tích cực. Thông qua hỗ trợ của dự án đã góp phần thúc đẩy quá trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 3 nơi, chủ yếu tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là phát triển sản phẩm, tiếp thị và phát triển nguồn nhân lực. Kết quả, bước đầu đã hình thành mô hình Tổ chức quản lý điểm đến ở 3 cấp (Ban chỉ đạo, Tổ thường trực và Tổ giúp việc); nâng cao năng lực của tổ giúp việc và các tổ công tác.
Cần xây dựng điểm đến chung cho du lịch 3 địa phương trước sự cạnh tranh của các trung tâm du lịch khác. Ảnh: V.L |
Đặc biệt, đã bàn giao cho 3 tỉnh một số kết quả nghiên cứu do chuyên gia dự án thực hiện gồm: chiến lược quản lý điểm đến 3 tỉnh; điều tra khách du lịch 2014 tại TP.Đà Nẵng, TP.Huế và TP.Hội An; phát triển sản phẩm khu vực duyên hải miền Trung; đánh giá nhu cầu lao động du lịch 2015 của Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khu vực duyên hải miền Trung. Ngoài ra, dự án cũng đã giúp hình thành được 2 trung tâm đào tạo du lịch tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cũng như nâng cao năng lực quản lý cho hàng chục cán bộ của các Sở VH-TT&DL, người dân và giáo viên của các trường đào tạo du lịch tại 3 địa phương.
Theo ông Tom Corrie - Phó ban hợp tác phát triển (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam), Việt Nam nói chung và 3 tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng đang phải cạnh tranh với các điểm đến hấp dẫn tại các nước trong khu vực. Để sống còn trong môi trường cạnh tranh chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam cần khẳng định mình bằng những sản phấm sáng tạo và đa dạng, được định vị bằng sự độc đáo và chất lượng. Các sản phẩm du lịch này cần được tiếp thị khéo léo cả ở tầm quốc gia và khu vực để chuyển tải các lợi thế cạnh tranh của điểm đến. “Cùng kết hợp lại, 3 địa phương sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch đầy mạnh mẽ đầy hấp dẫn” - ông Tom Corrie nói. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc liên kết, hợp tác đã trở thành xu thế mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đón đầu xu hướng này, từ năm 2006 Quảng Nam đã chủ động mời 3 địa phương hợp tác để hình thành lên một thương hiệu chung ba địa phương một điểm đến và kết quả hôm nay là sự thành công của quá trình đó.
Tinh hoa Việt Nam - The Essence of Vietnam
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, lâu nay việc liên kết phát triển du lịch tại 3 tỉnh cũng chỉ mới dừng lại ở công tác xúc tiến, quảng bá, chưa liên kết trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, chưa tạo ra được bộ nhận diện thương hiệu chung, chưa có website du lịch 3 tỉnh cũng như trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.... Từ kết quả đạt được của dự án, 3 tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và kế thừa để đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch lên tầm cao mới. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Nam kêu gọi các ngành, các cấp, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cùng 3 tỉnh thực thi kế hoạch phát triển du lịch và có những định hướng tốt hơn trong thời gian đến. |
Thành công nổi bật nhất của dự án EU - ESRT chính là đã thông qua được logo, thương hiệu điểm đến cho 3 tỉnh duyên hải miền Trung - The Essence of Vietnam (tinh hoa Việt Nam). Đây là kết quả của nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các đối tác như Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý du lịch tại 3 địa phương cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp. Đặc biệt, với ý nghĩa cụ thể được thể hiện qua các thành phần là một trái tim mở với 4 màu chủ đạo gồm màu da cam, xanh da trời, xanh lá cây (biểu tượng cho các dòng sản phẩm chính của khu vực là văn hóa, biển và thiên nhiên) và màu đỏ, thể hiện nền ẩm thực của khu vực… đã cơ bản lột tả những tiềm năng và lợi thế điểm đến của vùng.
Theo ông Vũ Quốc Trí – Giám đốc Dự án EU - ESRT tại Việt Nam, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của chính phủ đã khẳng định 3 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế) là vùng trọng điểm, do đó hiệu quả tác động của dự án cũng chính là cách thể hiện sự quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện chiến lược quy hoạch được nhanh hơn, bền vững hơn. “Việc xác định khu vực miền Trung là trọng điểm du lịch là một điển hình để thực hiện được quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều đó trước tiên phải có trọng tâm trọng điểm, trong khi 3 vấn đề về sản phẩm, xúc tiến quảng bá và nhân lực của vùng đều có những hạn chế, thiếu hụt vì chúng ta đang kỳ vọng đến một cái chuẩn và tốt nhất, nên việc triển khai dự án chính là sự cần thiết để lấp đầy, dần dần thu hẹp khoảng cách. Sự thiếu hụt này muốn đóng góp vào không chỉ có hệ thống quản lý nhà nước mà còn có sự đóng góp của doanh nghiệp, của cả cộng đồng, thậm chí của cả khách du lịch mới thực hiện hết được sự thiếu hụt đó” - ông Trí nhìn nhận.
Cùng với các tài liệu kỹ thuật, bản đồ du lịch, website… việc xây dựng thương hiệu chung đã giúp ngành du lịch 3 địa phương hướng tới việc định vị điểm đến như là một phần tinh túy của Việt Nam, nơi du khách có thể khám phá văn hóa, bờ biển và trải nghiệm ẩm thực tốt nhất, hướng tới mục tiêu khuyến khích du khách khám phá nhiều hơn, lưu trú lâu hơn, góp phần gia tăng đóng góp từ kinh tế du lịch đối với các doanh nghiệp và cộng đồng trong vùng những năm tới.
VĨNH LỘC