Thương hiệu du lịch lễ hội đất Quảng

12/02/2017 06:11

Quảng Nam là vùng đất lễ hội - cả lễ hội cổ truyền lẫn hiện đại, với những nét đặc trưng của sinh hoạt tâm linh, vui chơi cộng đồng, làng xã, của nhiều dân tộc, trên vùng đất từng trải bề dày lịch sử giao lưu, tiếp biến văn hóa. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội cổ truyền và hiện đại hóa lễ hội để xây dựng một “thương hiệu du lịch lễ hội” cho Quảng Nam là vấn đề đang được đặt ra.

Rước sắc trong Lễ hội Bà Thu Bồn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Rước sắc trong Lễ hội Bà Thu Bồn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

MÙA XUÂN, ĐI TRẨY HỘI LÀNG…

Mùa này, hằng năm, những tiếng trống hội, tiếng hô, tiếng cười, những sự “chải chuốt” cho vùng đất quê nhà bằng các sắc màu hội lễ… đã trở nên quen thuộc, ăn sâu vào tâm thức mỗi người xứ Quảng. Cuộc hội mùa xuân chưa bao giờ khiến người người thôi nhớ, thôi niềm háo hức được trẩy hội làng ta…

Niềm tự hào vùng đất

Từ khá lâu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhắc chuyện hội làng, đã khiến nhiều người thao thức, bởi cái ý tứ của ông đã vỗ đúng vào chỗ sâu thẳm của mỗi tâm hồn người, khi nghĩ về quê nhà. Với nhà văn này, lễ hội như một nhịp nghỉ của nền văn hóa, và những trò chơi dân gian lặp đi lặp lại mỗi mùa ấy, là “tấm vải của tâm hồn làng, tức là điều mà ta gọi là “bản sắc dân tộc”, dệt nên quãng tháng ngày hoa niên của mỗi đời người đã đánh mất từ lâu và bây giờ đang tìm thấy lại”. Những trò chơi dân gian đều giống nhau giữa vùng này và vùng khác, từ kéo co, nhảy bao bố, đánh cờ người, đánh đu tiên, đua ghe, chọi gà, thi nấu cơm, thi đối đáp... hoặc những trò chơi đặc thù của một số làng mạc. Trò xuân thì muôn triệu. Và không chỉ có những trò vui ở làng. Ở những cuộc hội hè đông đúc của phố thị, vẫn nghe ra hương xuân trong mỗi câu hát dân gian cổ truyền… Tết đi muôn nơi. Nhưng “sự chơi” của ngày tết, ngày xuân, vẫn phải có, dù ít, dù nhiều. Và bất cứ một cuộc hội lễ truyền thống nào, vẫn luôn mang chứa trong không gian của mình những góc trò chơi được tích tụ từ muôn vạn tháng ngày của đời sống dân gian lao động. Mỗi cuộc hội làng, với ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, và có lẽ, với mọi người dân quê xứ, chính là niềm tự hào của mỗi vùng đất. Theo ông, ý thức chung của cộng đồng làng rất quý trọng những gì là cái đặc thù của riêng mình, rằng mình không giống ai; cái độc đáo của ngôi làng luôn là niềm tự hào của dân làng. Niềm tự hào ấy, dù nhỏ bé đi nữa, thì người làng vẫn có ý thức phô trương trước mắt mọi người, nếu không phải trong “lễ” thì cũng trong “hội”.

Tái hiện chuyện xưa xứ Quảng - trong một lễ hội mới tại Hội An. Ảnh: Ngọc Phước
Tái hiện chuyện xưa xứ Quảng - trong một lễ hội mới tại Hội An. Ảnh: Ngọc Phước

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL - cho rằng, lễ hội chính là sản phẩm nảy sinh và định hình từ sự sáng tạo văn hóa của các thế hệ tiền nhân, là hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến rộng rãi trong đời sống. Lễ hội có sức lôi cuốn kỳ lạ. “Các lễ hội truyền thống ở Quảng Nam mang đậm chất dân gian, được bảo tồn trong tâm thức con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại lễ hội, hầu như mọi loại hình văn hóa truyền thống đều được thể hiện, từ văn học dân gian, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc đến phong tục, tín ngưỡng. Lễ hội Quảng Nam có từ lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất. Ở đó vừa có tính thiêng vừa có tính thế tục, là sự trao truyền và giao lưu văn hóa giữa các tầng lớp nhân dân, vùng miền” - ông Hài nói.  Theo ông, đến thời điểm hiện tại, tính cả những lễ hội mới, Quảng Nam đã có đến hơn 300 lễ hội lớn nhỏ, chủ yếu là các hội làng truyền thống, trải dài khắp các vùng miền. Đặc trưng của lễ hội Quảng Nam là cộng đồng dân cư đóng vai trò chủ thể không gian lễ hội, và bao giờ cũng thể hiện sự thành kính của cộng đồng với tiên tổ, thần linh. “Hầu như lễ hội nào cũng có yếu tố tín ngưỡng, hình thành và phát triển từ nhu cầu sinh hoạt tâm linh và từ cuộc sống lao động, như thờ Thành hoàng, tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Tổ nghề, tứ vị thánh nương, Bô Bô phu nhân, thần Nam Hải… Từ cuộc sống đã sáng tạo ra sinh hoạt lễ hội phù hợp với đời sống nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư” - ông Hài cho biết thêm.

Những cuộc hội làng ngay từ mùa giêng đầu xuân đã khởi đi, đầu tiên từ các tổ nghề truyền thống ở mỗi làng nghề xứ Quảng, rồi đến những bước chân đi quanh làng rước sắc rước thần như Lệ Bà Thu Bồn hay Rước Cộ Bà Chợ Được, tạt qua vùng biển để coi lễ hội Cầu ngư hay lên đến đầu nguồn sông nước để xem hội Khai truông… Và nó sẽ theo mỗi người đi khắp nơi, như một hành trang quê xứ khiến họ luôn thôi thúc câu chuyện quê hương.

Và chuyện biến tướng của lễ hội

Một nghị định về quản lý lễ hội sẽ được ban hành trong nay mai, ngõ hầu siết chặt cách thức tổ chức lễ hội và hy vọng sẽ xóa tan những biến tướng, để trả về lại cho dân gian các lễ hội cổ truyền đầy ý nghĩa. Quảng Nam, may mắn chưa có những lễ hội phải cấp thiết kêu lên vì sự giành giật, biến tướng của người thưởng ngoạn lẫn chủ thể lễ hội. Nhưng nỗi lo về sự nhạt màu của hội lễ vẫn còn đó, nếu không mau chóng có những cách thức tổ chức phong phú hơn. Thông thường, các lễ hội cổ truyền, từ năm này qua tháng khác, nếu tổ chức theo đúng các nghi thức cổ truyền, chứ không phải diễn lại hay sân khấu hóa lễ hội, thì luôn nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, ở những lễ hội mới, nếu không “vắt óc” để nghĩ cho được những “trò vui”, thì sẽ mau chóng mất đi một lượng người tìm đến thưởng thức. Trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, theo ông Đinh Hài, Quảng Nam rất thận trọng và linh hoạt trong việc thực hiện, nhưng không áp đặt theo ý kiến chủ quan của nhà quản lý, mà để cho chính cộng đồng chủ thể của lễ hội đề ra nội dung, hạn chế tối đa xu hướng sân khấu hóa, quan tâm đến phục hồi diễn xướng truyền thống, đảm bảo tính nguyên gốc của di sản lễ hội, kết hợp nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.

Tuy nhiên, có một vấn đề đang được đặt ra là, quá trình hiện đại hóa lễ hội truyền thống, liệu có xảy ra mâu thuẫn, hoặc làm mất đi tính nguyên gốc của một số lễ hội cổ truyền? Thực tế, ở những lễ hội được phục dựng, thường đưa vào các sự kiện văn hóa với mục đích quảng bá du lịch, mang tính ích dụng, người dân dĩ nhiên sẽ hưởng lợi từ các sự kiện này, nhưng nó lại mang tính chất khác so với nội dung lễ hội truyền thống. Và, những người tổ chức thường phải đưa vào ít nhiều yếu tố sân khấu hóa, kịch bản hóa và yếu tố thị hiếu, để lôi cuốn du khách. Lâu nay, những nhầm lẫn giữa lễ hội mới và lễ hội truyền thống, về cả phương thức biểu hiện lẫn mục đích đề ra, khiến nhiều người hoài nghi về tính chất dân gian, truyền thống cũng như văn hóa lễ hội. Năm 2017, Quảng Nam ngoài các hội lễ truyền thống đã có từ hàng trăm năm, sẽ có thêm những cuộc hội mới phát sinh từ nhu cầu và đời sống hiện đại. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Theo ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh  thì “đây sẽ là cơ hội để giao lưu về các đô thị di sản, đồng thời với hơn 20 hoạt động nữa sẽ giúp quảng bá hình ảnh Quảng Nam ra với thế giới”.  Hy vọng bảo tàng sống về văn hóa đặc thù của người xứ Quảng - là các hội lễ truyền thống, những giá trị vùng miền đặc trưng sẽ được dẫn dắt khéo léo qua kỳ festival này, để thêm một lần lễ hội, là thêm lần nữa thức dậy nhiều tình yêu thương và lòng tự hào quê xứ.

Mùa xuân này, có đi tới những đâu, thì người cũng hãy trở về, để kịp dự một cuộc trẩy hội làng ta… Để giữ lòng còn ngẩn ngơ trước tiếng trống hội giục giã. (SONG ANH)

SẢN PHẨM ĐỘC ĐÁO

Là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, làng nghề đặc sắc, tại Hội An mỗi năm diễn ra hàng chục lễ hội truyền thống và hiện đại thu hút sự tham gia của người dân và du khách. Xây dựng thương hiệu du lịch dựa vào lễ hội đã và đang là hướng đi hiệu quả mà ngành du lịch Hội An chọn.

Lễ hội đang dần trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Ảnh: V.Lộc
Lễ hội đang dần trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Ảnh: V.Lộc

Đưa lễ hội đến du khách

Thống kê cho thấy Hội An có gần 30 lễ hội được tổ chức hàng năm, ngoài những lễ hội tổ chức thường xuyên như “Đêm rằm phố Hội” còn có thể kể đến nhiều hoạt động mang tính truyền thống diễn ra từ phố đến làng, như giỗ tổ làng nghề mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, lễ hội lồng đèn, lễ hội làng quật, lễ hội bắp nếp Cẩm Nam, Tết Nguyên tiêu, lễ hội cầu ngư… Trong đó, lễ hội lồng đèn từng được Tạp chí du lịch nổi tiếng Wanderlust (Anh) bình chọn là lễ hội ấn tượng ở Việt Nam. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, một số hoạt động lễ hội hiện đại cũng đã được thành phố đăng cai tổ chức như Festival di sản, Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, Lễ hội ẩm thực quốc tế, Lễ hội làng lụa, Hợp xướng quốc tế, Lễ hội chào đón năm mới dương lịch, Lễ hội ánh sáng... Chỉ riêng tháng giêng, hai này về phố Hội du khách sẽ được sống trong không khí tâm linh của các lễ hội làng nghề. Hầu hết được tiến hành quy mô và thành kính với nhiều hoạt động hội hè nhộn nhịp từ tái hiện khung cảnh chợ quê, ẩm thực đến các trò chơi văn hóa dân gian vui nhộn như hô hát bài chòi, bịt mắt đập om, kéo co, đua thuyền….

Lễ hội đã thực sự trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo du khách. Trong đó, một số lễ hội hiện đại đã và đang được Hội An duy trì tổ chức thường xuyên với quy mô ngày càng  chuyên nghiệp, vượt ra khỏi tầm của một địa phương. Điều đó lý giải vì sao Hội An được nhiều tổ chức, tạp chí chuyên ngành du lịch uy tín quốc tế bình chọn như là điểm đến hấp dẫn và ưa thích trên thế giới. Đó không chỉ là một không gian tràn ngập ánh đèn lồng trên phố cổ vào những đêm rằm, là những chiếc thuyền dập dìu thả muôn vàn hoa giấy trên sông mà còn là những lễ hội truyền thống và hiện đại… Đến nay, Hội An đã nhận được hơn 30 danh hiệu bình chọn như thành phố được ưa thích nhất, thành phố hấp dẫn nhất hay thành phố lãng mạn nhất châu Á…

Du lịch lễ hội

Theo ông Lê Văn Bình - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, các lễ hội đã góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành du lịch. “Hội An xác định xây dựng thành phố theo hướng văn hóa, sinh thái, du lịch nên việc tổ chức và duy trì các hoạt động lễ hội như một sản phẩm văn hóa riêng biệt chính là mục tiêu, nhằm thu hút khách tham quan, qua đó đánh thức các giá trị văn hóa phi vật thể để xây dựng trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù” - ông Bình phân tích. Hội An đã chiếm được cảm tình của không ít du khách với mỹ danh “thành phố lễ hội”, như một sự khẳng định về những thành công cũng như sự lan tỏa mà các lễ hội đã mang lại. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An - khẳng định, lễ hội là một phần tất yếu không thể tách rời trong văn hóa Hội An, nhất là không gian phố cổ. Trong đó, một số lễ hội dường như đã trở thành “thương hiệu” gắn liền với địa phương, để mỗi khi nói đến du khách đều mặc nhiên hiểu đó là Hội An, như lễ hội lồng đèn hay Đêm rằm phố Hội… “Lễ hội Hội An ngoài thỏa mãn nhu cầu tâm linh hay văn hóa của người dân còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ khách. Ở đó người dân và du khách cùng hòa đồng vào lễ hội để tận hưởng và trải nghiệm những cảm xúc chân thật chứ không đơn thuần chỉ là trình diễn” - ông Phùng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, bên cạnh phục hồi những lễ hội truyền thống, việc tổ chức các sự kiện mang tính lễ hội tại Hội An ban đầu xuất phát từ mong muốn làm một cái gì đó mới mẻ, hấp dẫn để phục vụ du khách, nhất là tăng thêm phần “hội” nhằm tạo ra những sản phẩm mang tính cộng đồng và gắn kết với du lịch. (VĨNH LỘC)

TRỐNG GIỤC TRÊN SÔNG

Đầu xuân, các vùng Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn lại rộn ràng, sôi nổi những lễ hội truyền thống mang đậm sắc thái vùng miền. Lễ hội dù lớn hay nhỏ thì những lễ lệ, hội hè và sự ngưỡng vọng các giá trị văn hóa dân gian từ cộng đồng không thay đổi.

Sôi nổi lễ hội sông nước vùng Đại Lộc. Ảnh: H.L
Sôi nổi lễ hội sông nước vùng Đại Lộc. Ảnh: H.L

Du xuân trên đất Đại Lộc, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua mùa lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những lễ hội sông nước diễn ra suốt tháng Giêng. Trên sông Vu Gia, đoạn qua Ái Nghĩa, theo lệ, cứ mùng 6 tháng Giêng, dòng người khắp nơi nô nức đổ về, chứng kiến những pha tranh tài sôi nổi, hấp dẫn trên sông nước. Với người Đại Lộc vốn lớn lên bên sông mẹ Vu Gia trải bao dâu bể, những mùa lễ hội cũng là dịp hành hương trẩy hội trên sông, trở về với một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, với nguồn cội. Còn với cư dân đã từng, đang sống và hành nghề vạn trên sông nước thì lễ hội đua ghe là tục “đảo thủy”, cầu mong cho một năm đánh bắt bội thu, cũng là sự ngưỡng vọng, biết ơn sông mẹ đã ban tặng sự sống. Cư dân nông nghiệp thì cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng cây trái tốt tươi, cả sự phồn thịnh... Giải đua thuyền truyền thống gần như đã trở thành “thương hiệu” lễ hội của Đại Lộc ngày xuân, bởi từ xưa đến nay, những mùa lễ hội vẫn tiếp nối với sự hưởng ứng mạnh mẽ của cư dân bản địa và có sự quan tâm lớn của chính quyền. Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện, Đại Lộc đang cố gắng gìn giữ và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp này, đồng thời đề nghị công nhận đua ghe là lễ hội truyền thống dân gian của vùng.

Riêng vùng Nông Sơn thì năm nay diễn ra hai cuộc đua ghe nan trên sông Thu Bồn, tại bến đò Trung Phước và tại cầu Nông Sơn từ mùng 4 tới mùng 6 tháng Giêng. Quy mô cuộc đua có phần nhỏ hơn khi chỉ với 6 người trên mỗi chiếc ghe nan và đoạn đường đua cũng ngắn hơn. Theo quan niệm, địa phương nào, làng nào giành chiến thắng trong cuộc đua đầu năm thì năm đó sẽ gặp may mắn, làm ăn phát đạt, vì thế tiệc tùng làng đó cũng có phần linh đình hơn. So với trước, lễ hội đua ghe ngày càng được tinh giản bớt những lễ nghi, thủ tục rườm rà, những giải đua cũng được giản lược chứ không kéo dài nhiều ngày, song tinh thần và nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh của lễ hội ngày xuân thì còn mãi với thời gian.

Đầu xuân, vùng Đại Lộc, Duy Xuyên cũng diễn ra những lễ hội trang nghiêm, đầy sắc thái tín ngưỡng văn hóa tâm linh. Vùng Đại Lộc có nhiều lễ hội làng xã như lễ hội Dinh Bà Chúa Ngọc (xã Đại Đồng) vào mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Bà Phường Chào (mùng 10 tháng Giêng, thị trấn Ái Nghĩa). Còn vùng Duy Trinh (Duy Xuyên), lễ hội Bà Chiêm Sơn diễn ra với quy mô lớn kéo dài từ 11 đến 13 tháng Giêng. Nhìn chung, lễ hội Dinh Bà Chúa Ngọc (bà Chúa Tiên hay Thánh mẫu Thiên Y Ana), Bà Phường Chào - vị thần linh ứng được phong sắc “Thượng đẳng thần”, hay lễ hội Bà Chiêm Sơn (Bà Đá hay Bô Bô Thái Dương phu nhân)… cũng đều là tín ngưỡng văn hóa tâm linh, bày tỏ sự biết ơn đối với các vị phúc thần của xứ sở đã dày công đức ban ơn, chở che cho mùa màng hoa trái. Trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, có nhiều lễ hội gắn với dinh Bà, miếu Bà, lăng Bà, am thờ Bà mang đậm sắc màu tín ngưỡng. Có thể đó là kết quả của quá trình ngàn năm giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm: tục thờ Mẫu của người Việt và tục thờ nữ thần Chăm.  

Dù diễn ra ở bất kỳ hình thức nào thì vai trò chính của lễ hội thuộc về cộng đồng cư dân bản địa - những chủ thể. Mùng 6, chứng kiến dòng người trẩy hội đông đúc, tấp nập trên khúc sông Vu Gia, đội mưa, đội cả cái rét lạnh reo hò, cổ vũ cho các thuyền đua, mới thấy hết được tinh thần và sức mạnh cộng đồng, mới thấy được vai trò và sự tác động của lễ hội đến đời sống, văn hóa cư dân bản địa. Với cụ Nguyễn Bàn (77 tuổi, trú xã Đại Sơn), những màn tranh tài đẹp mắt trên sông giúp cụ nhớ lại những ngày tráng kiện, từng là tay đua khí thế, góp phần đem vinh quang về cho xã nhà. Những vạn đò như cụ nhớ và thuộc từng khúc sông như khúc ruột nên dù tuổi già và đã xa bến bãi, nỗi nhớ sông, nhớ con nước đã thôi thúc cụ không bỏ sót buổi đua nào…

Dù có đi đâu, về đâu, những mùa lễ hội đậm chất vùng miền đã thu hút dòng người đổ về trẩy hội, hành hương; nhắc nhớ con người không được quên nguồn cội, cây đa, bến nước, mái đình, nơi Dinh Bà uy nguy trải bao biến thiên. Mùa lễ hội quê níu giữ bước chân người con xa xứ…(HOÀNG LIÊN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương hiệu du lịch lễ hội đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO