Ngày 29.1.2008 Hội An trở thành thành phố - đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh, theo Nghị định số 10/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Nhìn lại 10 năm, Hội An đã đạt nhiều thành tựu nổi bật; khẳng định vị thế trung tâm du lịch hàng đầu của miền Trung và Việt Nam.
Qua 10 năm không gian du lịch đã được mở rộng lan tỏa ra các vùng ven của Hội An.Ảnh: GIA KHANG |
Điểm nhấn du lịch
Thành tựu nổi bật nhất trong chặng đường 10 năm trở thành thành phố của Hội An chính là tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, du lịch, dịch vụ (TM-DL-DV). Nếu năm 2008 TM-DL-DV mới chỉ chiếm 54,4% tỷ trọng nền kinh tế Hội An thì đến năm 2017 đã cán mốc 70,18%. Nhiều sản phẩm du lịch ra đời dựa trên sự kết hợp khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái, nhân văn và tận dụng các lợi thế, cơ hội, đã khẳng định được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, thị trường khách. Điển hình như sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm các dịch vụ, thể thao biển đảo tại Cẩm An, Cửa Đại, Cù Lao Chàm; du lịch sinh thái khu vực sông nước, làng quê Cẩm Thanh; du lịch làng nghề, cộng đồng tại làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng quê An Mỹ và trải nghiệm văn hóa, nếp sống, sinh hoạt tại cộng đồng.
Đặc biệt, Hội An 10 năm qua đã chứng kiến lượng khách tham quan lưu trú không ngừng gia tăng, từ con số hơn 1,1 triệu khách năm 2008 lên 3,22 triệu năm 2017. Hội An tiếp tục khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch như là điểm đến nổi trội, đồng thời liên tục xuất hiện trong tốp dẫn đầu các cuộc bình chọn của du khách về một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam, châu Á và thế giới. Có thể kể đến các danh hiệu thành phố cảnh quan châu Á, thành phố lãng mạn nhất, điểm hẹn hò lý tưởng nhất, phong cảnh chụp ảnh đẹp nhất, bãi biển đẹp nhất; hay được xem là thủ phủ ẩm thực thế giới, nơi có lễ hội đèn lồng đẹp nhất…
Du lịch phát triển đã tạo cơ hội cho sự ra đời của một tầng lớp doanh nhân mới, những “ông chủ” du lịch đích thực người Hội An, mà trước đó không ít người là nông dân, ngư dân, lao động phổ thông. Du lịch không chỉ làm thay đổi cuộc sống bản thân mà còn giúp họ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ông Lê Quân - Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái Vạn Dừa (Cẩm Thanh) chia sẻ, du lịch đã mang đến cho ông nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời. Năm 2016 ông đầu tư cải tạo hồ nuôi tôm thành điểm du lịch sinh thái, dù mới hơn 2 năm chính thức hoạt động đón khách nhưng hiệu quả mang lại rất tốt, nhất là giúp người dân trong làng có việc làm thông qua hoạt động bơi thúng và phục vụ trong khu du lịch. “Một sự thay đổi quá lớn mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đây là kết quả rất đáng tự hào không chỉ của tôi mà của rất nhiều người” - ông Quân nói.
Bồi đắp thương hiệu
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, thành tựu lớn nhất trong 10 năm phát triển của Hội An được thể hiện qua các chỉ số liên quan đến thành phố sinh thái như mật độ cây xanh trên đầu người, diện tích công trình công ích, công trình phúc lợi, công trình giao thông, bệnh viện, trường học… đều đạt. Trong đó, căn bản nhất chính là thực hiện tốt công tác bảo tồn khu di sản, phát triển kinh tế ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009). “Những việc chúng ta làm ở đây là bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển nhanh, tổng thu ngân sách tăng, đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, không còn hộ nghèo. Hình ảnh Hội An được du khách, các trang mạng, hãng lữ hành đánh giá cao, giúp thành phố có thêm động lực, nhất là trong công tác bảo tồn và phát triển” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, nền tảng, động lực của phát triển du lịch Hội An chính là văn hóa, sinh thái và cộng đồng. Trong đó, mục tiêu bao trùm nhất quán chính là tạo sinh kế để người dân hưởng lợi bền vững từ du lịch. Giờ đây không chỉ có doanh nghiệp hay dân cư khu vực trung tâm phố cổ được hưởng lợi từ du lịch, mà người dân vùng ven cũng được tạo điều kiện tối đa để tăng thu nhập thông qua các tour tuyến tham quan, trải nghiệm tại các làng quê, làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời như: du lịch biển An Bàng (Cẩm An), làng nông nghiệp An Mỹ (Cẩm Châu), làng nghề sông nước Vạn Lăng, làng rau hữu cơ Thanh Đông, làng dừa nước Thanh Nhứt, Thanh Nhì (Cẩm Thanh), làng chài Bãi Hương (Tân Hiệp), làng bắp Cẩm Nam, quật cảnh Cẩm Hà... trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong hành trình du lịch đến Hội An.
Bên cạnh đó, những tài nguyên tưởng chừng đơn giản như đồng ruộng, đường làng, luống rau, con trâu hay cây ngô đồng… đều đã và đang được sử dụng để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Các khu chức năng, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông cũng đang được thành phố tích cực hoàn thiện phục vụ nhu cầu du khách. Một số loại hình biệt thự nhà vườn, nhà có sân vườn, cụm homestay được khuyến khích phát triển để giữ cảnh quan làng quê sinh thái và thu hút khách ra ngoại ven. “Từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên. Phát triển đa dạng và đồng bộ các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách cũng như giảm tải cho khu phố cổ. Thành phố xác định phải xây dựng Hội An thật sự là điểm đến hấp dẫn và uy tín; môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch theo hướng bền vững, chất lượng và uy tín” - ông Dũng cho biết thêm.
GIA KHANG