Những năm gần đây, nghề trầm cảnh đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống người dân Nông Sơn.
Phố trầm cảnh
Mảnh đất Trung Phước (xã Quế Trung, Nông Sơn) như khoác lên diện mạo mới nhờ phố trầm cảnh. Ông Nguyễn Trường Bộ, một trong những nghệ nhân gạo cội của làng Trung Phước kể: “Tôi không thể nào quên được cái ngày khăn gói tìm đường đưa trầm… xuất ngoại khi sức tiêu thụ trong nước ngớt dần. Chân ướt chân ráo đến nước bạn, chúng tôi chỉ dám đưa sản phẩm nhỏ lẻ đi bán dạo. Phải nhờ người phiên dịch, phải thuyết phục, thậm chí đốt thử để chứng tỏ đó là trầm hương. Và những chuyến bán dạo cũng giúp thu về nguồn lợi hậu hĩnh”. Ông Nguyễn Trường Bộ trở thành một trong số những người tiên phong đưa trầm cảnh Nông Sơn sang các nước Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc tiêu thụ. Nhẩm tính, đến nay ông Bộ và các con của ông đã có thâm niên 8 năm xuất ngoại, chủ yếu sang Trung Quốc để bán trầm mỹ nghệ. Ông Bộ chia sẻ, người Á Đông, đặc biệt là Trung Quốc vốn rất mê phong thủy, rất thích trầm cảnh mỹ nghệ của Việt Nam. Thị hiếu của họ là những sản phẩm tạo tác xoay quanh chủ đề về con vật như sư tử, lân, rồng, hổ… hoặc mang dáng dấp hòn non bộ, cây cổ thụ hoặc các pho tượng thần tài, tam đa phúc lộc thọ, tượng Phật, chuỗi hạt… “Còn nhớ, hội chợ quốc tế tại Nam Ninh (Trung Quốc) diễn ra vào 5.2009, trong số hơn 2.000 gian hàng của các nước trên thế giới tham gia thì Việt Nam đã có 140 gian. Mười gian trầm cảnh của Trung Phước góp mặt trong số đó. Chỉ 10 ngày tham dự, toàn bộ các gian hàng trầm Trung Phước đã được bán sạch, mỗi quầy thu về cả tỷ đồng. Đợt đó coi như thắng lợi to” - ông Nguyễn Trường Bộ kể.
Chế tác trầm cảnh. Ảnh: H. Liên |
Rồi từ đó, lần lượt các lão nông Trung Phước nói riêng, Nông Sơn nói chung nối gót đưa trầm cảnh sang Trung Quốc. Chẳng mấy chốc, làng quê Trung Phước dần biến thành phố trầm. Thời lên cơn sốt trầm hương mỹ nghệ, dạo quanh đầu thôn cuối xóm, đâu đâu cũng nghe tiếng đục đẽo gia công trầm. Nghề trầm cảnh cũng dần giúp người dân một số vùng lân cận đổi đời. Theo ông Trần Kim Hùng - Trưởng thôn Đại Bình, cả làng phần lớn theo nghề gia công trầm cảnh, phụ nữ tham gia tiện hột cườm, làm các công đoạn nhẹ, nam giới chế tác tại các xưởng. Ở Đại Bình, một số cơ sở trầm cảnh đã ra đời như cơ sở của anh Hứa Đình Tài, Hà Văn Quang… và nhờ đó bộ mặt nông thôn cũng khởi sắc.
Đặc biệt, không chỉ được bán dạo, có mặt tại các hội chợ, triển lãm, trầm hương mỹ nghệ Nông Sơn còn được bán qua mạng. Ví như ông Nguyễn Trường Bộ, ngoài tận dụng khâu quảng bá qua các trang rao vặt, bán hàng online, ông còn lập website riêng, khách hàng chỉ cần gọi điện, chuyển tiền vào tài khoản, hàng sẽ được đưa tới tận nơi. Hiện, cơ sở của ông Bộ giải quyết công ăn việc làm cho 12 - 17 lao động thường xuyên với mức lương dao động 3 -10 triệu đồng.
Phát triển làng nghề
Hiện, Nông Sơn có tổng cộng 10 doanh nghiệp và 40 cơ sở tư nhân chế tác, phân phối hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu trầm. Làng nghề trầm cảnh Trung Phước đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Theo ông Nguyễn Chí Tùng - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn, mỗi năm, sản lượng từ làng nghề tung ra thị trường khoảng 800kg đến 1 tấn sản phẩm với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Có thể nói, sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm cảnh Nông Sơn mang đặc trưng của địa phương, là kết tinh của bàn tay khéo léo, tinh hoa của nghệ nhân, hiếm nơi nào có được. Cũng theo ông Nguyễn Chí Tùng, những năm qua, bên cạnh nỗ lực tự thân của nghệ nhân, huyện Nông Sơn cũng đã có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển thương hiệu như: xây dựng catalogue trầm cảnh, xúc tiến đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu “Trầm cảnh Nông Sơn” với Cục Sở hữu trí tuệ, hỗ trợ đào tạo nghề cho nghệ nhân trẻ, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện để các cơ sở tham gia triển lãm tại các hội chợ. Ngoài ra, Phòng Kinh tế - hạ tầng còn phối hợp với Huyện đoàn Nông Sơn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên nghèo vay vốn khởi nghiệp với nghề trầm cảnh, tôn vinh những thanh niên xuất sắc…
Chủ trương mà huyện Nông Sơn là hướng tới xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương, tạo điểm nhấn phục vụ tham quan làng nghề, kết nối với Làng du lịch sinh thái Đại Bình. Nhiều hạng mục sẽ được đầu tư tại nhà trưng bày tập trung và các showroom tư nhân tại cơ sở phân tán hộ gia đình như: nhà xưởng sản xuất, nhà kho, nhà điều hành, máy móc thiết bị phục vụ chế tác (máy tiện, cưa, khoan, mài bóng, hệ thống chưng cất, hấp tinh dầu… với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng. “Mục tiêu đặt ra là hình thành làng nghề thủ công mỹ nghệ chuyên sản xuất trầm cảnh với quy trình khép kín từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm và khâu tiêu thụ sản phẩm. Làng nghề này sẽ có quy mô khoảng 15 cơ sở sản xuất tập trung quy mô lớn và 50 hộ sản xuất cá thể, giải quyết việc làm cho 250 lao động tại chỗ và 200 lao động nhàn rỗi nhằm giúp người dân có thêm thu nhập” - ông Nguyễn Chí Tùng thông tin…
HOÀNG LIÊN