Cuốn tản văn “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” (NXB Hội Nhà văn) của Tống Phước Bảo vừa ấn hành là câu chuyện quê xứ mà bất cứ ai đọc cũng thấp thoáng ký ức mình…
Từ mảnh đất Sài Gòn…
Với châm ngôn không có chuyến đi nào vô nghĩa, tác giả Tống Phước Bảo trong tập tản văn “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” đã cho người đọc cùng dự nhiều chuyến đi.
Có chuyến đi về miền hồi ức sâu thẳm của gia đình; có chuyến đi tìm lại kỷ niệm, cội nguồn; có chuyến trải nghiệm thực tế sáng tác… Với mỗi chuyến đi có buồn có vui, có nhớ nhung thương biệt, nhưng đọng lại cuối cùng vẫn là tình người và thân phận…
Tống Phước Bảo sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Anh thuộc lòng những con hẻm, ngách ngoằn ngoèo trong lòng phố thị. Ở nơi có một bà má bán xôi thân thuộc khách ăn như người nhà.
Mỗi gói xôi nấu ra ôm chứa bao nhiêu tình cảm. Bà má thuộc nết từng người ăn, ai ăn ít ăn nhiều đậu xanh, ai sinh viên thì cho thêm chút để có sức học. Mỗi lần tăng giá xôi má cũng đắn đo mãi, sợ rồi mình tăng giá người lao động nghèo lại phải mất đi một khoản lẹm vào tiền ăn, tiền điện nước, tiền nhà, tiền học phí, quần áo của sắp nhỏ ở nhà... Nơi đó còn là cuộc sống thường nhật của gia đình anh - những người từ miền Tây lên lập nghiệp.
Sài thành gắn bó gần hết đời người, quen thuộc đấy, mà thi thoảng vẫn giật mình đánh thột nhận ra mình gốc chẳng ở đây và trong những lúc rảnh rỗi vẫn thao thiết nhớ các món ăn lẫn hình ảnh miền Tây.
Từ cái bánh pía (còn gọi bánh lột da) với nhân đậu xanh, nhân khoai môn béo ngậy, đến đọt nhãn non nấu tép rong ăn khi chiều dần buông xuống, tiếng cá đớp mồi tí tách vọng lại từ ngoài kênh.
Món bì kỳ công của ngoại nấu với đậu phụng, muối đường tiêu ớt ăn vào ngày mưa, hay đơn giản là nấu với bún ăn với rau cỏ ngoài vườn như tập tàng, diếp cá, húng quế hoặc ăn chung với bánh hỏi, bánh bèo, bánh tắm cốt dừa. Tiện hơn là bì kẹp bánh mì ăn sáng. Món ăn lúc này không đơn giản chỉ là món ăn mà còn chất chứa ký ức, tình cảm, là sự nhớ nhung những người đã làm ra chúng…
Sài Gòn trong “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” còn là những ngày Sài Gòn trong đỉnh dịch COVID-19. Mọi người vẫn động viên giúp đỡ nhau, hội từ thiện nấu cơm phát miễn phí, người biết sửa xe thì kiểm tra, thay dầu, vá săm cho người tỉnh xa trước khi rời khỏi thành phố. Rồi còn những gian bánh mì, xăng, nước ở những cửa ngõ để người về quê nếu thiếu ghé lại...
Đến sông nước miền Tây…
Chiếm đến quá nửa số bài trong tập tản văn là viết về sông nước miền Tây. Là xứ của các loại mắm nên nỗi nhớ quê cứ theo đó mà dậy lên: “Không đâu ở miền Tây mà mắm được làm và bày bán trùng điệp như ở Châu Đốc. Tất tật các loại mắm khác nhau như mắm cá linh, cá chốt, cá lóc, cá cơm, cá sặc, cá chèn, mắm Thái, mắm tôm chua, ba khía, dưa cà…
Những thau mắm được sắp xếp gọn gàng và bài trí bắt mắt. Mỗi loại bày bán ở chợ Châu Đốc được đặt theo tên nguyên liệu làm cho dễ nhớ. Đi chợ, đứng cách xa hàng trăm mét đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng phát ra…”.
Không chỉ có mắm, miền Tây còn có đủ loại rau, quả chia theo các mùa. Mùa nước nổi (mùa mưa) có sầu đâu, hẹ nước, bông súng, năn bộp, bồn bồn, đọt choại… Mùa nắng có rau diệu, rau trai, rau dừa nước, đọt nhãn, rau ngổ, càng cua, rau lang, cải trời, rau đắng… Quả với nhiều loại ngon nức tiếng như chôm chôm, xoài cát, vú sữa, dừa sáp, mãng cầu, măng cụt, chùm ruột, nhãn tím, sầu riêng, thốt nốt…
Tập tản văn “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” đưa người đọc du ngoạn miền Tây theo cách rất riêng. Không chỉ có món ăn, hoa trái, cảnh vật, cạnh đó còn là tình cảm của người miền Tây qua sợi dây gắn kết với người viết.
Khi anh ăn một món ăn không chỉ đơn giản thấy mặn nhạt chua cay mà còn được trò chuyện, tâm tình với người làm ra nó. Qua đó hiểu thêm về con cá lóc được bắt ra sao, cá linh mùa này về nhiều hay ít, nông sản được giá hay mất giá, những đứa trẻ lớn lên có còn bỏ quê mà đi... Đọc “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”, những da diết mang tên cố hương cứ trỗi dậy một cách tự nhiên, chân thật.
Tống Phước Bảo là một trong những cây bút trẻ Nam Bộ nổi lên trong vài năm gần đây. Anh viết nhiều, đều tay với các đầu sách đã xuất bản như: “Cả một trời thương”, “Mình gọi nhau là cưng”, “Hỗn kỳ đài”, “Sài Gòn còn thương thì về”…