Những buổi chiều đi làm về mưa rơi ướt áo, tôi lại thèm một bữa cơm gia đình, được sum vầy ở nhà, quấn quít bên mẹ. Bất giác tôi tự hỏi mình, đã bao lâu rồi tôi chưa về nhà thăm mẹ, chưa vòng tay ôm và nói những lời yêu thương với mẹ…
Mẹ của tôi năm nay xấp xỉ 50, cái tuổi mà mái tóc đã ngả sang hai màu, đôi tay đầy những nốt đồi mồi và vết chân chim đã hằn lên trên khóe mắt. Giờ đây, khi là công chức sắp về hưu, nhưng mẹ vẫn phải lo nghĩ cho hai chị em chúng tôi, vẫn tất bật cơm nước hằng ngày và thi thoảng lại phụ giúp hai bên gia đình nội ngoại. Một đời mẹ tần tảo nuôi con cái, chăm từ miếng ăn, cái mặc cho tới giấc ngủ nhưng chưa bao giờ tôi nghe mẹ than vãn hay thở dài mệt mỏi. Có lẽ đức nhẫn nhịn, hy sinh của người phụ nữ vì gia đình đã hóa thành những sợi tóc bạc không sao đếm xuể trên mái đầu mẹ. Bao nhiêu sợi tóc bạc là bấy nhiêu tình thương yêu mẹ dành cho chồng con, cứ thế theo năm tháng ngày một nhiều lên lúc nào chẳng hay.
Cách đây vài năm, mỗi lần mẹ nhờ tôi nhổ tóc bạc, tôi nhăn nhó rồi bảo: “Mẹ nhổ làm gì khi càng nhổ tóc bạc càng nhiều thêm. Có hết đâu mà nhổ làm gì mất công!” Mẹ không nói gì, nhưng nhìn vào ánh mắt của mẹ, tôi hiểu mình đã làm mẹ buồn. Tôi vẫn cứ vô tư và vô tâm vui cười. Tôi quên hẳn chuyện đó nhưng từ hôm ấy, tôi không thấy mẹ nhờ tôi nhổ tóc sâu nữa. Rồi tình cờ một hôm tôi bắt gặp mẹ ngồi ngoài hiên, một tay cầm gương, một tay tự nhổ tóc bạc, lòng tôi như thắt lại, vô thức đưa tay lên quẹt ngang dòng nước mắt đang rơi. Tôi thương mẹ, nhưng lại không dám nói…
Từ nhỏ đến lớn, mẹ luôn dìu dắt hai chị em tôi trên từng chặng đường đời, từ lúc chập chững biết đi cho đến khi ra trường, vào đời, mẹ vẫn bên tôi, yêu chiều vô điều kiện. Hồi còn học cấp 3, tôi nhớ lịch học thêm của mình lúc ấy dày đặc, có khi từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Mặc dù tôi có thể tự đi xe đạp cùng lũ bạn nhưng mẹ lại không an tâm đoạn đường về nhà có những thanh niên choai choai nghiện ngập, hút chích đứng nơi góc phố. Mẹ cần mẫn chở tôi đi về hàng ngày dù bận trăm công ngàn việc, từ chuyện gia đình cho tới chuyện cơ quan. Ấy vậy mà chưa một lần mẹ đón tôi trễ, mẹ luôn đến sớm hơn vì sợ tôi phải đợi.
Khi tôi học đại học, là con gái nên cần mua sắm nhiều thứ, mẹ vẫn luôn giấu ba để cho tôi thêm tiền. Tôi cứ đinh ninh vì mẹ dư dả nên mới “hỗ trợ thêm”. Một hôm về nhà không báo trước, nhìn bữa cơm đạm bạc chỉ có rau và ít mắm, tôi mới hay rằng... Sinh nhật năm nào tôi cũng lo sợ không được nhận quà của mẹ nên luôn nhắc nhở trước cả tháng, nhưng đôi khi tôi lại vô tình quên đi những ngày quan trọng của mẹ, dù là lời chúc đơn giản chỉ tốn khoảng vài giây để gửi tới mẹ. Khi lớn lên, vào đời với bao vấp ngã va chạm và trưởng thành, tôi mới dần thấu hiểu về đức hy sinh của mẹ. Đâu phải dễ dàng tôi có cơm ngon, áo đẹp bằng bạn bằng bè, tất cả đều được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng những sợi tóc bạc ngày ngày vẫn đầy lên trên mái đầu của mẹ. Và tôi cũng hiểu rằng, hai chị em tôi, dù có lớn khôn bao nhiêu đi chăng nữa vẫn mãi là những đứa trẻ cần sự bảo ban, quan tâm, chăm sóc của mẹ.
Tôi bây giờ sợ thời gian hơn bất cứ điều gì. Tôi càng lớn khôn trưởng thành, ba mẹ càng già đi, càng đến gần hơn bên kia triền dốc cuộc đời. Nhưng tôi biết, thời gian là vô tận và tình yêu là vô bờ, không chờ đợi. Yêu thương cũng vậy, nhận ra và sửa chữa kịp thời vẫn không muộn. Và bây giờ hay sau này, mái tóc mẹ chỉ toàn những sợi bạc mà thôi, với tôi, mẹ vẫn trẻ, mãi mãi như thuở tôi còn nhỏ! Xin dẫn câu thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn để nói hộ lòng tôi với mẹ: “Bao nhiêu sợi bạc màu sương/ Bấy nhiêu lần mẹ lo buồn vì tôi/ Con ngoan rồi đấy mẹ ơi/ Ước gì tóc mẹ bạc rồi lại xanh!”.
HẠNH NGUYÊN TRANG