Ảm đạm thị trường tết ở vùng cao

ĐĂNG NGUYÊN 03/02/2021 06:50

Dự lường nhu cầu mua sụt giảm, cũng như quá trình vận chuyển khó khăn sau mưa lũ, nhiều tiểu thương vùng cao có phần dè chừng trong việc nhập các mặt hàng phục vụ tết, nhất là thực phẩm.

Vắng khách, thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Sâm - chủ tạp hóa Sâm Thông nhận gói những giỏ bánh kẹo được cơ quan, đơn vị đặt làm quà biếu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Vắng khách, thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Sâm - chủ tạp hóa Sâm Thông nhận gói những giỏ bánh kẹo được cơ quan, đơn vị đặt làm quà biếu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Tiểu thương dè chừng

Dù đã bước vào thời điểm cuối tháng Chạp, nhưng thị trường hàng hóa tết tại các địa phương miền núi không phong phú như mọi năm. Điều đó, ngoài ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh khiến nguồn tài chính của người dân bị suy giảm, còn phụ thuộc rất nhiều đến tâm lý mua sắm hàng tết khá muộn của đồng bào địa phương. Vì thế, trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay, cả tiểu thương và người dân đều khá dè chừng trong việc đa dạng hàng hóa tết, cũng như chọn mua sản phẩm vượt “túi tiền” cho phép.

Bà Nguyễn Thị Sâm, chủ tạp hóa Sâm Thông (thị trấn P’rao, Đông Giang) cho biết, như mọi năm, thời điểm này thị trường tết ở vùng cao đã bắt đầu rục rịch. Dù số lượng người đến không đến mức quá đông, nhưng vẫn có khách tìm mua hàng hóa, nhất là bánh kẹo, áo quần và một số mặt hàng trang trí. Tuy nhiên, năm nay không khí rất khác.

“Chỉ có một số đơn vị, cơ quan đặt mua bánh kẹo làm quà tết, còn lại chưa thấy người dân hỏi mua sắm tết cho gia đình. Vì thế năm nay tạp hóa nhà tôi không dám nhập mua các mặt hàng thực phẩm có hạn sử dụng ngắn ngày” - bà Sâm chia sẻ.

Không chỉ tạp hóa Sâm Thông, tình trạng tiểu thương dè chừng nhập mua hàng tết cũng diễn ra ở nhiều địa phương miền núi. Trên các sạp bày bán, chỉ đơn sơ một số loại bánh kẹo quen thuộc, cùng hạt dưa và các mặt hàng trang trí tết.

Trong khi đó, tại các địa phương vùng sạt lở như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My… mặc dù hàng hóa tết đã bắt đầu được vận chuyển nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nhưng theo khảo sát của phóng viên, số lượng bày bán cũng khá nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở một số khu vực trung tâm xã, thị trấn.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân khiến việc nhập bán hàng hóa tết ít hơn so với mọi năm, ngoài việc vận chuyển hàng hóa khó khăn do đường sá hư hỏng nặng, còn bởi dự lường nhu cầu mua sắm của người dân sụt giảm khi điều kiện kinh tế không mấy thuận lợi.

Lượng mua sụt giảm

Dù chỉ còn hơn tuần nữa là đến tết, nhưng tại nhiều quầy tạp hóa ở các huyện miền núi vẫn thưa thớt khách tìm đến mua sắm. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ tạp hóa Hoa Dũng (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) cho hay, như mọi năm, vào khoảng 20 tháng Chạp trở đi, thị trường tết ở địa phương đã bắt đầu nhộn nhịp. Tuy nhiên, năm nay do liên tục xảy ra dịch bệnh và thiên tai nên nhu cầu mua sắm của người dân có khả năng sẽ sụt giảm, nhất là ở các xã vùng sâu như Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim… bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ vừa qua.

Cũng theo chị Hoa, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thời gian vừa qua khiến nhiều hộ dân địa phương mất trắng nhà cửa, các mô hình kinh tế bị phá sản. Điều này cũng tạo nên hệ lụy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua sắm cuối năm của đồng bào vùng cao.

Từ thực tế đó, để ngăn chặn tình trạng hàng tết tồn kho, nhiều tiểu thương đã tính toán chi tiết quy mô nhập hàng hóa tết, đảm bảo phù hợp với nhu cầu mua sắm của người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay.

“Mọi năm, cũng thường đến sát tết, bà con mới đổ về mua sắm. Nhưng, năm nay, do điều kiện khó khăn, rất có khả năng lượng mua sắm hàng hóa tết sẽ sụt giảm” - chị Hoa tâm sự.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, để đảm bảo công tác chuẩn bị cho thị trường tết năm nay, bên cạnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ tết, địa phương còn chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trong quản lý thị trường, chuẩn bị đủ đầy lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, chú trọng tập trung bình ổn giá tất cả mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trong dịp tết. Đồng thời làm việc với các đơn vị để thỏa thuận kế hoạch dự trữ và cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, bố trí đầy đủ tại các cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

“Từ việc theo dõi tình hình diễn biến thị trường, cũng như chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, năm nay nhu cầu mua sắm của người dân khả năng sẽ sụt giảm so với trước đây. Dù vậy, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Ngoài ra, hoạt động vui xuân cũng được đặt song song với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo theo các quy định chung hiện nay” - ông Tùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ảm đạm thị trường tết ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO