Cần quản lý chặt nguồn vốn vay tín dụng chính sách

VIỆT NGUYỄN 13/04/2022 10:21

(QNO) - Đến hết quý I.2022, dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được giữ vững. Tuy nhiên, tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ; vì vậy cần quản lý an toàn toàn nguồn vốn vay ưu đãi.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Ngân hàng CSXH Quảng Nam nâng cao chất lượng tín dụng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Ngân hàng CSXH Quảng Nam nâng cao chất lượng tín dụng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam, trong quý I.2022 các chương trình cho vay tăng trưởng cao như cho vay hỗ trợ việc làm (85 tỷ đồng), hộ cận nghèo (64 tỷ đồng), hộ nghèo (53 tỷ đồng). Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam cho biết, trong quý I, có 3 đơn vị tăng trưởng dư nợ khá là TP.Hội An (7,88%), Bắc Trà My (4,36%) và Nam Trà My (4,32%).

Đến 31.3, đã có 95,1% tỷ lệ khách hàng đã đối chiếu, phân loại nợ với 124.220 hộ có khả năng trả nợ (95% số khách hàng), 217 hộ không có khả năng trả nợ với số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Số khách hàng còn lại chưa đối chiếu, phân loại nợ là 6.441 hộ. Nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh 9 tỷ đồng, tăng 124 triệu đồng so với đầu năm (tỷ lệ 0,16%).

“Đến cuối quý I.2022, đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt loại tốt với 98,88 điểm, tăng 0,57 điểm so với năm 2021” - bà Minh nói.

Ngân hàng CSXH Quảng Nam giải ngân vốn ưu đãi đến hộ nghèo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngân hàng CSXH Quảng Nam giải ngân vốn ưu đãi đến hộ nghèo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam đánh giá, ngay từ đầu năm 2022, toàn hệ thống ngân hàng chính sách từ tỉnh đến cơ sở đã huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, đưa vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh đến các hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tín hiệu tích cực là tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách khá, nguồn vốn được quản lý an toàn, chất lượng tín dụng được giữ vững.

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy trong quý I đã có 123 hộ vay vốn chính sách với số tiền 3,6 tỷ đồng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Nhiều nhất là TP.Tam Kỳ với 11 hộ, số tiền vay 485 triệu đồng. Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, con số trên là quá nhiều, nguy cơ nợ quá hạn gia tăng. Điều đó cho thấy việc quản lý hộ vay vốn chưa chặt chẽ, cần xem lại hoạt động của Ban đại diện HĐQT ngân hàng chính sách địa phương.

Cũng theo ông Alăng Mai, trên địa bàn tỉnh có đến 15 tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại trung bình, 1 tổ yếu là đáng lo ngại, làm giảm chất lượng tín dụng chính sách, cho nên phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn từ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay để hạn chế rủi ro cho vay. 

Vốn chính sách giúp người dân Tiên Phước phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vốn chính sách giúp người dân Tiên Phước phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, tín dụng chính sách là ngân hàng của người nghèo nhưng không ít nơi thủ tục hồ sơ rườm rà khiến hộ nghèo, cận nghèo lúng túng vay vốn. Cho vay nhà ở xã hội đã giúp người dân được an cư nhưng chương trình có nguồn vốn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu.  Đến nay, chính quyền thị xã Điện Bàn và huyện Thăng Bình chưa hoàn thành ủy thác vốn sang ngân hàng chính sách.

(CLIP) - Quang cảnh cuộc họp Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam:


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, từ quý II, hệ thống ngân hàng chính sách trên địa bàn tỉnh không nên ưu tiên chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà tập trung hơn cho chất lượng tín dụng, đưa vốn chính sách đến đúng người cần và giúp họ làm ăn hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống và trả nợ đúng hạn.

"Ngân hàng CSXH Quảng Nam cần rà soát, hoàn thành đối chiếu, phân loại nợ trước ngày 30.4. Trên cơ sở đó, phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã tổ chức tổng kết, đánh giá thực trạng nợ, xử lý các trường hợp nợ xấu, nợ chây ỳ. Cùng với đó, khẩn trương triển khai tín dụng mới về hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn mua máy vi tính phục vụ học tập; đẩy mạnh cho vay hộ gia đình có thu nhập trung bình; huy động mạnh vốn trong dân cư và tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Tính đến ngày 31.3, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Quảng Nam đạt 5.754,3 tỷ đồng (tăng 187,7 tỷ đồng so với đầu năm). Trong đó, nguồn vốn huy động qua thị trường là 993,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 487,5 tỷ đồng. Trong quý I, tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 575,4 tỷ đồng với 13.254 lượt hộ nghèo, cận nghèo, chính sách được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ đạt 399,8 tỷ đồng (69,5% doanh số cho vay).

Như vậy đến ngày 31.3, tổng dư nợ tín dụng chính sách Quảng Nam đạt hơn 5.729 tỷ đồng (tăng 175,5 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 3,16%, hoàn thành 41,7% kế hoạch).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần quản lý chặt nguồn vốn vay tín dụng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO