"Cánh cửa" vùng biên

ĐĂNG CAO 01/02/2020 15:21

(Xuân Canh Tý) - Cuối năm, khu vực biên giới ở huyện Nam Giang sương mù dày đặc, vẫn nhìn thấy dáng dấp hối hả của dòng người qua lại cửa khẩu mua sắm tết. Không khí sôi động kẻ bán người mua từ các cửa hàng, đã phần nào xua đi cái lạnh buốt giá vùng biên.

Người dân Lào mua hàng hóa ở khu vực biên giới huyện Nam Giang. Ảnh: ĐĂNG CAO
Người dân Lào mua hàng hóa ở khu vực biên giới huyện Nam Giang. Ảnh: ĐĂNG CAO

Nhộn nhịp giao thương

Từ xã La Dêê, chúng tôi trải qua 18km đường núi, ngoằn ngoèo dốc đèo trong cái lạnh tái tê để đến cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc. Hàng quán ở đây không nhiều nên việc kinh doanh của người dân Việt Nam và Lào dồn cả lại một cụm, khá sầm uất.

Chị Đặng Hồng Hạnh (buôn bán nhiều mặt hàng của nước ta và nước bạn từ hơn 5 năm nay) cho biết, ban đầu rất áp lực với tiền thuê mặt bằng kinh doanh là 12 triệu đồng/tháng nhưng việc mua bán khá thuận lợi nên giờ đã thong thả. Hàng hóa người dân Sê Kông (Lào) mang sang Nam Giang bán là nông sản. Ngược lại, họ mua về nhiều hàng hóa thiết yếu, dân dụng, cả các sản phẩm làm đẹp.

Chị Hạnh liên hệ với tư thương của huyện Đắc Chưng để mua các loại bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo... của Lào về bán lại nên rất phong phú nguồn hàng. “Thương mại biên giới khá khởi sắc. Sức mua của người dân 2 nước tương đối cao giúp chúng tôi buôn bán có nguồn thu nhập ổn định” - chị Hạnh nói.

Đi từ trung tâm của huyện Nam Giang là Thạnh Mỹ, đến khu vực biên giới giáp với tỉnh Sê Kông mất gần 3 tiếng vì tuyến quốc lộ 14D xuống cấp, ổ gà, ổ voi chằng chịt.

Ông Nguyễn Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu huyện Nam Giang cho rằng, để phát triển thương mại biên giới, cần nâng cấp quốc lộ 14D. Một phần do hạn chế giao thông nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu năm 2019 chỉ đạt hơn 16,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 14,1 triệu USD. Phương tiện vận tải qua cửa khẩu là 4.421 lượt, trong đó xuất cảnh gần 2.300 lượt. Đáng nói, hàng hóa nhập khẩu, ngoài nông sản của tỉnh Sê Kông, chủ yếu chỉ là máy móc, thiết bị tái nhập phục vụ xây dựng thủy điện ở tỉnh bạn. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản lượng điện, vật liệu xây dựng, tạp hóa, máy móc, thiết bị tạm xuất để thi công thủy điện ở Lào. 

Cần nâng tầm cửa khẩu

Lào hiện chỉ cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc phục vụ đời sống của cư dân huyện biên giới nên kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu còn hạn chế. Tại các hội nghị thường niên từ năm 2017 đến nay của Quảng Nam và Sê Kông, đề xuất nâng cấp cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế đã bàn nhiều lần nhưng chưa được công nhận.

“Khi nâng cấp cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế thì doanh nghiệp Quảng Nam sẽ không tốn nhiều thời gian để quá cảnh hàng hóa và giấy phép quota từ nước thứ 3. Và đó chính là cách để chúng ta tận dụng lợi thế tuyến biên giới Lào - Thái Lan, trao đổi hàng hóa với Thái Lan, thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu” - ông Hoàng nói.

Dịch vụ kho bãi, vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới vẫn còn sơ sài.
Dịch vụ kho bãi, vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới vẫn còn sơ sài.

Trong 2 ngày ở lại khu vực cửa khẩu, chúng tôi nhận thấy việc phát triển dịch vụ kho bãi, kinh doanh và vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu vẫn còn đơn sơ.

Ông Nguyễn Quang Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, Quảng Nam cần khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kho bãi phục vụ tập kết, vận chuyển hàng hóa ở cửa khẩu.

“Các trung tâm phân phối trung chuyển hàng hóa, xây dựng kho tàng thương mại chuyên ngành cho các sản phẩm xuất nhập khẩu sẽ là cơ sở để thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa nước ta với nước bạn Lào và Thái Lan một khi là cửa khẩu quốc tế” - ông Thuận nói. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, tỉnh đang xem xét bố trí nguồn ngân sách cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ biên giới nhằm đảm bảo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới phát triển. Cùng với đó, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô hội chợ... để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội đầu tư, giao thương với nước bạn Lào. Hy vọng trong tương lai gần, Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ rộn ràng như “cánh cửa” của những ngày xuân...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cánh cửa" vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO