CHỈ DẤU CHO LÀNG NGHỀ PHỤC HƯNG

XUÂN HIỀN - VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN 29/05/2022 05:13

Sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm công nghiệp cùng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến không ít làng nghề chạm đáy khủng hoảng. Trăn trở và nỗ lực từ các phía đều có, nhưng cần cách tiếp cận mới mẻ hơn để ít nhất làng nghề tồn tại và người làm nghề “sống khỏe” với nghề.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham quan một gian hàng sản xuất “sản phẩm xanh” từ nguyên liệu bản địa. Ảnh: X.H
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham quan một gian hàng sản xuất “sản phẩm xanh” từ nguyên liệu bản địa. Ảnh: X.H

BỀN BỈ GIỮ NGHỀ

Đối diện với nhiều chặng gian nan, người làm nghề vẫn bền bỉ hằng ngày. Vì giữ nghề truyền thống, với họ còn là giữ làng, giữ niềm tự hào của dân xứ Quảng. Thế nhưng, thách thức trong hành trình giữ nghề, truyền nghề ngày một tăng…

Bài toán về nguồn nhân lực

“Cải tiến sản phẩm thông qua các ứng dụng công nghệ cũng như tăng cường quảng bá giá trị mà các sản phẩm làng nghề đang nắm giữ là yêu cầu đặt ra với các làng nghề. Chủ trương của Quảng Nam trong giai đoạn này là vực dậy các làng nghề và tạo điều kiện để người làm nghề truyền thống bán được sản phẩm của mình” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.

Tính đến hết năm 2021, Quảng Nam có 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia hoạt động tại các làng nghề lên đến 2.095 cơ sở với 4.278 lao động.

“Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra trong cùng 1 làng nghề na ná nhau về kiểu dáng; tính sáng tạo, độc đáo trong sản phẩm còn hạn chế. Người làm nghề còn chưa chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại” - đại diện Sở NN&PTNT nhận định. 

Cùng với câu chuyện sản phẩm chưa thật sự mang dấu ấn riêng, các làng nghề Quảng Nam còn phải đối diện với thực trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển - làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn) cho biết, hiện tại Phước Kiều chỉ còn 8 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp siêu nhỏ duy trì hoạt động sản xuất đồ đồng và nhôm, với lao động bình quân đã hơn 55 tuổi.

Còn nhớ, cuộc phỏng vấn nghệ nhân Dương Ngọc Tiển của Báo Quảng Nam năm 2016, những trăn trở của ông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Ông chia sẻ, trong nhóm thợ không có ai là con cháu trong gia đình, cũng không có người trẻ. Buồn lắm. Thợ của ông thấp tuổi nhất cũng ngót 40. Để giữ nghề, ông cũng lân la tới nhà hàng xóm có con trai, nhỏ to với họ hướng con theo nghề truyền thống của làng đúc Phước Kiều. Nhưng kết quả vẫn trống không...

Phải nói thật rằng, các cơ sở đúc Phước Kiều đang vét sức lao động của thợ đúc lành nghề bởi lỗ hổng đào tạo, cả từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan...

Đã đến lúc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần quan tâm nhiều hơn đến tính sáng tạo trong thiết kế. Ảnh: X.H
Đã đến lúc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần quan tâm nhiều hơn đến tính sáng tạo trong thiết kế. Ảnh: X.H

Thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, hiện nay lao động tại các làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là người lớn tuổi, trung niên và số lao động trẻ tỷ lệ rất thấp. Dù sở này liên tục mở các lớp đào tạo nghề truyền thống nhưng vẫn không đủ sức hút với lao động trẻ bằng các bảng tuyển dụng từ các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chưa kể, hiện nay các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống chỉ có thời gian từ 3 - 4 tháng, trong khi đặc thù của nghề này đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo và người học nghề phải thật sự kiên nhẫn. 

Cần người trẻ đam mê

Tư duy người làm nghề truyền thống cần phải thay đổi chính là điều đầu tiên để giữ sự sống còn của các làng nghề truyền thống.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đã đến lúc nhận định và đánh giá lại hiệu quả của việc đào tạo nghề nông thôn từ phía ngành chức năng. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng - làng mộc Kim Bồng (Hội An) cho biết, muốn phát triển làng nghề phải có thế hệ trẻ giữ nghề.

“Để thu hút các em ở làng cùng học nghề và làm nghề thì cần phải có nguồn lực bảo tồn, phát triển làng nghề. Những nghệ nhân như chúng tôi luôn sẵn lòng trao truyền nghề truyền thống. Nhưng phải làm sao để các em thấy rằng, chúng có thế sống được với nghề” - ông Huỳnh Sướng nói. 

Thời gian qua, thế hệ trẻ đam mê giữ nghề truyền thống phải kể tới anh Nguyễn Văn Ân - nghệ nhân điêu khắc gỗ (Điện Phương, Điện Bàn). Anh Ân tiếp nối hành trình làm gỗ mỹ nghệ truyền thống của cha mình đã hơn chục năm nay, từng bước rời khỏi “cái bóng” của cha mình, là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Tiếp để khẳng định tài năng trong lĩnh vực này.

Anh cũng là một người quen tên trong các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hằng năm, khi liên tục có những sản phẩm đoạt các giải A, B. Năm 2020, nghệ nhân Nguyễn Văn Ân gây ấn tượng với hội đồng bình chọn qua sản phẩm “Kệ rượu và giá treo ly” - lấy ý tưởng từ đất và người Quảng Nam với đặc sản rượu Hồng Đào.

Cần thường xuyên tạo điều kiện để sản phẩm nghề truyền thống được tham gia các sự kiện thương mại, qua đó có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: X.H
Cần thường xuyên tạo điều kiện để sản phẩm nghề truyền thống được tham gia các sự kiện thương mại, qua đó có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: X.H

Học hành bài bản từ Trường Đại học Mỹ thuật Huế, cộng với kỹ thuật làm mộc điêu luyện được cha truyền, Nguyễn Văn Ân nói, anh gắn với nghề điêu khắc gỗ mà gia đình đã dày công tạo dựng và gắn liền với biết bao thăng trầm của làng nghề Đông Khương.

Ra trường, chọn về quê lập nghiệp, gắn bó sâu nặng với nghề nghiệp của cha ông để lại. Điều này khiến những tác phẩm của Ân luôn đằm sâu và gây cảm xúc với người tìm đến.

“Các sản phẩm của chúng tôi ngày càng vươn xa ra thị trường toàn quốc, hướng đến xuất khẩu. Đó là niềm tự hào lớn và chúng tôi quyết tâm vun đắp nghề mộc mỹ nghệ ngày càng tinh xảo, nghệ thuật, gắn liền với hồn cốt của con người xứ Quảng” - anh Ân nói.

Còn nhớ, khoảng những năm từ 2012 - 2020, các làng nghề và người làm nghề truyền thống của Quảng Nam được sự hỗ trợ từ các nhà thiết kế chuyên nghiệp của các tổ chức phi chính phủ từ JICA, Craft Link, FIDR...

Họ đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ các nghệ nhân và nhà sản xuất bằng cách cải tiến kiểu dáng, đa dạng mẫu mã, thiết kế một số sản phẩm kích cỡ nhỏ… để nâng cao giá trị sản phẩm.

Với người làm nghề, việc kể câu chuyện xung quanh sản phẩm truyền thống, từ chuyển tải thông tin về quy trình sản xuất, nguyên liệu, lịch sử về không gian hình thành trên mỗi sản phẩm đặc trưng được chọn của địa phương sẽ không phải là điều khó.

Ngoài việc phải có người khai mở và tạo điều kiện về các thủ tục, chính sách để quảng bá sản phẩm, thì yếu tố quyết định nữa là phải có đội ngũ kế cận xuất sắc để tiếp nối hành trình ấy.

LOAY HOAY LỐI RA

Để có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm làng nghề Quảng Nam phải được nghệ nhân cải tiến mẫu mã, công nghệ, kể cả thay đổi phương thức sản xuất và quảng bá, tiếp thị sản phẩm…

Những người làm nghề truyền thống Quảng Nam cần đổi mới tư duy để tiếp cận thị trường thay vì cố gắng cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp. Ảnh: Q.T
Những người làm nghề truyền thống Quảng Nam cần đổi mới tư duy để tiếp cận thị trường thay vì cố gắng cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp. Ảnh: Q.T

Đa dạng hình thức kinh doanh

Cửa hàng đặc sản Quảng Nam Nhân Hồng Đức trên đường Phan Châu Trinh (TP.Hội An) là một trong những nơi bày bán sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống Quảng Nam. Tại đây luôn có khoảng 30 mặt hàng OCOP và sản phẩm các làng nghề Quảng Nam như phở sắn Quế Sơn, măng Tây Giang, sâm Ngọc Linh… được bày bán.

Ông Nguyễn Tấn Luật - chủ cửa hàng Đặc sản Quảng Nam Nhân Hồng Đức chia sẻ, ông muốn nhiều du khách biết đến sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống Quảng Nam khi du lịch đến Hội An bởi sự đặc trưng và quý hiếm của những sản phẩm này.

“Quảng Nam có rất nhiều sản phẩm tuyệt vời và nổi tiếng như sâm Ngọc Linh chẳng hạn nhưng không phải du khách nào cũng có cơ hội trực tiếp nhìn thấy và mua được.

Do đó, Nhân Hồng Đức sẽ là nơi giới thiệu, bày bán những sản phẩm này nhằm giúp đưa sản vật địa phương đến gần hơn với khách hàng và từng bước xác lập thương hiệu cho thị trường” - ông Luật chia sẻ.  

Đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề ra thị trường thông qua kênh phân phối showroom như Nhân Hồng Đức đang trở nên phổ biến. Đây được xem là cách thức kinh doanh hiệu quả, giúp sản phẩm cơ sở, làng nghề đến gần hơn với khách hàng.

Cơ sở Đất nung Lê Đức Hạ (Điện Phương, Điện Bàn) hiện được xem mô hình thành công khi kết hợp giữa cách thức kinh doanh truyền thống và bán hàng online trên mạng internet. Mới đây, ông Hạ cũng đã mở một showroom trên đường Phan Châu Trinh (TP.Hội An) để giao dịch, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến khách hàng.

Dù vậy, theo ông Hạ, bên cạnh bán hàng truyền thống thì kinh doanh trực tuyến vẫn là kênh bán hàng hiệu quả vì phù hợp xu hướng thị trường và tâm lý khách hàng.

Từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh đình trệ ông Hạ bắt đầu chuyển hướng kinh doanh sang hình thức online, đến nay doanh thu từ bán hàng qua mạng chiếm khoảng 50% tổng doanh thu đơn vị.

“Nhờ kinh doanh trực tuyến mà hơn 2 năm qua chúng tôi có đủ tiền nuôi sống anh em thợ nghề” - ông Lê Đức Hạ nói.

Ông Hạ cũng khẳng định nếu doanh nghiệp, cơ sở làng nghề không tự nỗ lực, thay đổi cách thức kinh doanh, sáng tạo, cải tiến mẫu mã… sẽ khó thể trụ vững, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tại Cơ sở Đất nung Lê Đức Hạ, bình quân mỗi tháng hơn 10 mẫu sản phẩm mới được ra đời. Hiện tổng số mẫu của cơ sở đạt gần 500 và số mẫu mã này không ngừng được bổ sung, thay đổi theo yêu cầu, thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng trẻ.

Cần tiếng nói chung giữa các chủ thể

Tìm đầu ra cho sản phẩm nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP luôn là câu chuyện thời sự. Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm làng nghề “lận đận” chính là khả năng chậm thích ứng trước nhu cầu thị trường.

Du khách trải nghiệm làm gốm. Ảnh: Q.T
Du khách trải nghiệm làm gốm. Ảnh: Q.T

Đến nay, phần lớn ngành nghề chưa có doanh nghiệp “đầu đàn” làm đầu mối tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ sở trong làng nghề truyền thống quy mô nhỏ, sản phẩm tương tự nhau, mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, sức cạnh tranh yếu do thiếu thông tin thị trường… 

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua sức sống nhiều làng nghề ở địa phương có chuyển biến tích cực một phần ở việc cơ quan quản lý vận động doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các làng nghề và tạo điều kiện kết nối cho họ xuất khẩu. Đơn cử như tại làng chiếu cói Nga Sơn, có một doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm về thị trường, mẫu mã.

Vùng nguyên liệu sẽ do nông dân đảm trách, doanh nghiệp phối hợp chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân cùng thực hiện. Nhờ đó, chiếu cói Nga Sơn dần tìm được chỗ đứng ở thị trường châu Âu.

Trong khi đó đại diện Sở Công Thương Quảng Bình thông tin, hầu hết làng nghề ở Quảng Bình cũng đang gặp khó trong vấn đề thị trường và huy động nguồn vốn.

Theo sở này, không thể giữ mãi quan điểm sản phẩm làng nghề là hoàn toàn thủ công, cổ xưa. Nếu biết lồng ghép yếu tố khoa học kỹ thuật vào thì sản phẩm làng nghề mới bắt nhịp được với xu thế hiện nay, từ đó có thể giải quyết các khúc mắc căn bản mà làng nghề gặp phải.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống mang thương hiệu sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa, đáp ứng xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng, trước hết phải ưu tiên những dòng sản phẩm đặc trưng, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình chặt chẽ gắn với truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cơ sở sản xuất, làng nghề phải đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng…

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong định hướng bảo tồn phát triển làng nghề, ngoài gắn với hoạt động du lịch, sản phẩm làng nghề cũng không thể tách rời chương trình OCOP, bởi thực tế cho thấy không những sản phẩm làng nghề mà các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khi là sản phẩm OCOP đã có những chuyển biến và cơ hội mới, nhờ vào những hỗ trợ từ chương trình cũng như các hoạt động xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường.

LÀNG NGHỀ “CỘNG SINH” DU LỊCH

Du lịch và làng nghề cần nhau để tồn tại. Dù vậy, hấp lực của du lịch làng nghề Quảng Nam chưa đủ lớn với du khách và cũng chưa tương xứng với giá trị mà vốn dĩ nó có thể mang lại.

Sản phẩm gỗ mỹ nghệ Âu Lạc (Điện Bàn) là một trong những sản phẩm hiếm hoi của làng nghề Quảng Nam có chỗ đứng trên thị trường toàn quốc. Ảnh: H.T
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ Âu Lạc (Điện Bàn) là một trong những sản phẩm hiếm hoi của làng nghề Quảng Nam có chỗ đứng trên thị trường toàn quốc. Ảnh: H.T

Chơi vơi du lịch làng nghề

Thống kê cho thấy, tổng lượng khách tham quan các làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt gần 1,9 triệu lượt (chiếm khoảng 24% tổng lượt khách đến Quảng Nam). Tuy nhiên, tổng doanh thu chỉ đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Theo Sở VH-TT&DL, nhiều làng nghề nằm trong định hướng phát triển gắn với du lịch nhưng quy mô nhỏ, chưa có sức thu hút khách như làng chiếu Bàn Thạch, Duy Phước, Tam Thăng, làng mộc Vân Hà… Sản phẩm du lịch làng nghề trùng lắp khá nhiều, mẫu mã sản phẩm quà tặng lưu niệm từ các làng nghề phục vụ du lịch chưa đáp ứng được thị hiếu của du khách.

Ngay cả tại Hội An - nơi có lợi thế lớn thu hút khách du lịch, sức sống của các làng nghề cũng không khá khẩm hơn, kể cả khi chưa có dịch Covid-19. Doanh thu của làng gốm Thanh Hà năm 2019 chỉ đạt 3,7 tỷ đồng (bằng khoảng 61% so với năm 2018). Tương tự, doanh thu làng mộc Kim Bồng năm 2019 chỉ đạt 3 tỷ đồng (bằng 75% so với năm 2018).

Phố nghề đèn lồng Hội An (phường Minh An) doanh thu cũng trồi sụt qua các năm và chạm đáy từ năm 2020 đến nay. Nhiều điểm làng nghề tồn tại hai thái cực trái ngược khi khu vực xung quanh làng nghề vẫn phát triển tốt, hấp dẫn khách nhưng lõi làng nghề lại hiu hắt.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng - làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) cho rằng: “Hầu hết làng nghề vẫn chưa được đầu tư đến nơi đến chốn để gắn với phát triển du lịch. Du lịch hưởng lợi lớn từ làng nghề truyền thống trong việc tạo ra sản phẩm, doanh thu song du lịch chưa có sự đầu tư tương xứng vào làng nghề để bảo tồn, phát triển làng nghề, từ đó tiếp tục cộng sinh phát triển”.

Thực ra, việc “tầm gửi” vào du lịch cũng là “con dao hai lưỡi” của các làng nghề. Du lịch làng nghề là loại hình du lịch do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Nhưng thực chất, vai trò của chủ thể cộng đồng dân cư rất mờ nhạt, nhiều nơi hoàn toàn phụ thuộc các doanh nghiệp du lịch, nhất là lữ hành.

Khi một thị trường khách mục tiêu rút đi không ưa chuộng nữa thì đầu ra cho sản phẩm hoàn toàn bị co cụm. Một yếu tố nữa, hiện nay thiếu nhân lực để vận hành làng nghề gắn với du lịch.

Những người thợ chỉ sản xuất ra sản phẩm, việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm theo xu hướng mới còn bỏ ngỏ. Khi định vị sản phẩm vào thị trường bán sỉ và bán lẻ thì cần định hình bán cho ai và bán như thế nào.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel cho hay: “Làng nghề muốn gắn vào du lịch trước hết phải có giá trị riêng biệt và sản phẩm đó có thể thâm nhập thị trường.

Du lịch cũng dựa vào đó tạo ra giá trị cho làng nghề. Chúng ta phải xác định từ ban đầu du lịch không thể quyết định sự sinh tồn của làng nghề đó được mà làng nghề đó phải có giá trị cốt lõi trước đã. Đã có một số mô hình, dựa trên làng nghề và lồng ghép du lịch vào để thu hút khách sau đó lạm dụng các sản phẩm du lịch - dịch vụ thì không bao giờ bền vững được”.

Bắt nhịp với du lịch xanh

Quảng Nam đang định vị thương hiệu du lịch xanh. Và làng nghề có đầy đủ cấu trúc, chất liệu để nhập cuộc hướng đi này. Hiện có 25/268 sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống Quảng Nam được công nhận là sản phẩm OCOP 3 - 4 sao.

Làng rau Trà Quế hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Ảnh: Q.T
Làng rau Trà Quế hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Ảnh: Q.T

Nhiều sản phẩm gắn liền hoặc rất gần các điểm du lịch đã tạo dựng được thương hiệu với du khách như: đĩa Chùa Cầu (làng Kim Bồng, TP.Hội An), bưởi trụ Đại Bình (làng trái cây Đại Bình, Nông Sơn), khăn choàng cổ thổ cẩm (làng dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng, Đông Giang)… Bài toán ở đây là tạo ra câu chuyện gắn với du lịch xanh trong sản phẩm để tăng sự tương tác với du khách.

Sản phẩm làng nghề, cả nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra đều thân thiện, rất phù hợp với du lịch xanh. Mấu chốt nằm ở quá trình sản xuất, do chuỗi giá trị cung ứng lỏng lẻo, công nghệ sản xuất lạc hậu, quy hoạch thiếu đồng bộ nên rất nhiều quy trình sản xuất manh mún, tác động tiêu cực đến môi trường.  

Gợi mở về hướng bắt đầu, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói: “Làng nghề vốn hội tụ nhiều giá trị xanh và cần được định vị để hướng đến du lịch xanh. Đầu tiên chúng ta phải có ý thức khi làm du lịch làng nghề thì phải mang lại giá trị cho làng nghề. Tiếp nữa, cần phải chọn lọc đối tượng du khách đến với sản phẩm du lịch làng nghề”.

Với những làng nghề có vị trí địa lý cách xa điểm du lịch, du lịch xanh liệu có là lối mở cho việc bảo tồn, phục hồi làng nghề? Ông Lê Hoàng Hà nói: “Chúng ta không nên chỉ dựa vào mỗi làng nghề mà cần dựa vào tổng thể cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa để dẫn dắt những câu chuyện sinh động.

Để du khách chấp nhận sản phẩm còn ảnh hưởng của nhiều thứ khác như lối sống, văn hóa bản địa của vùng đất đó… Trên cơ sở hội tụ đủ các yếu tố nêu trên, chúng tôi nghĩ rằng mọi làng nghề dù ở đâu đều sẽ thu hút được du khách”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Quảng Nam định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch

Quảng Nam là một trong những địa phương có làng nghề và các nghề truyền thống rất phong phú. Từ xưa đến nay, Quảng Nam luôn trân trọng nghệ nhân và nghề truyền thống, tạo cơ hội phát triển bằng nhiều cơ chế chính sách. Tuy nhiên, trước thách thức của phát triển kinh tế thị trường, việc tìm chỗ đứng cho các ngành nghề, nhất là thủ công truyền thống đòi hỏi phải có tầm nhìn và cách làm phù hợp.

Thông qua “Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022” (diễn ra từ ngày 19.5 đến 22.5) chúng tôi mong muốn giới thiệu với mọi người những giá trị quý giá của nghề truyền thống cũng như tôn vinh nghệ nhân giữ nghề. Đây cũng là dịp các làng nghề khác trong cả nước cùng tham gia, chia sẻ kinh nghiệm trong đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường hiệu quả.

Quảng Nam định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch. Vì vậy, vấn đề bảo tồn làng nghề, nghề truyền thống được chú trọng, việc xây dựng các cơ chế chính sách kết hợp giữa phát triển làng nghề với phát triển du lịch phải phù hợp. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề hiện còn một số vấn đề bất cập. Đó là nhiều nghệ nhân lớn tuổi nhưng việc truyền lại nghề gặp nhiều khó khăn vì thế hệ trẻ hiện nay họ có xu hướng tiếp cận các công nghệ hiện đại.

Các ngành nghề cũng manh mún, phân tán trong khu vực dân cư nên để hình thành một quần thể có đầy đủ yếu tố về nghề truyền thống gắn với văn hóa, phong tục, bản sắc của từng địa phương là điều không hề đơn giản. Việc cải tiến mẫu mã, nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất bền vững chưa đáp ứng.

Hiện nay, chúng tôi đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL nghiên cứu, xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy các làng nghề, nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, kể cả tham khảo, học tập địa phương bạn để làm sao đề án có tính khả thi nhất, như: phát triển vùng nguyên liệu, về đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân có tay nghề cao... Bên cạnh đó, việc thiết kế mẫu mã và tiếp cận thị trường, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ và kinh tế số hiện nay cũng đã được triển khai và từng bước hoàn thiện.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam: Làng nghề cần được tái cấu trúc

Làng nghề ở Quảng Nam đang ở tâm thế dừng lại để mong định hình hướng phát triển mới. Nhân tố quan trọng nhất của bảo tồn làng nghề vẫn là con người - cụ thể hơn là các nghệ nhân. Bởi nghệ nhân chính là những báu vật nhân văn sống, là những người có sứ mệnh lĩnh hội, cải biến, bổ sung và truyền nghề.

Thực tế là nhiều thợ cả, nghệ nhân đã truyền nghề cho những lao động trong gia đình, họ hàng, người yêu nghề đạt kết quả tốt. Tuy vậy, nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ gắn với làng nghề còn tự ti, lo ngại các vấn đề về thủ tục nên chưa đăng ký thương hiệu.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tái cấu trúc sản phẩm. Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của thị trường, soát xét lại danh mục sản phẩm hiện có mà xác định những sản phẩm chủ lực cần duy trì. Các sản phẩm không có thị trường cần kiên quyết loại bỏ. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu tái cấu trúc lại làng nghề.

Về kinh tế cần tăng cường các quan hệ liên doanh, liên kết. Làng nghề cần cùng nhau thương thảo, thỏa thuận đối với các vấn đề liên quan đến uy tín, thương hiệu của làng nghề. Về văn hóa, cần cùng nhau chung sức xây dựng những công trình vừa có ý nghĩa tôn vinh truyền thống, vừa có ý nghĩa giáo dục cho đời sau đối với làng nghề.  

Điểm yếu của một số làng nghề ở Quảng Nam là đã quá mai một, làng nghề không còn một ai đứng ra để bảo tồn, vực dậy nghề. Ở đây không chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà những người làm nghề nên tự thân tìm tòi thúc đẩy sản phẩm nghề kết nối với chuỗi giá trị.

Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa về các mặt quy hoạch cơ sở hạ tầng, đường sá, cảnh quan. Ngoài ra, ai nắm giữ bí quyết của nghề thì Nhà nước cần có cơ chế vinh danh, khuyến khích truyền nghề cho thế hệ trẻ tâm huyết, hạn chế tối đa việc “giấu nghề”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
CHỈ DẤU CHO LÀNG NGHỀ PHỤC HƯNG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO