Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai: Hài hòa lợi ích để phát triển bền vững

VĂN SANH 07/03/2022 08:58

Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO) là một thương hiệu mạnh của Khu kinh tế mở Chu Lai, đồng hành với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào Chu Lai và Tam Thăng.

Hơn 7.500 công nhân Công ty Panko Tam Thăng phòng chống dịch an toàn và sản xuất hiệu quả trong năm 2021. Ảnh: VĂN SANH
Hơn 7.500 công nhân Công ty Panko Tam Thăng phòng chống dịch an toàn và sản xuất hiệu quả trong năm 2021. Ảnh: VĂN SANH

Đồng hành với nhà đầu tư

Ngay buổi đầu, CIZIDCO đã nỗ lực tìm kiếm nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng trọng yếu, vận dụng linh hoạt chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ chu đáo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào Khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai - một trong những KCN đầu tiên của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Ông Lê Ngọc Thủy - Phó Giám đốc phụ trách CIZIDCO cho biết, giai đoạn 1 KCN này có gần 177ha hoàn thiện hạ tầng, thu hút được 24 dự án với 3.901 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước và 36 triệu USD vốn trực tiếp nước ngoài - FDI.

Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư hạ tầng đồng bộ, mở rộng thêm 184,5ha (nâng tổng diện tích KCN 361ha), thu hút được 3 dự án của các nhà đầu tư. Trong đó, tổng vốn đăng ký đầu tư FDI 47 triệu USD.

Đến nay, CIZIDCO đã thu hút 51 dự án đầu tư tại KCN Bắc Chu Lai và KCN Tam Thăng, bao gồm 27 dự án FDI và 24 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 682 triệu USD và gần 4.487 tỷ đồng. Trong năm 2021, cả 2 KCN đã thích ứng linh hoạt, chủ động phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đạt tổng doanh thu hơn 22.810 tỷ đồng, nộp ngân sách 598 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 19.500 người lao động với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có 4 dự án phải tạm ngưng sản xuất (có 3 dự án của Công ty Kính nổi Chu Lai). Tuy vậy, được CIZIDCO đồng hành, các nhà đầu tư đã phòng chống dịch an toàn và sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Đơn cử, Công ty CCI Việt Nam - doanh nghiệp FDI đầu tiên quy mô 5ha tại KCN Bắc Chu Lai (năm 2007). Trong năm 2021, công ty đã phòng chống dịch an toàn, đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.500 lao động (bình quân 8 triệu đồng/người/tháng), thực hiện tốt chế độ bảo hiểm, thưởng tết, xe đưa đón công nhân…

Năm 2021, các nhà đầu tư trong KCN Bắc Chu Lai đã chủ động phòng dịch, đạt tổng doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 141 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.500 lao động địa phương.Từ sau Tết Nhâm Dần đến nay, 20 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất bình thường. Toàn KCN chỉ có 150 ca nhiễm, được điều trị kịp thời và an toàn .

Nhà xưởng Công ty Hyosung Quảng Nam khang trang tại KCN Tam Thăng. Ảnh Văn Sanh
Nhà xưởng Công ty Hyosung Quảng Nam khang trang tại KCN Tam Thăng. Ảnh Văn Sanh

Phát triển bền vững

Đồng hành với CIZIDCO tại KCN Tam Thăng, trong 5 năm qua (2016 - 2021), Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) đã triển khai nhiều dự án lớn, như nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 28.000m3/ngày đêm. Qua đó tạo lực hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đức, Hồng Kông vào KCN.

Ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty Panko Tam Thăng cho biết, năm qua nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, công ty đã nỗ lực vượt qua đại dịch. Công ty có diện tích 30ha, trong đó nhà xưởng 20ha với hơn 7.500 người lao động thường xuyên - chiếm gần 55% lao động KCN.

Hàng năm, công ty sản xuất khoảng 25.000 chiếc quần áo bằng hệ thống khép kín dệt - nhuộm - may và xuất khẩu ra thế giới. Trong năm 2021, Tập đoàn Panko và 23 nhà đầu tư trong KCN Tam Thăng đã nỗ lực vượt qua đại dịch, sản xuất kinh doanh hiệu quả: đạt tổng doanh thu 66,115 triệu USD, nộp ngân sách 457 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 13.000 lao động địa phương.

“Năm 2022, Panko Tam Thăng có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước. Công ty đang tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng với đơn đặt hàng ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh “ - ông Han Chul Jool chia sẻ.

Đáng kể, trong năm 2021 dự án nhà máy sản xuất sợi vải mành của Công ty Hyosung Quảng Nam đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 250 triệu USD. Tập đoàn Hyosung cũng đã quyết định triển khai dự án đầu tư cụm nhà máy công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí ô tô với diện tích khoảng 100ha, tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 128 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Tam Thăng mở rộng. Dự án có quy mô 248,9ha, được triển khai tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tổng vốn đầu tư hơn 768 tỷ đồng, thời kỳ 2021 - 2030. Theo quyết định trên, CIZIDCO được tiếp tục làm chủ đầu tư.

Công ty đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục hồ sơ, vừa đẩy mạnh thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án hiệu quả. Đại diện Ban Quản lý KCN Tam Thăng chia sẻ, sẽ quyết tâm làm theo tốc độ “cuốn chiếu” và phấn đấu giao khoảng 100ha đất sạch cho Tập đoàn Hyosung và các nhà đầu tư sớm nhất trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai: Hài hòa lợi ích để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO