Định vị thương hiệu làng nghề Quảng Nam

VĨNH LỘC 16/05/2022 06:42

Lần đầu tiên tổ chức, “Festival Nghề truyền thống vùng miền - Quảng Nam 2022” được xem là cầu nối để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP… giới thiệu, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022.

Phát triển sản phẩm làng nghề trở thành hàng hóa giúp làng nghề được bảo tồn phát huy tốt. Ảnh: V.L
Phát triển sản phẩm làng nghề trở thành hàng hóa giúp làng nghề được bảo tồn phát huy tốt. Ảnh: V.L

Kết nối làng nghề

Những ngày qua, ông Võ Tấn Tân - chủ Cơ sở Tre nghệ thuật Taboo Bamboo (Cẩm Thanh, Hội An) tất bật với công việc chọn lựa sản phẩm để chuẩn bị tham gia Festival Nghề truyền thống vùng miền sẽ diễn ra vào giữa tuần này.

“Tôi sẽ mang khoảng 10 nhóm sản phẩm, chủ yếu là đồ gia dụng, vật trang trí và đồ chơi trẻ em gồm con vật, bàn, ghế, giường, chõng, đồng hồ, ly uống nước, ống hút, đũa, bát… đến hội chợ giới thiệu người xem và đối tác như là những sản phẩm mang dấu ấn địa phương, thân thiện với môi trường.

Thật ra, tôi muốn mang nhiều hơn nữa nhưng do không gian trưng bày có hạn nên chỉ có thể đem những sản phẩm nhỏ gọn phù hợp xem như cơ hội quảng bá, giao lưu với các làng nghề khác, qua đó cổ vũ, tạo không khí cho làng nghề phục hồi, phát triển sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh” - ông Tân chia sẻ.

Hơn 10 năm trước, những chiếc xe đạp làm bằng tre của ông Võ Tấn Tân lần đầu tiên được du khách biết tới khi tham quan, du lịch Hội An, để rồi sau đó trở thành mặt hàng độc đáo theo chân du khách tới nhiều nơi trên thế giới.

Đến nay, sản phẩm làm từ tre của ông Tân không còn bó hẹp trong các vật dụng hay vật trang trí, đồ chơi gắn với thị trường khách du lịch mà đã mở rộng sang lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, trang trí nhà cửa, khách sạn…

Cơ sở của ông Võ Tấn Tân là một trong số khoảng 22 cơ sở, làng nghề, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam đăng ký tham gia Festival Nghề truyền thống vùng miền lần này.

Ngoài ra, có thể kể đến dệt thổ cẩm Cơ Tu Đông Giang, Tây Giang; dệt chiếu Bàn Thạch, se nhang Quán Hương, nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình), nước mắm Duy Trinh (Duy Xuyên), đèn lồng Hội An…

Theo Sở Công Thương, quy mô festival nghề lần này khá lớn với nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Dự kiến, bên cạnh 10 nhà gỗ (diện tích bình quân 1 nhà gỗ là 53m2) còn có 78 gian hàng thuộc 16 làng nghề... Hội chợ cũng thu hút khoảng 150 doanh nghiệp, chủ thể OCOP trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Tháp… tham gia.

Phát triển sản phẩm hàng hóa

Có thể khẳng định, những năm gần đây, làng nghề Quảng Nam đã có bước phát triển mới. Nhiều cơ chế, chính sách đã được tỉnh ban hành, nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề, nhất là việc phát triển, nhân rộng “chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) làm cho nhận thức về giá trị của làng nghề được nâng cao, qua đó đã tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.

Ông Võ Tấn Tân giới thiệu sản phẩm xe đạp bằng tre của mình với khách du lịch. Ảnh: V.LỘC
Ông Võ Tấn Tân giới thiệu sản phẩm xe đạp bằng tre của mình với khách du lịch. Ảnh: V.LỘC

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, “Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022” sẽ là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tham gia giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường.

Qua đó, mở ra cơ hội tăng cường liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống…

“Mục tiêu của festival lần này không phải kết nối cung cầu như một hội chợ bình thường mà là cùng bàn giải pháp để cho làng nghề sống được. Trong đó có việc giới thiệu những sản phẩm du lịch gắn với làng nghề mà Quảng Nam cũng như các địa phương khác đang khai thác hiệu quả.

Vì vậy, mua bán hàng hóa tại hội chợ chỉ là yếu tố phụ, rộng hơn là tìm giải pháp bảo tồn làng nghề, tôn vinh nghệ nhân, tạo hưng phấn cho các nghệ nhân để họ đóng góp với nghề, sống được với nghề” - ông Dự cho biết.

Trong 4 ngày diễn ra festival (19 - 22.5) nhiều hoạt động biểu diễn, giao lưu giữa các làng nghề Quảng Nam với một số địa phương khác cũng được tổ chức, như: biểu diễn nghề dệt thổ cẩm tỉnh Đak Lak và huyện Tây Giang; gốm Bát Tràng (Hà Nội) và gốm Thanh Hà (Hội An), chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa), Đan mê bồ (Đồng Tháp), dệt lụa Duy Xuyên; diễn tấu cồng chiêng - Tây Nguyên; hát hò khoan đối đáp Thanh Hóa - Quảng Nam…

Đồng thời sẽ có các tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề trong thời kỳ hội nhập” và “Tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực vùng, miền” với sự tham gia của các chủ thể nghề truyền thống, chủ thể OCOP, các sàn thương mại điện tử…

Trong đó việc kết nối thương mại thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang giới thiệu sản phẩm Quảng Nam được xem là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề như là một sản phẩm hàng hóa có giá trị mang đến cơ hội cho các đơn vị doanh nghiệp định vị thương hiệu, đẩy mạnh kinh doanh thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định vị thương hiệu làng nghề Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO