Gắn kết sản phẩm khởi nghiệp với kinh tế đêm

VĨNH LỘC 13/06/2022 06:27

Gần 10 gian hàng khởi nghiệp, sản phẩm OCOP tham gia Lễ hội âm nhạc và ẩm thực An Bàng (TP.Hội An) cuối tuần qua, góp phần mang đến sự mới mẻ, đa dạng cho một sự kiện du lịch biển. Đặc biệt, đã mở ra kênh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả đến cộng đồng, du khách.

Việc đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp cùng tham gian vào hoạt động kinh tế đêm sẽ mở ra cơ hội cho đầu ra sản phẩm đa dạng hơn. Ảnh: V.L
Việc đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp cùng tham gian vào hoạt động kinh tế đêm sẽ mở ra cơ hội cho đầu ra sản phẩm đa dạng hơn. Ảnh: V.L

Cơ hội quảng bá

Gian hàng Hoa Mẫn Vy Handmade nằm ven bờ biển trên lối đi vào không gian chính của Lễ hội âm nhạc và ẩm thực An Bàng bày bán gần 20 loại sản phẩm, hầu hết là mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp được làm từ thiên nhiên, như dầu gội thảo dược trị rụng tóc, trị gàu nấm, trị tóc bạc… Rất nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài đã ghé thăm gian hàng.

Bà Kathy - du khách người Anh chia sẻ, bà rất thích dùng những sản phẩm được làm từ thiên nhiên vì ít tác dụng phụ và thân thiện môi trường. Bà Kathy cho biết đang làm việc ở Hà Nội, bà có thói quen sử dụng các sản phẩm thảo dược nên thường tìm mua trên mạng hoặc trong những chuyến đi du lịch vì sự tinh khiết cũng như hương thơm đặc trưng của sản phẩm mang lại.

“Tôi không nghĩ sẽ được mua các sản phẩm mình yêu thích tại lễ hội lần này. Thật tuyệt vời, tôi thực sự rất vui vì điều này!” - bà Kathy nói.

Vài năm gần đây cụm từ “kinh tế đêm” được nhắc đến nhiều trong các kế hoạch phát triển. Tại một số thành phố lớn hoặc có hoạt động du lịch như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc… kinh tế đêm được phát triển theo hướng phục vụ du lịch là chủ yếu và đa phần tập trung vào các hoạt động vui chơi, giải trí… Riêng việc đưa các sản phẩm địa phương, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP vào hoạt động kinh tế đêm thường xuyên dường như chưa được chú ý nhiều, điều này cũng không ngoại lệ tại Hội An, Quảng Nam.

Trong 2 đêm diễn ra Lễ hội âm nhạc và ẩm thực An Bàng, bên cạnh các gian hàng ẩm thực còn có 9 gian hàng bày bán sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, hầu hết sản phẩm có mẫu mã được thiết kế nhỏ gọn tinh xảo để khách dễ mua, dễ mang về làm quà lưu niệm.

Theo ông Đinh Công Quân - Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An, chủ cơ sở OCOP House, đây là lần đầu tiên sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp được đưa vào lễ hội biển An Bàng. Kết quả cho thấy đây là hướng đi phù hợp để các chủ thể dễ dàng tiếp cận thị trường khách hàng, qua đó giúp tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến trực tiếp khách hàng.

“Do diện tích hạn chế nên lễ hội lần này không bố trí được nhiều gian hàng khởi nghiệp, nhưng từ sự thành công này tôi nghĩ việc đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương vào các sự kiện du lịch, nhất là các hoạt động về đêm sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và mua sắm bởi thời điểm ban đêm khách thường có thời gian và tâm lý mua sắm nhiều hơn” - ông Quân nói.

Mặc dù sự kiện chính là ẩm thực và âm nhạc, du khách chủ yếu đến ăn uống vui chơi nhưng rất nhiều khách cũng đã ghé tìm hiểu, mua sắm tại các gian hàng sản phẩm OCOP.

Thống kê sơ bộ qua 2 đêm lễ hội, tổng doanh thu của các bán hàng ước đạt 100 triệu đồng. Không chỉ khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt, một thành công khác của các chủ thể chính là nhiều sản phẩm đã được khách hàng biết tới, kể cả kết nối thông tin đặt mua khi quay về nhà.

Ảnh: V.L
Ảnh: V.L

Thị trường kinh tế đêm

Theo ông Lê Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty Sự kiện và lễ hội biển An Bàng, ngay từ đầu ông đã nhận thấy lễ hội sẽ là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP địa phương. Và kết quả đạt được ngoài mong đợi.

“Tôi nghĩ việc đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP vào các sự kiện du lịch nói chung và lễ hội đêm nói riêng sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

Đặc biệt khách cũng dễ dàng móc hầu bao mua sắm với những sản phẩm mình ưa thích, bởi tâm lý một số khách sau khi ăn uống thường thích đi dạo thư giãn và trải nghiệm và mua sắm. Điều này khác hoàn toàn với những hội chợ thương mại thông thường” - ông Thuận phân tích.

Từ vài năm trước một số nước khu vực Đông Nam Á đã tổ chức các phiên chợ đêm bán hàng địa phương như là một hoạt động của kinh tế đêm phục vụ khách du lịch. Đi đầu phải kể đến Thái Lan, một số thành phố du lịch của nước này hàng tháng đều tổ chức các phiên chợ OCOP về đêm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm sản vật địa phương của khách du lịch.

Quảng Nam hiện có 268 sản phẩm OCOP cùng hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng hiểu biết về sản phẩm OCOP, thậm chí không ít người vẫn mặc định sản phẩm OCOP và các sản phẩm khác giống nhau, đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp loay hoay tìm thị trường.

Theo đại diện Sở Công Thương, trong kế hoạch phát triển đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp… bên cạnh tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm cầu nối thị trường thì việc chủ động tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm thông qua các kênh thương mại rất quan trọng.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, việc đa dạng hóa các kênh phân phối, đặc biệt đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, địa phương vào các sự kiện du lịch và hoạt động lễ hội là cách làm hay nhằm quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nhanh nhạy và hiệu quả.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để các chủ thể sản phẩm có thể kết nối, hợp tác, liên kết với đối tác không chỉ trong tiêu thụ sản phẩm mà còn trong sản xuất, chế biến nhằm gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết sản phẩm khởi nghiệp với kinh tế đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO