Gian nan phòng chống gian lận thương mại

VĨNH LỘC 30/12/2022 07:52

Ngày càng xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi để đối phó các cơ quan chức năng, nên công tác phòng chống hàng giả, hàng lậu trên địa bàn tỉnh rất gian nan.

Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa. Ảnh: V.LỘC
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa. Ảnh: V.LỘC

Đây là chia sẻ của ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trưởng tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam, vào hôm qua 29/12.

Phức tạp

Báo cáo tại hội nghị, ông Lương Viết Tịnh đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam thông tin, năm 2022, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.599 vụ việc vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 1.329 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 372 tỷ đồng, tiến hành khởi tố 201 vụ/462 đối tượng.

Dù đây là những kết quả thể hiện sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo trong hoạt động chống gian lận thương mại, tuy nhiên diễn biến về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc… trên địa bàn tỉnh vẫn khá phức tạp, nhất là hoạt động thương mại điện tử.

Như việc xác định địa điểm đối tượng vi phạm là hết sức phức tạp do mô hình kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh chủ yếu qua mạng xã hội, hầu hết chủ thể bán hàng không có mặt bằng, kho hàng cụ thể; mọi chào bán, giao dịch, nhận đơn, gửi đơn hàng và thanh toán qua ví điện tử hoặc hình thức COD.

Trong khi, việc kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để xử lý cũng không hề đơn giản. Chưa kể, việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội (facebook, twitter, tiktok…) dễ dàng nên việc truy xuất dữ liệu, thu nhập thông tin đối tượng vi phạm khá khó khăn.

Bên cạnh đó, quá trình xử lý vi phạm hành chính cũng gặp vướng mắc do một số văn bản quy phạm pháp luật chậm điều chỉnh. Đơn cử, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như các văn bản liên quan hiện không có định nghĩa hoặc quy định thế nào là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Điều này gây khó khăn trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như “Buộc tiêu hủy” hay áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu…” đối với những hành vi vi phạm hành chính có nội dung quy định ở cả 2 hình thức trên, nhất là với các loại hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, phân bón, mỹ phẩm, áo quần may sẵn…

Đẩy mạnh tuyên truyền

Có thể nhận thấy, hậu quả của các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu… gây thiệt hại không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.599 vụ việc vi phạm. Ảnh: V.LỘC
Năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.599 vụ việc vi phạm. Ảnh: V.LỘC

Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, việc quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội rất khó khăn, điển hình năm 2020 doanh thu từ hoạt động bán hàng qua mạng khoảng 300 tỷ đồng nhưng kết quả thuế thu được chỉ hơn 1 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế của các chủ thể kinh doanh qua mạng xã hội.

Đại diện các đơn vị, ngành liên quan cũng thừa nhận diễn biến gian lận thương mại trên thị trường ngày càng phức tạp, trong khi lực lượng mỏng, phương tiện thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng lậu. Theo đại diện Cục Hải quan, nếu không có thiết bị, máy móc đạt chuẩn sẽ khó phát hiện hàng lậu, hàng giả, chưa kể đối diện nhiều rủi ro trong quá trình kiểm tra.

“Một số phương tiện vận chuyển hàng hóa như dăm gỗ, sắn củ qua cửa khẩu Nam Giang hay hàng hóa tại cảng Kỳ Hà nhìn trực quan có thể nhận thấy dấu hiệu vi phạm nhưng mình không thể yêu cầu phương tiện vào bãi bốc dỡ kiểm tra vì sẽ đối diện nhiều rủi ro. Nếu chúng ta có máy soi hoặc trạm cân sẽ khác” - đại diện Cục Hải quan bày tỏ.

Đồng thời đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin, hỗ trợ kịp thời nhằm đạt hiệu quả cao trong đấu tranh, chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh nói, đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn khó khăn, phức tạp, nhưng với những kết quả đạt được cũng là thành công. Tuy nhiên cần đầy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý, nhất là dịp trước, trong và sau tết.

Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền, truyền thông phòng chống gian lận thương mại với những phương pháp đổi mới, hiệu quả, kể cả tổ chức nhiều cuộc thi, lồng ghép vào giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng hàng năm của tỉnh, thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông và nhân dân, từ đó lan tỏa hơn nữa công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu… trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan phòng chống gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO