Hướng đi từ đào tạo, sát hạch lái xe

CÔNG TÚ 12/11/2019 14:22

(QNO) - Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư sát hạch lái xe (SHLX), anh Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam quyết định đến Thăng Bình mở trung tâm SHLX trên con đường lập nghiệp của mình.

Học viên thi sát hạch trên hình tại Trung tâm SHLX Quảng Nam. Ảnh: C.T
Học viên thi sát hạch trên hình tại Trung tâm SHLX Quảng Nam. Ảnh: C.T

Chọn hướng đi

Những năm 2005 trở về trước, người dân Quảng Nam muốn đi SHLX để được cấp giấy phép lái xe (GPLX) phải ra đến Thừa Thiên Huế hoặc vào tận Bình Định mới có địa điểm tổ chức sát hạch. Cho nên, người được sở hữu GPLX ô tô ít ỏi, bởi ngại đi xa tốn kém và mất thời gian. Trong lúc, vấn nạn tai nạn giao thông, đặc biệt là đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng cao mà một trong nguyên nhân chính là tài xế cầm vô lăng không được đào tạo bài bản, thậm chí phần lớn chưa hề trải qua một khóa sát hạch về kiến thức pháp luật có liên quan, kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn nào (là nguyên nhân chiếm khoảng 70% số vụ tai nạn).

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư SHLX với nhiều cơ chế thông thoáng. Tuy nhiên, thị trường về đào tạo, SHLX thời điểm ấy tại Quảng Nam chưa sôi động. Chính vì vậy, không ít nhà doanh nghiệp ái ngại bởi không thể bỏ ra một số vốn lớn mà độ rủi ro cao. Anh Phạm Hồng Sơn không nằm ngoại lệ. Nhưng rồi, nhận được sự động viên cũng như trăn trở trước tình trạng mất an toàn giao thông lúc bấy giờ, tháng 5.2005, anh quyết định thành lập Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam để tham gia đầu tư vào Trung tâm SHLX Quảng Nam.

Được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi từ phía UBND tỉnh, các sở ngành và huyện Thăng Bình, Trung tâm SHLX Quảng Nam đi vào hoạt động từ ngày 25.7.2006 tại xã Bình Nguyên (Thăng Bình), vốn ban đầu hơn 12 tỷ đồng. Tại một số huyện khác của tỉnh, doanh nghiệp còn đầu tư thêm 8 điểm SHLX mô tô. Sau này, do không đủ quy mô diện tích theo quy định, 8 điểm đều dồn về Trung tâm SHLX Quảng Nam.

Phục vụ tối đa cho Sở GTVT - đơn vị thuê Trung tâm SHLX Quảng Nam để tổ chức thi sát hạch quốc gia cho học viên, trung tâm đạt tiêu chuẩn loại 2 này trang bị cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dụng đúng tiêu chuẩn mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành. Sau này, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư phục vụ thi sát hạch mô tô bằng lý thuyết trên máy vi tính áp dụng ngày 1.4.2017; từ ngày 1.7.2017 thi sát hạch mô tô bằng thực hành trên hình.

Thích ứng với thị trường

Lưu lượng học viên học lái xe ô tô tăng mạnh, cho nên lịch mà Sở GTVT thuê SHLX ngày càng dày (bình quân mỗi tháng 4 - 5 khóa). Trung tâm SHLX Quảng Nam đã dần thay mới phương tiện phục vụ sát hạch, đáp ứng với quy chuẩn mà cấp thẩm quyền yêu cầu. Theo đó, ngoài 4 mô tô, trung tâm hiện có 3 xe ô tô sát hạch thực hành trong hình và đường trường hạng B1, 13 phương tiện sát hạch hạng B2 và 5 xe sát hạch hạng C. Thiết bị chấm điểm tự động cũng được lắp đặt mới theo quy chuẩn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Sơn tập thực hành trên sân tập. Ảnh: C.T
Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Sơn tập thực hành trên sân tập. Ảnh: C.T

Ngày 8.10.2019, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ (hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.12 năm nay). Anh Phạm Hồng Sơn cho biết, doanh nghiệp đã “khoanh vùng” những yêu cầu thông tư quy định bổ sung để thực hiện đúng lộ trình. Ở trung tâm hiện tại, hệ thống camera đã lắp đặt đầy đủ tại phòng thi sát hạch lý thuyết; còn trên sân thi hình dù có lắp đặt nhưng cần bổ sung thêm. Cạnh đó, trung tâm sẽ đầu tư ca bin điện tử phục vụ phần thi SHLX bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Chủ doanh nghiệp này còn thể hiện sự năng động, thích ứng trước nhu cầu của thị trường. Nắm bắt các điểm quy hoạch cho đào tạo, SHLX tại địa bàn tỉnh, Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam đã đề xuất và được cho phép mở ngành nghề đào tạo lái xe các hạng A1, B1, B2 và C. Để cuối năm 2015, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Sơn đi vào hoạt động. Dãy phòng học và bộ phận văn phòng xây dựng mới trên diện tích 500m2, 2 gara xe rộng 1.000m2 cùng với sân tập thực hành.

Trung tâm hiện có 80 xe ô tô dạy lái xe hạng B2, 5 xe dạy B1 (số tự động) và 3 xe dạy hạng C; đồng thời tuyển dụng 90 giáo viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề để trực tiếp giảng dạy (4 giáo viên dạy lý thuyết). Anh Phạm Hồng Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã đào tạo 2.772 học viên học lái xe ô tô, trong đó có 2.431 người đỗ tốt nghiệp. Áp dụng Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, thời gian đến, trung tâm sẽ đưa vào tổ chức dạy phổ biến Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia…

Một học viên đang học lái xe ô tô B2 chia sẻ, việc chấm thi đã hoàn toàn tự động, cho nên cần phải trau dồi kỹ càng, đặc biệt là khâu thực hành nếu không sẽ bị tâm lý và rớt ngay. Tài xế tên Toàn ở Duy Xuyên thì bày tỏ, việc có GPLX ô tô sẽ ngày càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, sang năm 2020 muốn đỗ tốt nghiệp phải vượt qua 4 phần thi sát hạch (lý thuyết, trong hình, ca bin điện tử, trên đường). Tất nhiên, xã hội sẽ hưởng lợi khi được bổ sung thêm đội ngũ lái xe vững vàng, am hiểu pháp luật và nắm chắc cách lái xe an toàn trên đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đi từ đào tạo, sát hạch lái xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO