Kết nối làng nghề, quảng bá sản phẩm

VĨNH LỘC 20/05/2022 07:47

Chiều tối qua 19.5, tại Công viên Vườn tượng An Hội, TP.Hội An, khai mạc “Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022” - sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động trọng tâm của Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, mở ra cơ hội để làng nghề Quảng Nam vươn ra ngoài tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm quan gian hàng tại festival. Ảnh: V.LỘC
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm quan gian hàng tại festival. Ảnh: V.LỘC

Cơ hội mở rộng thị trường

Diễn ra từ ngày 19 - 22.5, “Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022” tái hiện sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành đại diện cho từng khu vực trên cả nước.

Đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người xứ Quảng trên các Iĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Trong 4 ngày diễn ra festival có nhiều hoạt động: Biểu diễn nghề dệt thổ cẩm (tỉnh Đắk Lắk và huyện Tây Giang), gốm Bát Tràng, gốm Thanh Hà, chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa), đan mê bồ (Đồng Tháp), dệt lụa (huyện Duy Xuyên), diễn tấu cồng chiêng - Tây Nguyên; đêm Hoài giang và chương trình hát hò khoan đối đáp Thanh Hóa - Quảng Nam; ẩm thực truyền thống.

Dịp này diễn ra các tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề trong thời kỳ hội nhập”, “Tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực vùng - miền”; tổ chức đoàn Sở Công Thương các tỉnh tham quan và giới thiệu, kết nối công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô tại Thaco Chu Lai; tham quan các điểm du lịch, kết nối Chương trình phát triển du lịch xanh...

Festival cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ nhân, thợ giỏi của Quảng Nam và các vùng miền nhằm tôn vinh sự đóng góp, gìn giữ truyền nghề và phát triển nghề trong cộng đồng; mở ra cơ hội để các địa phương tìm hiểu, liên kết, hỗ trợ nhau trong phát triển nghề, làng nghề truyền thống, thúc đẩy kết nối cung cầu, liên kết phát triển sản phẩm.

Từ đó, tăng cường các giải pháp chiến lược thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng vị thế thương hiệu các sản phẩm làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, thời gian qua, công tác phát triển nghề, làng nghề truyền thống nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chương trình khởi nghiệp sáng tạo; sản phẩm nghề truyền thống Quảng Nam có bước phát triển khá, nhiều sản phẩm được khẳng định giá trị thương hiệu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và bảo tồn phát triển nghề truyền thống.

“Bên cạnh các sản phẩm nghề truyền thống được chọn lựa trưng bày, triển lãm tại các gian hàng lần này, còn có hoạt động biểu diễn thực cảnh nghề truyền thống đặc sắc như nghề gốm, dệt thổ cẩm, dệt lụa… của các nghệ nhân. Qua đó, viết lại câu chuyện về sự hình thành, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống một cách chân thực và sinh động” - ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Phát triển gắn với du lịch xanh

Dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng festival lần này có quy mô khá lớn với gần 100 gian hàng cùng sự tham gia của hơn 60 nghệ nhân, thợ giỏi đến từ nhiều tỉnh, thành đại diện các vùng miền trong cả nước như Quảng Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Tháp...

Festival thu hút gần 100 gian hàng làng nghề ở các vùng miền tham gia. Ảnh: VĨNH LỘC
Festival thu hút gần 100 gian hàng làng nghề ở các vùng miền tham gia. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, một nội dung quan trọng của festival nghề lần này chính là giới thiệu các sản phẩm làng nghề theo hướng du lịch xanh nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch.

Tại hội chợ, ngoài bố trí khu gian hàng trung tâm để quảng bá những sản phẩm mới của du lịch Quảng Nam, chiều 18.5 UBND tỉnh tổ chức bấm nút khai trương hệ thống Du lịch thông minh Quảng Nam và ký kết ký hợp tác “Hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giữa các địa phương”.

Trong khuôn khổ các hoạt động trước thềm khai mạc festival, ngày 18.5 cũng đã diễn ra chương trình xúc tiến thương mại điện tử với việc giới thiệu “Trang sản phẩm Quang Nam” (hiện nay đã có khoảng 500 sản phẩm được cập nhật) và ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với TP.Hà Nội....

Ông Đặng Bá Dự khẳng định, những năm qua, Quảng Nam đã có nhiều chính sách, chương trình kết nối, giao lưu, xúc tiến thương mại với nhiều tỉnh thành, vùng miền trên cả nước không chỉ ở hình thức truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm… mà còn đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử với việc xác định những địa bàn trọng điểm để ưu tiên xúc tiến thương mại.

TP.Hà Nội là một trong các địa phương có nhiều yếu tố tương đồng với tỉnh Quảng Nam về bảo tồn, phát triển nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, nghề dệt lụa, sản phẩm mỹ nghệ gỗ… Do đó việc liên kết giao thương, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho sản phẩm hai địa phương mở rộng thị trường, hướng đến sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối làng nghề, quảng bá sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO