Kinh doanh hàng hóa khởi sắc trở lại

VIỆT NGUYỄN 25/09/2020 10:04

(QNO) - Trái với dự đoán thị trường những tháng cuối năm ảm đạm, sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên. Các doanh nghiệp (DN) đang tập trung nguồn lực, chú trọng sản xuất, đáp ứng nguồn cung hàng hóa ra thị trường.

Sức mua ở các chợ trên địa bàn tỉnh đã tăng lên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Sức mua ở các chợ trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng lên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sức mua tăng lên

Từ khi dịch Covid-19 được khống chế đến nay, chợ Tam Kỳ nhộn nhịp, không khí mua sắm nóng lên từng ngày, sầm uất người mua kẻ bán. Bà Diệp Thị Thủy - tiểu thương bán mặt hàng giày dép, quần áo ở chợ Tam Kỳ cho biết, rất phấn khởi khi người tiêu dùng sôi động mua sắm. “Trái với không khí ảm đạm trước đây, mỗi ngày tôi bán được hàng triệu đồng. Có đồng ra đồng vào, tôi đặt hàng hóa nhiều hơn để khách hàng thỏa sức lựa chọn mua sắm thời trang” - bà Thủy nói.

Ở các khu bán mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm ở chợ Tam Kỳ đông đúc người tiêu dùng đến mua. Chị Trần Hoài Thu (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) cho biết, gia đình ở gần chợ nên đi mua sắm hằng ngày, nhất là liên tục mua hải sản, bún, mỳ, trái cây để đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe gia đình. “Kinh tế dần hồi phục nên người dân, trong đó có gia đình tôi ổn định thu nhập để đáp ứng các nhu cầu mua sắm, đặc biệt là ẩm thực mỗi ngày” - chị Thu nói.

Người dân mua sắm ở chợ Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân mua sắm ở chợ Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Các gian hàng ở chợ Hội An ắp đầy hàng hóa. Trong và ngoài chợ, các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu như bánh kẹo, đầu lân, trống lớn, trống nhỏ, quần áo trẻ em bán rất chạy. “Trung thu là tết, làm sao không tổ chức cho trẻ nhỏ vui chơi thỏa thích. Đã thành lệ, đến hẹn lại lên, hầu như mọi gia đình ở Hội An đều tổ chức Tết Trung thu tươm tất cho trẻ em” - ông Thái Hoàng Tùng (phường Sơn Phong, TP.Hội An) nói.

Ở khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên), người dân tất bật mua sắm các hàng hóa khuyến mãi giảm giá 50%, mua 2 tặng 1, đồng giá 30 nghìn đồng/sản phẩm… như quần áo, nồi, rá, đũa, chén, bát. Anh Phan Phước Vỹ - chủ cửa hàng bán các mặt hàng tiêu dùng ở chợ Nam Phước cho biết, giảm giá mạnh để tiêu thụ hết các hàng tồn. Các mặt hàng như bóp, ví, túi xách cũng được bán chạy với giá khá mềm, dao động 50 - 200 nghìn đồng/sản phẩm tùy mẫu mã, chất lượng.

Tương tự, ghi nhận ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, người dân mua sắm đông đúc trở lại. Các mặt hàng mang thương hiệu “made in Quảng Nam” như thịt gà Mười Tín, nước mắm Tam Thanh, trứng gà Văn Học, dầu phụng đất Quảng... được người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm. Đó là tín hiệu vui, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm các sản phẩm địa phương nhờ biết rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và muốn hỗ trợ DN trên địa bàn thuận tiện tiêu thụ hàng hóa.

Chủ động nguồn cung

Đón đầu thị trường cuối năm và dịp tết, các DN trên địa bàn tỉnh đang dốc sức sản xuất hàng hóa. Nhiều DN cho biết, chú trọng nhiều hơn tới đầu tư, thay đổi máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng. Đó là cách để DN giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm công lao động, đồng thời cải tiến mẫu mã, tăng sức hấp dẫn cho hàng hóa.

Đi đầu trong xu hướng này là Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ). DN này còn áp dụng cách thức tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa là đi đôi nâng cao chất lượng với giảm giá bán sản phẩm.

Anh Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật Bảo Tâm cho biết: “Chúng tôi đang chạy hết công suất để đảm bảo các mặt hàng dầu phụng, dầu mè, dầu dừa cung ứng tốt ra thị trường. Không chỉ chuẩn bị tốt nguồn hàng, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp cùng các nhà phân phối kích cầu tiêu dùng cũng như liên hệ chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo cả về chất và lượng của nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm”.

Các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chiến lược chuỗi cung ứng và địa phương hóa danh mục sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng, đồng thời ứng dụng nền tảng công nghệ số vào quản lý hàng hóa, nhất là hàng tồn kho do dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua. Các xu hướng bán hàng đã được triển khai từ thời điểm giãn cách xã hội như bán hàng online qua các kênh website, zalo, facebook, ứng dụng mobile banking của ngân hàng được các nhà bán lẻ tiếp tục triển khai để đa dạng hình thức bán hàng, kết nối, tương tác trực tiếp với người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương, thị trường trong nước đã chứng tỏ được sức mạnh như một trụ đỡ chống lại dịch Covid-19. Chính vì vậy, DN chủ động thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng khi dịch Covid-19 được khống chế là rất có ý nghĩa. Ngành công thương luôn bám sát diễn biến của thị trường cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn nếu phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh doanh hàng hóa khởi sắc trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO