Làm gì để tận dụng cơ hội từ các FTA?

VIỆT NGUYỄN 17/05/2023 16:55

Các hiệp định thương mại tự do được xem là cơ hội lớn để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tận dụng thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần sớm khai thông.

Nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh chưa tận dụng được các FTA để tăng gái trị xuất khẩu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh chưa tận dụng được các FTA để tăng gái trị xuất khẩu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 với thuận lợi nổi bật mà doanh nghiệp có thể tận dụng là ưu đãi thuế quan để gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

Tuy vậy, theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh, xuất khẩu của doanh nghiệp Quảng Nam sang châu Âu (EU) lại có xu thế giảm dần từ năm 2020 đến nay. Nếu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu qua thị trường EU đạt hơn 947 triệu USD thì đến năm 2021 là hơn 717 triệu USD và đến năm 2022 là hơn 457 triệu USD.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 4 tháng qua, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt hơn 1.197 triệu USD (giảm 29,53% so với cùng kỳ). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 542 triệu USD (giảm 14,81%), những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm may mặc, giày các loại, chip cảm ứng, kim may dệt, sản phẩm thủy sản đông lạnh, phụ kiện thiết bị vòi nước…

Ông Phan Đức Tú - Phó Giám đốc Công ty May mặc Mỹ Hưng (Thăng Bình) cho rằng, rất khó tận dụng FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. Doanh nghiệp chủ yếu gia công hàng may mặc nên chưa thể đáp ứng quy tắc xuất xứ đưa ra trong EVFTA.

Cũng do gia công hàng may mặc nên doanh nghiệp chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu. Nhiều năm qua, Công ty May mặc Mỹ Hưng vẫn chủ yếu duy trì gia công hàng hóa để xuất khẩu đến thị trường Mỹ chứ chưa thể tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU.

Nước Mỹ là thị trường chủ yếu của ngành may mặc Quảng Nam. Con số thống kê của Cục Hải quan đã đi ngược lại với kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ hơn 1,6 tỷ USD, đến năm 2021 giảm xuống còn hơn 1,3 tỷ và đến năm 2022 chỉ còn hơn 853 triệu USD.

Theo Công ty may Hòa Thọ Thăng Bình, doanh nghiệp một mặt chưa thể tận dụng các FTA để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thị trường Mỹ bỏ ngỏ, mặt khác lại đang đối diện với cạnh tranh gắt gao từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan. Nguy cơ là đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật có thể sẽ giảm xuống trong nay mai.

Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng rất quan trọng đối với xuất khẩu Quảng Nam. Các thị trường lớn như Canada hay Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Quảng Nam.

Tham gia Hiệp định CPTPP đồng nghĩa với doanh nghiệp sẽ được rộng mở cánh cửa cung ứng thực phẩm, đồ uống, dệt may, hóa chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da sang các thị trường Mexico, Singapore, Canada, New Zealand, Australia.

Tuy vậy, xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa nắm bắt cơ hội cắt giảm thuế quan đối với mỗi sản phẩm của mình; chậm kết nối thị trường; sản xuất còn nhỏ nên chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa thể cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường quốc tế.

Giải pháp nào?

Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký giữa ASEAN và 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia là FTA có quy mô lớn bao trùm 30% GDP toàn cầu nhưng vẫn chưa được doanh nghiệp Quảng Nam khai thác tốt. Điểm nghẽn nằm ở chỗ doanh nghiệp Quảng Nam kết nối, phối hợp sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu ở lắp ráp theo đơn hàng hay tham gia hoàn thiện sản phẩm hàng hóa có kỹ thuật thấp, trung bình.

Bởi vậy, rất cần thiết cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất, khắc phục tình trạng gia công hiện nay để tận dụng các FTA. Các doanh nghiệp mong mỏi Sở Công Thương tăng tần suất phổ biến thông tin về các FTA giữa nước ta với các đối tác để giúp doanh nghiệp nhận diện rõ các thách thức, thời cơ, qua đó hoạch định sản xuất, kinh doanh quy mô lớn hơn, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, luôn ở tâm thế đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ra ngoài nước, quảng bá hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu để thích ứng hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong xuất khẩu.

Một vấn đề cần các doanh nghiệp Quảng Nam giải quyết để thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa là tập trung nghiên cứu luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại, tránh các vụ việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí, nhất là tăng chất lượng hàng hóa để vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu để xuất khẩu chính ngạch hàng hóa gắn khẳng định thương hiệu, vị thế sản phẩm, hướng đến xuất khẩu bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm gì để tận dụng cơ hội từ các FTA?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO