Lao đao theo giá xăng dầu

P.V 15/03/2022 06:29

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ cuối năm 2021 đến nay xăng dầu liên tục tăng giá, và cuối tuần qua xăng RON 95 đã áp sát mức 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay, khiến người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Xăng dầu tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Xăng dầu tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: NGUYỄN QUANG

DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng được sử dụng ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội nên tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.

Anh Phạm Minh Hải (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) hành nghề xe ôm cho biết, trong năm 2021, đổ đầy bình xăng cho xe máy tốn 50 nghìn đồng thì này đã tăng hơn gấp đôi tốn đến 110 nghìn đồng. Trong khi đó, giá cước vận chuyển khách anh Hải vẫn giữ nguyên.

“Dịch bệnh Covid-19 khiến người dân rất ít đi xe ôm. Chi phí tăng lên khiến thu nhập của tôi vốn đã bấp bênh càng bấp bênh hơn” - anh Hải nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá các mặt hàng thiết yếu như rau, gạo, thịt heo, thịt bò, trứng gà, vịt trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã tăng ở mức khoảng 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại hải sản tăng ở mức 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Chị Phan Minh Thư dạo quanh chợ Tam Kỳ, lựa chọn kỹ rồi mới mua một vài món đồ tiêu dùng. Chị Thư nói: “Giá xăng dầu tăng cao, giá gas cũng tăng mạnh, hàng hóa món nào cũng tăng giá chóng mặt. Gia đình tôi hạn chế tiêu dùng trong áp lực “bão giá” hiện nay”. 

Giá xăng dầu tăng cao đã tác động lớn đến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trước tác động xấu của đại dịch Covid-19.

Anh Phan Đình Tuấn - chủ cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh (Tân Thạnh, Tam Kỳ) cho biết, sau giai đoạn cầm cự sản xuất do Covid-19, cơ sở đang tăng sản lượng hàng hóa để mở rộng cung ứng ra thị trường thì không may gặp phải lúc xăng dầu tăng giá mạnh.

Chi phí đầu vào như nguyên liệu, bao bì, nhãn mác tăng mạnh trong khi giá bán hàng hóa vẫn giữ nguyên nên đối mặt với thua lỗ. Doanh nghiệp đang cân nhắc làm việc với các đối tác để có thể tăng giá bán các loại bánh dừa tuy nhiên dự lường sẽ rất khó khi mà người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.

Cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh gặp khó khi xăng dầu tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh gặp khó khi xăng dầu tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Theo anh Tuấn, để cấp thiết giảm thiểu khó khăn các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tham mưu Chính phủ nhanh chóng điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng, dầu. Đồng thời tăng nguồn dự trữ xăng dầu để ổn định giá bán cũng như tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung.

Giá xăng dầu tăng đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng theo. Hệ lụy là chi phí sinh hoạt của người dân tăng theo, gây tâm lý e ngại và giảm bớt nhu cầu tiêu dùng. Xa hơn, nguy cơ gây lạm phát, tác động xấu đến tăng trưởng bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, giá xăng dầu tăng cao là do xung đột tại Ucraina dẫn đến sự bất ổn về nguồn cung xăng dầu và sự ngắt quãng về hoạt động sản xuất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn làm giảm sản lượng cung ứng xăng, dầu trong nước.

Sở Công Thương đang phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương để điều tiết biến động của thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Cùng với đó, giám sát, xử lý các hành vi buôn bán “té nước theo mưa”, lợi dụng xăng dầu tăng giá để tăng mạnh giá bán hàng hóa, thu lợi bất chính.

VẬN TẢI KHÁCH NGUY CƠ ĐỨNG BÁNH

Chưa đề cập đến các yếu tố khách quan khác, giá nhiên liệu xăng, dầu tăng liên tiếp ở mức cao thời gian qua khiến cho vận tải khách vốn gặp khó khăn thì nay càng lao đao, nguy cơ dừng hoạt động.

Bến phà Tam Hải - Tam Quang cố gắng duy trì hoạt động phục vụ nhân dân. Ảnh: CT
Bến phà Tam Hải - Tam Quang cố gắng duy trì hoạt động phục vụ nhân dân. Ảnh: CT

Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải QNABUS (trụ sở tại Tam Kỳ) đang quản lý, vận hành các tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Đại Lãnh, Tam Kỳ - Đại Phong, Tam Kỳ - Hội An - Điện Ngọc, Tam Kỳ - Quế Sơn và Tam Kỳ - sân bay Chu Lai. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kinh doanh bị lỗ nặng, đến nay chưa thể gượng dậy nổi.

“Vậy mà, giá nhiên liệu để vận hành phương tiện là dầu diezel tính đến ngày 12.3 vừa qua đã tăng lên 25.260 đồng/lít (tăng 44,1%), dự kiến còn tiếp tục tăng so với thời điểm kê khai giá vé xe buýt. Với giá dầu hiện tại, chi phí cho nhiên liệu đã chiếm tới 51% doanh thu, trong khi nhiên liệu chiếm khoảng 30% doanh thu thì mới đủ khả năng vận hành” - ông Nguyễn Thanh Nam, giám đốc công ty cho hay.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, sản lượng khách bình quân hiện tại đạt 20% tổng sức chứa của xe, tức là mỗi chuyến xe chỉ có 10 hành khách đi, dẫn đến doanh thu theo từng chuyến không đủ bù đắp chi phí. Muốn đảm bảo chi phí vận hành cho một chuyến xe chở 10 hành khách, giá vé phải điều chỉnh tăng gần 14 nghìn đồng/hành khách.

Đóng tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), Công ty TNHH Thương mại và vận tải Trung Trần Hòa trước đây có 8 xe khách chạy tuyến Quảng Nam - TP.Hồ Chí Minh.

Nhà xe Trần Hòa (Đại Lộc) chạy tuyến Quảng Nam - TP.Hồ Chí Minh càng gặp khó do giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: CT
Nhà xe Trần Hòa (Đại Lộc) chạy tuyến Quảng Nam - TP.Hồ Chí Minh càng gặp khó do giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: CT

Ông Trần Thanh Trung - Giám đốc công ty chia sẻ, hiện mỗi ngày doanh nghiệp chỉ sử dụng một xe chạy cầm chừng vì chi phí quá cao. Khi giá xăng dầu chưa tăng, mỗi chuyến chi phí hết 10 triệu tiền xăng dầu, bây giờ đã tăng 50%. Tuy nhiên, nhà xe không thể tăng giá vé do tình hình dịch bệnh lượng khách ít, bởi nếu tăng gần như không còn ai chọn đi xe đường dài vì giá vé cũng bằng đường sắt.

Tại bến phà Tam Hải - Tam Quang (Núi Thành), việc vận hành để vận chuyển người dân và phương tiện qua lại đang được duy trì. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải - ông Nguyễn Tấn Hùng, địa phương được giao quản lý, vận hành hoạt động của bến phà, giá vé thu theo quy định của UBND tỉnh, chủ yếu phục vụ nhân dân, không vì mục tiêu lợi nhuận. Hiện giá dầu diezel tăng cao, địa phương sẽ đảm bảo kinh phí thời gian ngắn trước mắt để sửa chữa phương tiện, phục vụ quản lý và vận hành.

Về lâu dài, ông Nguyễn Tấn Hùng kiến nghị cấp có thẩm quyền cần có giải pháp tháo gỡ, chẳng hạn như điều chỉnh tăng giá vé. Đặc biệt, việc xã hội hóa để giao trách nhiệm quản lý, vận hành bến phà cho doanh nghiệp, hay đơn vị sự nghiệp nào đó cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đối với vận tải đường bộ, ông Nguyễn Thanh Nam đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chênh lệch giá nhiên liệu cho xe buýt để duy trì phục vụ hành khách, tránh tăng giá vé đột biến; đồng thời xem xét miễn, giảm phí đường bộ. Còn theo ông Trần Thanh Trung mong muốn doanh nghiệp được hỗ trợ chênh lệch giá xăng, hoặc ít nhất cũng bình ổn, giảm giá để tháo gỡ khó khăn, tránh nguy cơ dừng hoạt động.

DOANH NGHIỆP OẰN VAI

Dịch bệnh phức tạp khiến lao động liên tục nhiễm bệnh, hoạt động sản xuất phải đứt đoạn, thu hẹp. Nay thêm giá xăng tăng giá, những doanh nghiệp sản xuất oằn vai gánh nặng.

Doanh nghiệp đang phải đối mặt cùng lúc quá nhiều thách thức để hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Ảnh: D.L
Doanh nghiệp đang phải đối mặt cùng lúc quá nhiều thách thức để hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Ảnh: D.L

Cùng một lúc, quá nhiều thách thức đến khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất đối diện với vô vàn khó khăn. Tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung (Cụm công nghiệp An Lưu, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), hoạt động sản xuất vẫn diễn ra nhưng mỗi ngày lại phải sắp xếp, luân chuyển người lao động (LĐ) cho phù hợp với tình hình. Tổng 2.200 LĐ, nhưng mỗi ngày có 22% LĐ phải nghỉ việc vì bị nhiễm bệnh, nên việc sắp xếp công việc là bắt buộc trong mỗi chuyền may giày da.

Ông Lê Châu Khương - Đại diện Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung cho biết: “Mỗi ngày bình quân có 22% người LĐ nghỉ làm việc, thì năng suất lao động giảm hơn 35%. Tính doanh thu so với năng suất LĐ hiện nay thì giá trị sản xuất giảm 20%.

Đến bây giờ, xăng tăng giá quá cao, thì đầu vào nguyên vật liệu cũng tăng theo, kéo chi chi phí sản xuất tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì công ty đã hoạt động qua 2 năm dịch kéo dài nên cũng đã tính toán đến việc người LĐ nghỉ việc làm ảnh hưởng năng suất LĐ, nên đơn giá đàm phán với đối tác đảm bảo vẫn “thở” được. Nhưng thời gian tới, giá đầu vào tăng thì khó khăn sẽ bao vây”.

Theo ông Khương, đơn giá đàm phán lâu dài, đến khi hết đơn hàng, hoặc hết một năm, chứ không có việc thay đổi đơn giá được. Vì thế công ty phải tính toán, tiết kiệm nguyên vật liệu trong khâu sản xuất, đồng thời khuyến khích người LĐ tăng năng suất LĐ. Muốn vậy phải đảm bảo thu nhập, lương thưởng cho người LĐ. Xăng tăng, Công đoàn cơ sở của công ty cũng đã đề xuất tăng chế độ hỗ trợ cho người LĐ để họ yên tâm, công ty đang xem xét để trình Tập đoàn có ý kiến.

Xăng dầu tăng giá sẽ tác động đến mọi mặt hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: D.L
Xăng dầu tăng giá sẽ tác động đến mọi mặt hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: D.L

Tại Công ty CP Hồng Đào Chu Lai (Khu công nghiệp Tam Hiệp, Núi Thành), một lúc đối mặt với nhiều thử thách khiến công ty phải cố gắng “gồng mình” để chờ đến lúc ổn định.

Như lời ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai, thì dù giá cả có tăng thế nào, DN cũng phải đảm bảo đời sống cho người LĐ nên phải cố gắng. Khó khăn được dự báo sẽ khốc liệt, nhưng DN phải đối mặt.

Ông Đào cho biết: “Giá xăng mới tăng trong bối cảnh dịch bệnh, đời sống người LĐ cũng bị ảnh hưởng nhiều, nên công ty còn phải đảm bảo thu nhập của người LĐ nữa. Vì thế chỉ còn cách cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất LĐ, nâng cao giá trị sản phẩm để khách hàng tin dùng. Từ đó thêm nhiều đối tác, nhiều đơn hàng tốt hơn”.

Xăng dầu tăng giá khiến nhiều DN sản xuất dăm gỗ đặt nhà máy ở các huyện miền núi của tỉnh như Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức... rơi vào thế khó. Vì xăng dầu tăng giá nên giá vận chuyển keo cây đến nhà máy và công đoạn vận chuyển dăm gỗ xuất khẩu cũng theo đó tăng giá hơn 20% và có thể còn cao hơn nữa. Giá vận chuyển tăng nhưng giá dăm gỗ xuất khẩu đã đàm phán với đối tác thì không tăng được, nên các nhà máy thu mua keo chắc chắn phải tính toán lại giá thu mua gỗ để băm dăm.

THỊ TRƯỜNG CHỜ BÌNH ỔN GIÁ

Là mặt hàng tác động đến hầu hết ngành sản xuất, kinh doanh, xăng dầu tăng giá đã gây ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào của rất nhiều hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, tác động rất lớn đến sức tiêu dùng và phục hồi kinh tế địa phương sau đại dịch Covid-19. Ngành chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm phần nào bình ổn giá thị trường.

Xăng dầu tăng giá khiến thị trường hàng hóa biến động mạnh. Ảnh: V.L
Xăng dầu tăng giá khiến thị trường hàng hóa biến động mạnh. Ảnh: V.L

Rục rịch tăng giá

Dự kiến trong tuần này, Nhà máy Gạch An Hòa (xã Duy Phú, Duy Xuyên) sẽ điều chỉnh tăng giá bán gạch lên 50 đồng/viên. Theo đại diện nhà máy Gạch An Hòa, dù đã cố gắng giữ mức giá cạnh tranh nhưng đến thời điểm hiện tại đơn vị khó thể tiếp tục duy trì mức giá cũ.

“Bữa này, tất cả vật liệu đầu vào đều lên giá như than đá tăng khoảng 20% nếu bán với giá cũ chúng tôi không lời, thậm chí lỗ”, vị đại diện này nói. Không chỉ gạch xây nhấp nhỏm tăng giá, hầu hết vật liệu xây dựng như xi măng, đá cát, sắt thép… cũng bắt đầu tăng giá từ 10 -23%.

Chủ một bãi cát tại Điện Bàn cho biết, từ vài ngày qua, giá cát bán tại bãi đã tăng lên 10 nghìn đồng/khối. Với những công trình ở xa hay thuộc Đà Nẵng… giá cước vận chuyển cũng tăng thêm để bù vào chi phí.

 Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam cho thấy, trong tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,2% so với tháng trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước.

Kể từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 6 đợt tăng giá liên tiếp với tổng mức biến động hơn 6.000 đồng/lít khiến hầu hết hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng bị ảnh hưởng. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới bởi giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp nhiều tháng trước đó.

Tới đầu tháng 3, một số mặt hàng thiết yếu như gas bán lẻ cũng tăng thêm 3.500 đồng/ký (tăng 42 - 45 nghìn đồng/bình 12 ký tùy loại), sữa bột tăng 5%...

Tại các chợ giá cả một vài mặt hàng thực phẩm bắt đầu “nhảy múa”, một số nhà phân phối, siêu thị trên địa bàn cũng dần điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng với hàng hóa đầu vào.

Theo bà Bùi Thị Hồng Phượng - Giám đốc Taxi Mai Linh Hội An, đơn vị đang xin phép cơ quan chức năng cho điều chỉnh giá cước theo hướng tăng thêm 1.000 đồng/km lên mức khoảng 18 nghìn đồng/km do giá xăng dầu tăng vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp.

“Trước đây khi giá xăng dầu nằm ở ngưỡng 19 - 20 nghìn đồng cước taxi đã là 17 nghìn rồi, nhưng từ đầu năm đến nay khi xăng tăng khoảng 23 nghìn lên hơn 27 nghìn đồng chúng tôi cũng không tăng giá cước vì dịch bệnh khách không nhiều, nhưng bây giờ xăng lên cao quá không thể cầm cự được, dù chúng tôi biết tăng giá cước thời điểm này rất khó khăn nhưng không tăng không được, thậm chí nếu cước cao qua khách có thể không đi” - bà Phượng chia sẻ.

Giám sát thị trường, bình ổn giá

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, việc xăng dầu tăng cao dẫn đến điều chỉnh tăng giá dịch vụ là khó tránh khỏi, nhất là dịch vụ vận tải bởi điều này phụ thuộc vào quy luật thị trường. Dù vậy, Sở Công Thương luôn bám sát diễn biến tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, tránh tình trạng khan hiếm hàng, găm hàng chờ tăng giá…

 

“Khi giá dịch vụ vận tải tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của đa số các loại hàng hóa khác. Đây là khó khăn chung của cả nước trong công tác điều hành giá, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, lúc này các công cụ điều hành như Quỹ bình ổn giá xăng dầu, công cụ về thuế, phí được đề nghị xem xét để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá tăng thế giới là quan trọng” - ông Dự phân tích.

Ngoài ra, để kiểm soát thị trường cũng cần có sự tham gia quyết liệt của các cấp ngành liên quan, trong đó có Quản lý thị trường địa phương tăng cường giám sát, quản lý địa bàn.

Theo ông Đặng Bá Dự, để bình ổn thị trường, ngoài thực hiện theo chính sách, chủ trương của Bộ Công Thương, Sở tham gia phối hợp Ban chỉ đạo 389, các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh như việc kê khai giá, niêm yết giá, xử lý các hành vi lợi dụng thị trường có biến động để thu lời bất chính, tránh tình trạng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”.

Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu, giá cả hàng hóa nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra thiếu hàng sốt giá, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, doanh nghiệp bán hàng với giá bình ổn đưa hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, thị trường có biến động mạnh.

Ngành cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối nguồn hàng góp phần ổn định thị trường, nhất là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất; nâng cao hiểu biết, thông thái của người tiêu dùng để phản ánh kịp thời những sai phạm của doanh nghiệp, những bất ổn của thị trường đến cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lao đao theo giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO