Mơ sâm từ những nhọc nhằn

PHÚ THIỆN 09/08/2022 07:10

Lễ hội sâm Ngọc Linh vừa khép lại với thành công ngoài mong đợi. Bên cạnh trình diễn nét đẹp văn hóa bản địa, đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông ở vùng cao huyện Nam Trà My đã mang đến những cây sâm Ngọc Linh đẹp nhất giới thiệu đến du khách, đó cũng là thành quả của nhiều năm ròng ấp ủ giấc mơ làm giàu từ sâm.

Du khách tham quan tại phiên chợ sâm Ngọc Linh trong khuôn khổ lễ hội. Ảnh: D.LỆ
Du khách tham quan tại phiên chợ sâm Ngọc Linh trong khuôn khổ lễ hội. Ảnh: D.LỆ

“Chân cứng đá mềm”

Hành trình lên đỉnh núi Tắk Doanh, nơi được dân làng Tắk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) bảo vệ để trồng sâm Ngọc Linh, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe máy “độ” cố nhướng lên con dốc vắt vẻo, trườn qua các thửa ruộng bậc thang để mang thực phẩm tiếp tế cho chòi canh sâm.

Ông Hồ Văn Thông (làng Tắk Ngo) cho biết, đỉnh Tăk Doanh cao nhất thôn 2, quanh năm sương phủ, rất thích hợp cho sâm Ngọc Linh phát triển. Nhưng để có được môi trường lý tưởng như đỉnh Tắk Doanh hiện tại, dân trong làng ngoài việc giữ rừng còn phải cố gắng không tác động thêm đến sinh thái.

“Ngoài các vật liệu để làm rào bảo vệ vườn như lưới thép, số lượng nhỏ bạt để che chắn sương muối, mưa đá… thì hầu như người dân không xâm hại rừng, vì cây sâm rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường xung quanh” - ông Thông nói.

Cũng vì biết tôn trọng thiên nhiên nên những người trồng sâm không sử dụng máy móc, tất cả đều dùng sức người từ việc khoanh vườn, lên luống, khai thác sâm… Vất vả nhất phải kể đến chặng đường lên vườn sâm với những con dốc cheo leo như trên đỉnh Tăk Doanh, vườn xa nhất phải mất đến 3 - 4 giờ đồng hồ kiên trì leo bộ.

Tại thôn 3 của Trà Linh, ít có những chiếc xe máy hỗ trợ việc khuân vác vì địa hình không cho phép. Chị Hồ Thị Long (làng Mong Pring) chia sẻ, bản thân đã theo mẹ chinh phục không ít đỉnh núi xa xôi để hái rau, tìm củi. Lập gia đình, chị lại cùng chồng bền bỉ với việc leo núi để bám rừng trồng sâm.

“Lúc đang mang thai đứa con đầu lòng, hai ba tháng đầu mình vẫn phụ chồng cõng lưới thép, mỗi cuộn như vậy chừng 50 ký, mỗi ngày đi 2 - 3 chuyến, vòng đi vòng về nhanh nhất cũng mất 2 giờ đồng hồ.

Chồng mình thấy vậy cũng lo lắm, nhưng mình muốn đi, mình muốn con cũng khỏe như ba mẹ để sau này đi núi đi rừng. Bây giờ 2 đứa con rồi mình vẫn cõng đồ lên vườn sâm khi cần thiết” - chị Long tâm sự.

“Ngày đơm bông”

Trồng sâm Ngọc Linh từ hơn 30 năm trước, ông Nguyễn Văn Dũng (làng Kon Ping, thôn 2, Trà Linh) được xem là một trong những người giàu có cả về kinh nghiệm và tài sản.

Niềm vui mùa hạt.
Niềm vui mùa hạt.

Ông kể ngày xưa trồng cây sâm Ngọc Linh nhiều nhưng cũng chỉ xem nó như những giống dược liệu khác. Có khoảng thời gian dài, mỗi ký sâm Ngọc Linh chỉ đổi được một chiếc quần đùi hay vài hộp diêm nhóm lửa. Nhưng người Xê Đăng vẫn kiên trì vì họ rất coi trọng công dụng của “cây thuốc giấu”.

Từ năm 2000, cây sâm Ngọc Linh bắt đầu được biết đến nhiều hơn và giá trị cũng được nâng dần lên từ đó. Trong vòng hơn 20 năm ấy, ông Dũng và đồng bào của mình trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc mà cây sâm Ngọc Linh mang lại.

“Ngày xưa trồng sâm như trồng lúa rẫy, không ai tính đến chuyện làm giàu nhờ nó cả. Khi sâm được giá thì mình cũng bắt đầu quan tâm hơn, đầu tư thêm để thuê người làm vườn, người bảo vệ, giờ cuộc sống thật sự thay đổi rồi” - ông Dũng phấn khởi.

Nhờ những vườn sâm bạt ngàn với hàng chục năm tuổi, ông Dũng giờ đã có 2 căn nhà tiền tỷ, lớn nhất làng Kon Ping, 3 chiếc ô tô và trở thành đại gia dưới chân núi Ngọc Linh. Những người trồng sâm sau này, số lượng sâm ít hơn, như vợ chồng chị Hồ Thị Long cũng tích góp được tài sản hàng trăm triệu đồng.

Tại lễ hội sâm Ngọc Linh vừa qua ở huyện Nam Trà My, khu trưng bày và giới thiệu sâm Ngọc Linh của huyện nom như những vườn sâm thu nhỏ dưới phố, bởi người dân đổ về từ các xã mang theo số lượng lớn sâm cây, lá sâm xanh mướt, sum sê phủ kín các gian hàng và hội thi sâm.

Già Hồ Văn Liêm (thôn 3, Trà Linh) chia sẻ, sâm Ngọc Linh đẹp nhất vào tháng 8, mùa thu hạt. Ở những chốt sâm lớn, hạt trổ đều, đỏ rực chân rừng. Hạt sâm được gieo lại trong đất để làm giống, phần lớn còn lại được bán với giá cao, thu về cho người dân hàng chục tỷ đồng.

Ở lễ hội sâm Ngọc Linh, người dân, doanh nghiệp ai cũng rạng rỡ, du khách đều thích thú. Họ vui vì không khí nhộn nhịp trở lại sau hơn 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, mừng vì sâm Ngọc Linh được giá sau thời gian dài kỳ công chăm sóc. Giấc mơ sâm giờ đây không chỉ của người Xê Đăng hay Ca Dong, mà đã trở thành kỳ vọng của cả quốc gia về tương lai của cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mơ sâm từ những nhọc nhằn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO